Đêm ngày 8/5/2019, Trung tâm Sản Nhi, BVĐK tỉnh Phú Thọ tiếp nhận một trường hợp bé sơ sinh bị bỏ rơi bên đường trong tình trạng hết sức nguy kịch.
Bác sĩ Bùi Thị Nguyệt Nga – khoa Nhi Sơ sinh, Trung tâm Sản Nhi cho biết: Em bé nhập viện trong tình trạng tím tái toàn thân, không phản xạ, da tím lạnh, tim nhịp chậm, phổi thông khí kém. Xác định ban đầu đây là trường hợp trẻ sinh non, thể trạng yếu, cân nặng chỉ 1,5kg, rất nhanh chóng, các bác sĩ đã tiến hành cấp cứu cho cháu và đặt ống nội khí quản. Cháu được đưa vào nằm lồng ấp và được chỉ định làm các cận lâm sàng cần thiết.
Cháu bé sơ sinh bị bỏ rơi đang được điều trị tại Trung tâm Sản Nhi.
Ông Đặng Xuân Minh - phường Gia Cẩm, thành phố Việt Trì – người đưa cháu bé vào Trung tâm kể lại: "Khi đang trên đường về quê, đến đoạn đê xã Bản Nguyên, tôi thấy có một chiếc chăn đặt ngay bên ven đường.
Nghi có chuyện chẳng lành nên tôi dừng xe và xuống kiểm tra. Vừa mở chăn ra, tôi giật mình hoảng hốt vì thấy một em bé sơ sinh, trên người không có quần áo gì, chỉ được cuốn tạm bởi một chiếc chăn. Cháu bé khi đó rất yếu nên tôi vội vàng đưa cháu vào Trung tâm Sản Nhi để cấp cứu".
Nói về tình trạng của cháu bé, BSCKI Khổng Thị Kim Ngọc - PGĐ Trung tâm Sản Nhi kiêm Trưởng khoa Nhi Sơ Sinh cho biết: “Cháu bé bị bệnh lý màng trong – là một trong những bệnh lý điển hình và nguy hiểm đối với trẻ sinh non. Do đó, chúng tôi đã đưa ra các biện pháp điều trị phù hợp nhất, ưu tiên dùng những loại thuốc tốt nhất để có thể cứu sống được cháu.
Mặc dù xác định cháu bé không có người thân hay người bảo trợ, nhưng Trung tâm vẫn tập trung mọi nguồn lực để đảm bảo an toàn tối đa cho tính mạng của cháu”.
Sau hơn 1 tuần điều trị, hiện tại sức khỏe của cháu bé đã tạm bước qua giai đoạn nguy kịch, mọi phản xạ tự nhiên đã tiến triển hơn trước rất nhiều. Các bác sĩ đã tiến hành cai máy thở cho con, cho con ăn dinh dưỡng qua đường xông.
Bác sĩ của Trung tâm đang chăm sóc cháu bé.
Chị Tưởng Thu Huyền – Điều dưỡng trưởng khoa Nhi Sơ sinh, người trực tiếp chăm sóc con hàng ngày chia sẻ: “Mỗi lần chăm sóc cho con, các cô trong khoa vẫn dặn yêu con phải ngoan ngoãn, sớm khỏe mạnh để tìm được bố mẹ mới. Dường như cảm nhận được hơi ấm ân cần nên con thường cười mỗi khi nghe các cô nựng yêu, đôi khi con lại khóc nức nở, trông tội lắm. Con rất ngoan, ăn ngủ kỹ. Dù mới chăm con hơn 1 tuần nay, nhưng chúng tôi thấy thật sự gắn bó với cháu.
Giờ cả khoa coi cháu là con chung, không chỉ tận tình cứu chữa mà còn tận tâm chăm sóc. Chỉ mong sau này con khỏe mạnh sẽ tìm được một ngôi nhà mới yêu thương con hơn để con có được cuộc sống tốt đẹp”.