Bệnh nhân vào viện vì đau vùng hạ sườn phải, sốt cao liên tục 39-40 độ C, vàng da và niêm mạc vàng sậm. Bệnh nhân có tiền sử mổ mở 02 lần vì bệnh lý sỏi đường mật trong và ngoài gan.
Qua thăm khám và siêu âm ổ bụng, cắt lớp vi tính ổ bụng cấp cứu cho kết quả giãn toàn bộ đường mật trong và ngoài gan, nhiều sỏi trong gan và sỏi ống mật chủ kích thước 33x22mm, thâm nhiễm viêm quanh ống mật chủ và hạ sườn phải.
Bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm trùng nặng đường mật do sỏi đường mật trong và ngoài gan, sỏi ống mật chủ gây tắc mật cấp nguy cơ dọa sốc mật.
Các bác sĩ tiến hành hội chẩn liên chuyên khoa Hồi sức tích cực, Ngoại tổng hợp, Chẩn đoán hình ảnh được thiết lập ngay lập tức xử lý cấp cứu. Bác sĩ thống nhất dẫn lưu đường mật cấp cứu dưới XQuang số hoá xoá nền để giải áp đường mật cho bệnh nhân.
Can thiệp dẫn lưu đường mật hiệu quả ra ngay tại phòng can thiệp khoảng 100ml dịch mủ đường mật. Sau dẫn lưu 2 giờ ra thêm 200ml dịch vẩn đục mủ đường mật.
Bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo trong quá trình can thiệp và rất dễ chịu. Hiện tại bệnh nhân sau can thiệp tạm ổn định và được điều trị theo dõi sát tại Khoa Hồi sức tích cực.
Hình ảnh sau dẫn lưu đường mật dưới DSA.
Các bác sĩ chuẩn bị can thiệp cho bệnh nhân.
BS. Lương Thành Đạt – Khoa Ngoại Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp khuyến cáo sốc nhiễm trùng đường mật là một biến chứng cực kỳ nguy hiểm đối với bệnh nhân mắc phải bệnh lý về đường mật. Bệnh nếu không được cấp cứu kịp thời có thể ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh. Trong vòng 6 giờ từ khi có biểu hiện sốc phải giải áp đường mật, nếu không bệnh nhân có thể tử vong vì sốc nhiễm trùng.
"Dẫn lưu đường mật tạo điều kiện thuận tốt cho việc can thiệp xử lý các nguyên nhân khác như sỏi đường mật, sỏi túi mật, viêm túi mật, viêm tụy cấp, hẹp đường mật do ung thư đường mật… Nhờ vậy bệnh nhân không phải trải qua nhiều lần phẫu thuật mổ mở và cho kết quả tốt nhất, hạn chế xâm lấn và thời gian nằm viện cũng như chi phí điều trị" - BS. Đạt thông tin.