Cường kinh: Nguyên nhân, biểu hiện, cách điều trị và phòng bệnh

14-02-2025 06:00 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Cường kinh là tình trạng bệnh lý được xác định thông qua việc bị mất máu quá nhiều hoặc kéo dài trong thời gian hành kinh, có tác động tiêu cực đến chất lượng cuộc sống của phụ nữ.

1. Nguyên nhân gây cường kinh

Có nhiều nguyên nhân gây ra hiện tượng rối loạn kinh nguyệt ở phụ nữ. Tuy nhiên, phần lớn nằm ở sự mất cân bằng nội tiết tố hoặc do một số bệnh lý gây nên. Các nhóm tác nhân chủ yếu cần được chú ý như sau:

  • Người có xơ tử cung hoặc polyp lòng tử cung.
  • Lạc nội mạc trong cơ tử cung.
  • Rối loạn rụng trứng: thường gặp ở tuổi dậy thì, tiền mãn kinh hoặc ở bệnh nhân có hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) hoặc nhược giáp.
  • Ung thư: cường kinh có thể gặp ở những bệnh nhân ung thư nội mạc tử cung.
  • Rối loạn chức năng đông cầm máu.
  • Do thuốc: các loại thuốc chống đông máu hoặc aspirin có thể khiến máu khó cầm dẫn đến tình trạng cường kinh.
  • Các nguyên nhân khác ít gặp hơn như viêm nội mạc tử cung, viêm vùng chậu. Sảy thai hoặc thai ngoài tử cung cũng có thể gây ra huyết bất thường giống rong kinh. Đôi khi không tìm được nguyên nhân.

Ở độ tuổi tiền mãn kinh hay khi bắt đầu xuất hiện kinh nguyệt, ở phụ nữ sẽ xuất hiện hiện tượng rối loạn, có nhiều sự thay đổi nhất định trong nội tiết tố (hormone). Hàm lượng hormone dao động nhiều sẽ khiến hành kinh xuất hiện nhiều, khó kiểm soát. Sự rối loạn hay mất cân bằng chính là nguyên nhân chính dẫn đến bệnh lý phổ biến này.

Bệnh lý u xơ tử cung cũng là nguyên nhân hay gặp gây cường kinh ở phụ nữ khoảng 30 đến 40 tuổi, nguyên nhân chính là tử cung có một khối u xơ đang phát triển, khiến xuất hiện sự bất thường trong hormone estrogen.

2. Triệu chứng cường kinh

Cường kinh: Nguyên nhân, biểu hiện, cách điều trị và phòng bệnh- Ảnh 1.

Cường kinh có thể gặp ở bất kỳ thời điểm nào trong độ tuổi sinh sản.

  • Ra huyết kéo dài trên 7 ngày. Thời gian hành kinh của một người bình thường sẽ kéo dài trong khoảng 3 - 5 ngày hoặc 2 - 7 ngày. Nếu tình trạng này kéo dài quá 7 ngày thì rất có thể bạn đã bị rong kinh. Nhưng nhiều chị em lại thường nhầm lẫn với hiện tượng cường kinh. Khi lượng máu kinh ra nhiều hơn so với bình thường và kéo dài quá 7 ngày thì có thể bạn đã mắc cả 2 bệnh cường kinh và rong kinh.
  • Ra huyết thấm hết 1 băng vệ sinh hoặc nhiều hơn trong vòng 1 giờ trong vài giờ liên tiếp.
  • Cần thay băng vệ sinh trong đêm.
  • Ra huyết có cục máu đông lớn hơn ¼ kích thước băng vệ sinh.

Ở giai đoạn hành kinh, người bình thường chỉ mất một lượng máu khoảng 60ml. Việc thay băng vệ sinh sẽ diễn ra sau 3 - 4 giờ. Đối với ngày đầu tiên của chu kỳ thì lượng máu chảy ra sẽ nhiều hơn so với những ngày tiếp theo. Tình trạng này vẫn được xem là hoàn toàn bình thường.

Trong trường hợp lượng máu kinh chảy ra nhiều hơn trên 80ml khiến bạn phải thay băng vệ sinh liên tục từ 1 - 2 giờ. Đây có thể là một trong những dấu hiệu nhận biết cường kinh. Lúc này, bạn nên hẹn gặp bác sĩ để tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh, từ đó đưa ra biện pháp chữa trị kịp thời.

3. Cường kinh có lây không?

Có nhiều nguyên nhân gây ra hiện tượng rối loạn kinh nguyệt này ở phụ nữ. Tuy nhiên, phần lớn nằm ở sự mất cân bằng nội tiết tố hoặc do một số bệnh lý gây ra, vì thế đây không phải bệnh lý lây nhiễm nên không thể lây.

4. Phòng ngừa cường kinh

Cường kinh là một rối loạn kinh nguyệt nếu xảy ra trong một thời gian dài, sẽ làm cho sức khỏe của người phụ nữ bị ảnh hưởng nặng nề, đặc biệt là không tốt cho sức khỏe sinh sản. Để hạn chế, phòng ngừa tình trạng cường kinh xuất hiện, nên thực hiện:

  • Chế độ sinh hoạt lành mạnh, cần có sự cân bằng giữa làm việc và nghỉ ngơi. Tâm trạng luôn giữ ổn định, vui vẻ và thoải mái. Cùng với đó kết hợp các bài tập thể dục, yoga, đi bộ,...thường xuyên giúp tăng sức khỏe, sức đề kháng của người phụ nữ.
  • Đảm bảo chế độ ăn có đầy đủ các loại dưỡng chất. Bổ sung thêm nhiều chất xơ, vitamin từ các loại rau xanh, trái cây giúp sức khỏe được nâng cao. Khuyến khích chị em phụ nữ ăn chế độ lành mạnh, hạn chế đồ nhiều dầu mỡ và tuyệt đối không nên sử dụng các chất kích thích như bia, rượu, cà phê, thuốc lá,...
  • Vệ sinh vùng kín một cách thường xuyên và đúng cách. Nên sử dụng nước muối sinh lý, lựa chọn đúng loại dung dịch vệ sinh phù hợp với cơ địa. Phòng tránh các loại bệnh phụ khoa, bằng cách thường xuyên thay băng vệ sinh trong thời gian chu kỳ kinh nguyệt, luôn giữ cho vùng kín thoáng mát.
  • Tuyệt đối không nên sử dụng các loại thuốc điều trị khi không có sự tư vấn và chỉ định của bác sĩ.

Trong thời gian kinh nguyệt, nên chú ý tới sức khỏe của bản thân. Nếu thấy có những dấu hiệu bất thường, cần liên hệ ngay với bác sĩ uy tín để được thăm khám và điều trị kịp thời.

5. Điều trị cường kinh

Nếu người bệnh bị cường kinh do mắc các bệnh phụ khoa ở mức độ nhẹ hoặc mất cân bằng hormone thì bác sĩ sẽ sử dụng một số loại thuốc như:

  • Hormone: Thuốc ngừa thai chứa nội tiết có thể giúp giảm lượng máu kinh ở những trường hợp cường kinh do rối loạn phóng noãn, PCOS, lạc nội mạc trong tử cung hoặc u xơ tử cung. Liệu pháp hormone thường được áp dụng cho những bệnh nhân tiền mãn kinh. Dụng cụ tử cung chứa nội tiết cũng là một lựa chọn để điều trị cường kinh.
  • Đồng vận GnRH: Loại thuốc này có tác dụng làm ngưng ra kinh và giảm kích thước khối u xơ tử cung, tuy nhiên tác dụng này là tạm thời. Khi bạn ngừng thuốc, triệu chứng ra huyết và kích thước khối u sẽ sẽ quay trở lại như cũ. Do các tác dụng phụ nghiêm trọng của thuốc, thuốc chỉ được khuyến cáo dùng ngắn hạn (ít hơn 6 tháng).
  • Tranexamic acid: thuốc có tác dụng cầm máu.
  • NSAIDs: có tác dụng kiểm soát chảy máu và giảm đau bụng kinh.
  • Bóc u xơ tử cung hoặc nội soi buồng tử cung cắt bỏ khối u xơ hoặc polyp: được áp dụng để điều trị cường kinh do polyp hoặc u xơ tử cung.
  • Đốt nội mạc tử cung: Phẫu thuật này sẽ phá hủy lớp nội mạc tử cung dẫn đến dừng hành kinh hoặc giảm lượng máu kinh. Phương pháp này giúp bảo tồn tử cung tuy nhiên không bảo tồn chức năng sinh sản. Rất khó để thụ thai sau khi thực hiện phẫu thuật này.

Khi các phương pháp điều trị khác không hiệu quả và bệnh nhân không muốn duy trì chức năng sinh sản, có thể xem xét đến phẫu thuật cắt tử cung.

10 nguyên nhân gây cường kinh10 nguyên nhân gây cường kinh

Sự cố ra kinh nhiều hay xảy ra ở phụ nữ trẻ - những người chưa hình thành các chu kỳ kinh có rụng trứng và những phụ nữ sắp đến tuổi mãn kinh.



BS. Lê Đào Minh
Ý kiến của bạn