Như Báo Sức khỏe & Đời sống đã đưa tin, khoảng 12h45 ngày 31/7, Ngô Văn Quốc (SN 1984, trú thị xã Hương Thủy, TT-Huế) dùng súng AK xông vào tiệm vàng Hoàng Đức và Thái Lợi tại chợ Đông Ba nổ súng chỉ thiên, uy hiếp chủ tiệm để cướp đi lượng lớn vàng.
Đáng chú ý, toàn bộ số vàng cướp được, đối tượng ném ra đường gần khu vực chợ Đông Ba. Thời điểm này, rất đông người dân đã dừng lại để nhặt vàng. Mặc dù nghi phạm đã bị bắt giữ ngay sau đó, tuy nhiên, số vàng cơ quan điều tra thu hồi lại không đầy đủ.
Trước sự việc trên, dư luận đặt ra câu hỏi đối tượng cướp sẽ bị xử lý như thế nào và những người dân đã dừng lại để nhặt vàng nếu không trả lại sẽ bị truy cứu trách nhiệm ra sao?.
Trả lời PV Báo Sức khỏe & Đời sống, Luật sư Quách Thành Lực (Giám đốc Công ty Luật Pháp Trị) cho biết, Điều 168 Bộ luật Hình sự xác định các dấu hiệu cơ bản của tội cướp tài sản như sau: "Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản….".
Như mô tả trong cấu thành trên đây với tội cướp tài sản, mục đích chiếm đoạt tài sản là dấu hiệu bắt buộc. Nếu không có mục đích chiếm đoạt thì hành vi "dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được" không phải là tội cướp tài sản.
Tuy nhiên mục đích "nhằm chiếm đoạt tài sản" được hiểu theo nghĩa rộng, phổ quát. Theo đó "nhằm chiếm đoạt tài sản" được hiểu là mong muốn ngăn cản, chiếm giữ, tước đoạt tạm thời hoặc vĩnh viễn quyền sở hữu, sử dụng tài sản của người khác. "Nhằm chiếm đoạt tài sản" không chỉ hiểu theo nghĩa hẹp là chiếm đoạt tài sản của người khác làm của riêng cho bản thân người chiếm đoạt.
Trong vụ việc trên đối tượng đã sử dụng súng bắn vỡ kính nơi để vàng, đây là hành vi sử dụng vũ lực. Tại thời điểm đối tượng mang vàng ra khỏi quầy hàng của chủ tiệm vàng thì mục đích chiếm đoạt của đối tượng đã được thể hiện trên thực tế. Lúc này, tội cướp tài sản đã hoàn thành.
Hành động mang vàng phân phát cho người dân sau đó của đối tượng không ảnh hưởng, làm mất đi mục đích chiếm đoạt của người phạm tội, không ảnh hướng đến việc xác định trách nhiệm hình sự của tội cướp tài sản.
Về hình phạt, chỉ riêng với tội cướp tài sản, thuộc trường hợp: "Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30%; Sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác; Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng" người phạm tội có thể bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm theo khoản 2, điều 168 Bộ luật hình sự.
Ngoài tội danh trên, với hành vi sử dụng vũ khí quân dụng của đối tượng còn phạm tội sử dụng trái phép vũ khí quân dụng với hình phạt tù từ 1 năm đến 7 năm.
Cũng theo Luật sư Quách Thành Lực, đối với người dân nhặt được vàng của đối tượng cướp tài sản không chịu giao nộp dù được cơ quan chức năng yêu cầu thì có thể thể bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm giữ trái phép tài sản nếu số tài sản trị giá dưới 10.000.000 đồng hoặc bị xử lý hình sự với hành vi chiếm giữ trái phép tài sản nếu số tài sản trị giá từ 10.000.000 đồng trở lên. Với tội danh chiếm giữ trái phép tài sản người phạm tội có thể bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm theo điều 176 Bộ luật hình sự.
"Vàng do đối tượng chiếm đoạt trái phép từ tiệm vàng ném ra đường được xác định là vật chứng của vụ án hình sự có ý nghĩa quan trọng trong việc giải quyết vụ án. Do vậy, lực lượng công an có thẩm quyền xử lý đối với số vàng trên, cũng như yêu cầu những cá nhân nhặt được vàng giao nộp lại cho cơ quan điều tra tạm giữ", Giám đốc Công ty Luật Pháp Trị nhấn mạnh.
Xem thêm video:
Toàn cảnh vụ cướp tiệm vàng ở Huế