Hà Nội

Cứu bệnh nhân bị xuất huyết tiêu hóa do vỡ phình mạch máu nguy kịch

13-10-2021 11:04 | Camera bệnh viện

SKĐS - Sáng 13/10/2021, BS.CKII Phạm Thanh Phong – Phó Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết, thầy thuốc của bệnh viện đã can thiệp nội mạch cầm máu thành công một trường hợp bệnh nhân bị xuất huyết nội do vỡ phình động mạch vị tá tràng nguy kịch.

Phình động mạch vị tá tràng là một trong những dạng hiếm nhất, chỉ chiếm khoảng 1,5% trong các dạng phình mạch máu tạng, nguy cơ tử vong rất cao nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời.

Máu chảy ồ ạt do xuất huyết tiêu hóa

Ông N. N. B., 54 tuổi, sống ở Hồ Chí Minh đang sinh sống và làm việc tại tỉnh Sóc Trăng được bệnh viện địa phương chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ lúc 22 giờ 29 phút ngày 9/10/2021 với tình trạng bụng chướng, ấn đau thượng vị, đau quanh rốn, đau hông phải ngày càng nhiều kèm nôn ói nhiều.

Thầy thuốc thăm khám ban đầu phát hiện có dấu hiệu thiếu máu cấp, bụng đau và chướng nhiều. Ông B. được xử trí cấp cứu bù máu, truyền dịch…

Xuất huyết tiêu hóa do vỡ phình mạch máu tạng - Nguy hiểm nếu không xử trí kịp thời - Ảnh 1.

Xuất huyết nội do vỡ phình động mạch vị tá tràng trước khi can thiệp

Qua siêu âm bụng kiểm tra phát hiện nhiều máu đông trong ổ bụng, máu tụ sau phúc mạc. Bệnh nhân có chỉ định chụp và can thiệp nội mạch với chẩn đoán: xuất huyết nội do vỡ phình động mạch vị tá tràng do BS. CKI Phạm Minh Phước – Khoa Chẩn đoán hình ảnh thực hiện.

Kết quả ghi nhận nhiều ổ thoát mạch từ nhánh của động mạch vị tá tràng cấp máu vùng tá tràng đoạn D III, ngay lập tức êkíp tiến hành tắc mạch bằng hỗn hợp keo, chụp kiểm tra thấy tắc hoàn toàn nhánh thoát mạch. Thời gian can thiệp 40 phút, sau can thiệp, tình trạng huyết động bệnh nhân ổn định.

Sau 3 ngày can thiệp, hiện nay bệnh nhân tỉnh, sinh tồn ổn, niêm hồng, bụng mềm, không sốt, tình trạng chung ổn, đang được theo dõi và điều trị tại Khoa Ngoại Lồng ngực - Mạch máu.

Xuất huyết tiêu hóa do vỡ phình mạch - Nguy hiểm ra sao?

BS.CKII Trầm Công Chất - Trưởng Khoa Ngoại lồng ngực - Mạch máu Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ thông tin, phình mạch máu tạng là một dạng bệnh lý khá hiếm gặp (0.01-0.2% dân số) trong đó túi phình thường nằm ở các động mạch thân tạng, động mạch gan, động mạch lách. 

Xuất huyết tiêu hóa do vỡ phình mạch máu tạng - Nguy hiểm nếu không xử trí kịp thời - Ảnh 2.

Hình ảnh sau can thiệp

Theo bác sĩ, cơ chế sinh ra các túi phình chưa thực sự được hiểu rõ, nhưng đa số các trường hợp khởi phát sau viêm tụy cấp, chấn thương, sau phẫu thuật, tăng huyết áp.

Nhìn chung, túi phình thường không có triệu chứng và được phát hiện một cách tình cờ trên các khảo sát hình ảnh hoặc khi có biến chứng. Tuy nhiên, các biến chứng của nó có thể rất đa dạng và nghiêm trọng.

Xuất huyết tiêu hóa do vỡ phình mạch là bệnh cảnh hay gặp nhất (chiếm 52% trường hợp) với triệu chứng phổ biến là đau bụng, chiếm 46% các trường hợp. 

Chỉ 7,5% các bệnh nhân là không có triệu chứng. Tùy thuộc tương quan giải phẫu, kích thước và sự ăn mòn mà túi phình có thể được biểu hiện như tràn máu ổ bụng, xuất huyết tiêu hóa hoặc hiếm gặp hơn là chảy máu đường mật nếu túi phình vỡ vào ống mật chủ và ống tuỵ chính.

Tỉ lệ tử vong khi vỡ khoảng 40% phụ thuộc vào mức độ nặng, tốc độ mất máu và đặc điểm giải phẫu của vị trí vỡ. Các triệu chứng khác có thể gặp là tắc nghẽn dạ dày, nôn, có khối u ở bụng…

Trước đây, phình động mạch vị tá tràng chỉ được chẩn đoán khi đã có biến chứng vỡ. Ngày nay, với sự phát triển của các phương tiện chẩn đoán hình ảnh, việc chẩn đoán phình động mạch vị tá tràng ở những người không có triệu chứng ngày càng phổ biến hơn. 

Tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán phình động mạch vị tá tràng là chụp mạch máu với độ nhạy lên đến 100%, sau đó là chụp cắt lớp vi tính (độ nhạy 67%) và siêu âm ổ bụng (độ nhạy 50%).

Do tỉ lệ tử vong khi vỡ cao nên việc chẩn đoán và điều trị sớm phình động mạch vị tá tràng càng sớm càng tốt trước khi có biến chứng, đóng vai trò rất quan trọng. 

Các phương pháp điều trị hiện nay là phẫu thuật và can thiệp nội mạch. Việc can thiệp nội mạch đang ngày càng phổ biến hơn do những ưu điểm như xâm lấn tối thiểu, tỉ lệ thành công cao (lên đến 88,2%), và thời gian can thiệp nhanh hơn.

Can thiệp nội mạch cầm máu, bệnh nhân sẽ không phải trải qua những cuộc đại phẫu nặng nề kéo dài hàng giờ, tiềm ẩn biến chứng trong và sau phẫu thuật nguy hiểm như sốc mất máu, nhiễm trùng vết mổ... 

Can thiệp thành công cũng giúp giảm lượng máu cần truyền, giảm tỉ lệ tử vong và giảm thời gian nằm viện của bệnh nhân, thời gian thủ thuật ngắn, cầm máu được tức thì, hạn chế tối đa xâm lấn là những ưu điểm vượt trội của can thiệp nội mạch.

Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ có 2 hệ thống DSA và nhiều ê kíp có thể tiến hành can thiệp nội mạch cấp cứu với nhiều chuyên khoa khác nhau: chảy máu mũi, trong cấp cứu đột qụy, các dị dạng mạch máu não vỡ, lấy huyết khối do tắc mạch máu lớn, nong và đặt stent trong bệnh lý mạch vành cấp cứu, tạo nhịp tim cấp cứu, chấn thương gan, lách, thận, nút mạch trong ho ra máu, xuất huyết tiêu hóa do dị dạng mạch máu …đã có nhiều bệnh nhân nặng, nguy kịch được cứu sống.

Mời các bạn xem thêm video:

Các sân bay lập điểm xét nghiệm COVID-19


Phạm Phong
Ý kiến của bạn