Ông Đặng Hoàng An. |
Xin ông cho biết nguyên nhân EVN cắt điện nhiều trong thời gian vừa qua?
Qua các cơ quan truyền thông, chúng tôi rất mong nhận được sự thông cảm, chia sẻ của khách hàng dùng điện và cộng đồng xã hội với những khó khăn của ngành điện trong thời gian qua. Việc điều hoà tiết giảm điện trong thời gian qua là việc làm bắt buộc để đảm bảo an toàn cho hệ thống điện quốc gia khi xảy ra tình trạng mất cân đối về cung - cầu mà nguyên nhân chính là các nhà máy thủy điện thiếu nước phát điện do khô hạn nghiêm trọng, kéo dài xảy ra từ quý III năm 2009 cho đến nay (tháng 5/2010).
Chỉ tính riêng khu vực miền Bắc, lưu lượng nước về các hồ thủy điện miền Bắc trong mùa lũ và thời gian sau mùa lũ năm 2009 suy giảm mạnh so với trung bình nhiều năm, thấp chưa từng thấy trong lịch sử.
Tình hình khô hạn khốc liệt tiếp tục kéo dài sang 5 tháng đầu năm 2010. Lượng nước về các hồ thủy điện khác đều hụt so với trung bình nhiều năm.
Trước tình hình trên, trong các tháng mùa khô từ đầu năm 2010 đến nay, EVN đã huy động toàn bộ các nguồn điện, kể cả các nguồn chạy dầu FO, DO, mua ngoài đắt tiền để đảm bảo cung ứng điện cho nhu cầu sản xuất và sinh hoạt. Tuy nhiên, có thể nói, mùa khô năm 2010 là thời gian đặc biệt khó khăn đối với công tác vận hành hệ thống điện quốc gia và đảm bảo cung ứng điện cho nền kinh tế và xã hội.
Thưa ông, lãnh đạo Bộ Công thương và EVN đã từng nhận định là lượng điện trong tháng 5 sẽ tốt hơn tháng 4. Trong khi thực tế cho thấy vẫn không khá hơn so với tháng 4 là mấy. Ý kiến của ông thế nào về vấn đề này?
Trong vận hành hệ thống điện có rất nhiều yếu tố bất thường ảnh hưởng đến cân đối cung - cầu điện như dự báo tình hình thủy văn (tình hình mưa, lũ, nước về các hồ thủy điện), độ tin cậy vận hành của các tổ máy phát điện (có sự cố hay không có sự cố), tình hình tăng trưởng của phụ tải... Trong thực tế, sản lượng điện bình quân ngày thực hiện tháng 5 vừa qua là 278,8 triệu KWh, cao hơn tháng 4 (267,8 triệu KWh). Tuy nhiên, đúng là tình hình chưa được cải thiện đáng kể do lượng nước về các hồ thủy điện miền Bắc chưa tăng nhiều, một số nguồn nhiệt điện than (kể cả cũ và mới) hoạt động không ổn định.
Xin ông cho biết khả năng cung cấp điện trong tháng 6 và những tháng tiếp theo sẽ như thế nào? Nếu vẫn tiếp tục gặp phải những bất cập như ông vừa nêu trên, ngành điện sẽ có những biện pháp gì để khắc phục nhằm ổn định việc cung ứng điện cho dân?
Nhu cầu điện trong thời gian tới sẽ tiếp tục tăng cao do miền Bắc và miền Trung bước vào mùa nắng nóng cao điểm. Trong nửa đầu tháng 6, tuỳ theo tình hình diễn biến thuỷ văn và tiến độ khắc phục sự cố của các nhà máy nhiệt điện, sản lượng điện của toàn hệ thống có thể được duy trì ở mức 275 triệu KWh/ngày, (vẫn thiếu hụt khoảng 10-18 triệu KWh so với nhu cầu).
Theo tính toán của EVN, từ sau trung tuần tháng 6, sau khi bắt đầu thời kỳ lũ sớm của các hồ chứa Hòa Bình, Thác Bà, Tuyên Quang, tình hình thủy văn được cải thiện, các hồ chứa nước sẽ được cung ứng thêm một lượng nước để đảm bảo cho phát điện. Bên cạnh đó, hiện nay các nguồn nhiệt điện than mới ở miền Bắc như Nhiệt điện Cẩm Phả 1 và một tổ máy của Nhà máy điện Sơn Động đã phát điện trở lại. Tình hình nhập khẩu điện từ Trung Quốc đã có thuận lợi hơn. Ngoài ra, công tác sửa chữa một số nhà máy nhiệt điện lớn đã cơ bản sắp hoàn thành như: Tổ máy số 1 của Nhà máy nhiệt điện Quảng Ninh (dự kiến phát điện trở lại đầu tháng 6), Nhiệt điện Hải Phòng (dự kiến trung tuần tháng 6); Tổ máy số 2 Quảng Ninh dự kiến chạy thử nghiệm đầu tháng 6. Do vậy, dự kiến từ ngày 20/6 trở đi, tình hình cung ứng điện sẽ bớt căng thẳng.
Theo quy định, ngành điện muốn cắt điện phải thông báo trước cho người dân. Tuy nhiên, nhiều địa phương vẫn còn để xảy ra tình trạng ngành điện cắt điện mà không báo trước, cắt dài ngày và cắt liên tục. Ý kiến của ông thế nào về vấn đề này, thưa ông?
Hồ thủy điện Hòa Bình thiếu nước do khô hạn. |
Theo quy định về điều kiện, trình tự và thủ tục ngừng, giảm mức cung cấp điện ban hành kèm theo Quyết định số 39/2005/QĐ-BCN ngày 25/12/2005 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công thương), đối với những trường hợp cắt điện theo kế hoạch, đơn vị bán điện phải thông báo cho khách hàng biết trước ít nhất 5 ngày, còn đối với tình huống khẩn cấp (do có sự cố hệ thống điện; do có nguy cơ gây sự cố mất an toàn nghiêm trọng cho người và thiết bị hệ thống điện; do thiếu công suất dẫn đến đe dọa sự an toàn của hệ thống điện) thì được phép cắt điện trước, sau đó thông báo cho khách hàng. Trong tháng 4 và 5/2010, Bộ Công thương, Cục Điều tiết điện lực, EVN đã tổ chức kiểm tra việc cung ứng điện tại 20 địa phương, tỉnh, thành phố. Qua kiểm tra cho thấy về cơ bản các đơn vị đã tuân thủ đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công thương cũng như các quy định liên quan trong công tác điều hoà tiết giảm phụ tải. Một số vụ việc khách hàng bị mất điện mà không thông báo trước là do sự cố đường dây và trạm. Đối với một số trường hợp cắt điện, trả điện chưa đúng như trong thông báo, lịch cắt chưa hợp lý, có khu vực còn cắt điện 2 lần trong ngày hay thông báo không đủ 5 ngày theo quy định, Bộ Công thương, EVN đã chỉ đạo các đơn vị nghiêm túc khắc phục ngay.
Trách nhiệm bồi thường của ngành điện lực nếu để hiện tượng cúp điện vô tội vạ và gây ra thiệt hại cho người dân, cho doanh nghiệp?
Tại Điều 8 của Nghị định số 74/2003/NĐ-CP ngày 26/6/2993 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực đã có các chế tài đối với các hành vi vi phạm trong cung ứng điện, trong đó đối với việc cắt điện có các hình thức xử phạt sau: Phạt tiền từ 100.000 - 300.000 đồng đối với việc đóng, cắt điện không đúng nội dung đã thông báo. Phạt tiền từ 2.000.000 - 5.000.000 đồng đối với hành vi cắt điện mà không thông báo theo quy định về trình tự, thủ tục ngừng cấp điện...
Ngoài ra, bên bán điện phải bồi thường thiệt hại cho bên mua điện trong trường hợp bán điện không đảm bảo chất lượng, không đủ số lượng điện năng theo hợp đồng đã ký gây thiệt hại cho bên mua điện (trừ sự kiện bất khả kháng).
Xin cảm ơn ông!
Phạm Chí (thực hiện)