Theo GS. TS Nguyễn Hữu Tú, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội, Trưởng khoa Gây mê hồi sức và chống đau, BV Đại học Y Hà Nội bệnh lý hẹp khít van động mạch chủ là một bệnh lý cực kỳ nguy hiểm với gây mê hồi sức và có chống chỉ định với một loạt phương pháp vô cảm, đặc biệt lại ở một bệnh nhân rất cao tuổi, các chức năng sống đã suy giảm phần lớn.
Các bác sỹ cho biết do tuổi cao, nên sau khi ngã, bệnh nhân Phạm Thị Đay-104 tuổi, là vợ và mẹ liệt sĩ (chồng hy sinh trong kháng chiến chống Pháp, con hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ) được gia đình đưa vào viện trong tình trạng rất đau đớn, mất máu nhiều.
“Đối với trường hợp bệnh nhân này, nếu không phẫu thuật, bệnh nhân sẽ phải nằm một chỗ coi như liệt tại giường trong đau đớn và đối mặt với nhiều biến chứng như nhiễm trùng, loét, viêm phổi, tắc mạch, suy hô hấp.... và nguy cơ tử vong sớm là điều khó tránh khỏi” GS Tú nói.
Để phẫu thuật cho trường hợp bệnh nhân này, các bác sĩ đã phải rất cẩn trọng hội chẩn tình trạng của bệnh nhân và bàn bạc kỹ lưỡng với gia đình bởi bệnh nhân hiện đang điều trị bệnh lý hẹp khít van động mạch chủ (đường kính van chỉ còn 0,3cm). Đây là một tình huống cực kỳ nguy hiểm khi gây mê, phẫu thuật và chống chỉ định với một loạt phương pháp gây mê, gây tê thông thường vì có thể gây ra biến chứng nặng về tuần hoàn, hô hấp và bệnh nhân có thể tử vong ngay trên bàn mổ.
Các bác sỹ cho biết, bệnh nhân này cũng không thể chờ can thiệp nong van động mạch chủ vì các lý do như biến chứng chảy máu nặng tại ổ gãy xương nếu được dùng thuốc chống đông để nong van tim và các biến chứng khác.
Sau khi đánh giá toàn diện và rất kỹ tình trạng của bệnh nhân, các bác sĩ BV Đại học Y Hà Nội đã quyết định thực hiện phương pháp vô cảm đặc biệt với mục tiêu tránh một cuộc gây mê toàn thân nhưng đảm bảo bệnh nhân không đau và không gây bất cứ rối loạn nào về hô hấp, tuần hoàn để có thể tránh các biến chứng nguy hiểm trong và sau phẫu thuật.
GS.TS Nguyễn Hữu Tú đã trực tiếp tiến hành gây mê hồi sức, kết hợp 3 kỹ thuật gây tê vùng để vô cảm cho bệnh nhân. Đó là kỹ thuật gây tê thần kinh đùi, gây tê tuỷ sống và gây tê ngoài màng cứng với liều thuốc sử dụng rất nhỏ, chỉ bằng 1/4 liều thông thường dưới hướng dẫn của siêu âm.
GS.TS Nguyễn Hữu Tú đang trò chuyện, động viên cụ bà 104 tuổi trước ngày ra viện
“Với phương pháp này, bệnh nhân hoàn toàn không đau trong suốt quá trình trong và sau phẫu thuật, hoàn toàn tỉnh táo trong khi phẫu thuật viên thực hiện kỹ thuật và cũng không có bất cứ rối loạn, biến chứng nào trong lúc phẫu thuật. Cùng với phẫu thuật viên, gây mê hồi sức đã làm nên thành công cho ca phẫu thuật đặc biệt này”- GS Tú nói.
Sau ca phẫu thuật kéo dài khoảng 1,5 tiếng, bệnh nhân tiếp tục được hồi sức, hỗ trợ hô hấp, bù máu, phục hồi chức năng...trong 5 ngày tại khoa Gây mê hồi sức và chống đau trước khi được chuyển về khoa bệnh.
Đến thăm bệnh nhân trước ngày ra viện, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên vì trước mắt là một cụ bà 104 tuổi minh mẫn, tỉnh táo, trò chuyện thoải mái với những câu nói rất dí dỏm “bao giờ chân này đi lại như chân kia bác sĩ ơi? Rồi là, tôi đang đi theo cầu thang thì hụt chân nên ngã chứ tôi tỉnh táo. Rồi, lúc ngã đau lắm, may mà vào bệnh viện nên hết đau”...
Còn anh Nguyễn Công Tuyến, con trai của bệnh nhân chia sẻ: Ban đầu gia đình chúng tôi cũng lo lắng vì mẹ tôi quá cao tuổi, có bệnh lý tim mạch nặng, đang điều trị duy trì.
“Tuy nhiên, khi nghe bác sĩ giải thích, gia đình cũng yên tâm hơn. Trước phẫu thuật, mẹ tôi như lá vàng sắp rụng, nhưng sau phẫu thuật, nhìn mẹ khoẻ lại nhanh và sắp được ra viện, chúng tôi mừng lắm. Gia đình cảm ơn các bác sĩ của BV Đại học Y nhiều”- anh Tuyến nói.
Kỹ thuât này hiện đã được giảng day và chuyển giao cho nhiều bệnh viện các tuyến.
Nhờ kỹ thuật này mà tất cả các bệnh nhân cao tuổi được phẫu thuật một cách an toàn, không đau đớn tại BV Đại học Y Hà Nội