Nguyên nhân gây cường giáp
Các yếu tố có thể gây cường giáp bao gồm:
Bệnh Basedow (bệnh Graves)
Đây là nguyên nhân phổ biến gây ra các trường hợp cường giáp. Thường gặp ở phụ nữ từ 20-50 tuổi, nhưng cũng có thể gặp ở nam giới hoặc bất kỳ lứa tuổi nào. Cơ chế của bệnh là hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công tuyến giáp. Điều này làm cho tuyến giáp của bạn tạo ra quá nhiều hormone tuyến giáp. Basedow là bệnh có tính chất di truyền. Nếu một thành viên trong gia đình bạn mắc bệnh Basedow, thì có khả năng những thành viên khác trong gia đình cũng sẽ mắc bệnh này.
Các nhân tuyến giáp hoạt động quá mức
Các nhân tuyến giáp là những cục u trong tuyến giáp. Các nhân tuyến giáp phổ biến và thường lành tính, chỉ có 1 tỷ lệ rất nhỏ chứa tế bào ung thư. Tuy nhiên, một hoặc nhiều nhân tuyến giáp có thể hoạt động quá mức và sản xuất nhiều hormone hơn nhu cầu của cơ thể bạn.
Viêm tuyến giáp gây cường giáp
Là tình trạng tuyến giáp bị viêm, có thể đau hoặc không đau. Khi viêm tuyến giáp phá hủy cấu trúc thông thường của các nang tuyến giáp. Điều này dẫn đến hormone tuyến giáp dự trữ bị rò rỉ ra ngoài tuyến giáp. Điều này có thể xảy ra trong vòng một năm sau khi sinh (viêm tuyến giáp sau sinh). Sau khi mắc viêm tuyến giáp, tuyến giáp của bạn có thể không thể phục hồi, dẫn đến suy giáp.
Một số loại viêm tuyến giáp có thể gây ra tình hoạt động quá mức ở tuyến giáp và sau đó gây ra suy giáp: viêm tuyến giáp bán cấp; viêm tuyến giáp sau sinh, viêm tuyến giáp âm thầm.
Tiêu thụ quá nhiều i ốt
Nếu bạn có nguy cơ mắc bệnh cường giáp và tiêu thụ quá nhiều i ốt (thông qua chế độ ăn uống hoặc thuốc men), điều đó có thể khiến tuyến giáp của bạn sản xuất nhiều hormone tuyến giáp hơn. I ốt là một khoáng chất mà tuyến giáp của bạn sử dụng để tạo ra hormone tuyến giáp. Tiêm tĩnh mạch chất cản quang i ốt (thuốc nhuộm i ốt) cũng có thể gây cường giáp.
Ngoài ra còn có một số nguyên nhân khác như dùng nhiều thuốc nội tiết tố tuyến giáp.
Điều trị cường giáp
Có nhiều lựa chọn điều trị cho cường giáp. Tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh, bác sĩ sẽ xác định kế hoạch điều trị tốt nhất.
Các lựa chọn điều trị cho cường giáp bao gồm:
Thuốc kháng giáp methimazole (Tapazole) hoặc propythiouracil (PTU). Những loại thuốc này ngăn chặn khả năng tạo ra hormone của tuyến giáp.
I ốt phóng xạ. Trong trường hợp này thường dùng i ốt phóng xạ đường uống. I ốt phóng xạ tác động đến các tế bào tuyến giáp hoạt động quá mức, làm hỏng các tế bào này. Sau đó tuyến giáp của bạn sẽ co lại và nồng độ hormone tuyến giáp giảm xuống trong vài tuần.
Phẫu thuật. Các bác sĩ có thể loại bỏ tuyến giáp của bạn thông qua phẫu thuật (cắt bỏ tuyến giáp). Điều này sẽ điều chỉnh chứng cường giáp của bạn. Tuy nhiên nó thường gây ra suy giáp (tuyến giáp hoạt động kém), cần bổ sung hormon tuyến giáp suốt đời để giữ mức hormone bình thường.
Thuốc chẹn beta. Những loại thuốc này ngăn chặn hoạt động của hormone tuyến giáp trên cơ thể. Chúng không làm thay đổi mức độ hormone trong máu của bạn, nhưng chúng có thể giúp kiểm soát các triệu chứng như nhịp tim nhanh, căng thẳng và run do cường giáp gây ra. Phương pháp điều trị này không được sử dụng một mình và thường được kết hợp với một lựa chọn khác để điều trị cường giáp trong thời gian dài.
Phòng ngừa bệnh cường giáp
Hiện chưa có phương để ngăn ngừa cường giáp. Tuy nhiên có thể giảm nguy cơ mắc bệnh bằng các thói quen sau:
- Kiểm tra nồng độ hormon trong suốt thai kỳ và 6 tháng sau sinh
- Chế độ dinh dưỡng và tập luyện đóng vai trò quan trọng trong việc giảm các nguy cơ dẫn tới bệnh cường giáp
- Ăn chế độ giàu đạm, calo, uống nhiều nước
- Bổ sung các thực phẩm giàu chất oxy hóa (các loại quả mọng, quả có múi), rau xanh đặc biệt là các rau họ cải
- Hạn chế sử dụng đồ ăn nhiều chất béo, dầu mỡ, đồ chế biến sẵn, nhiều chất phụ gia
- Không hút thuốc lá và tránh khói thuốc. Hạn chế sử dụng rượu bia và các chất kích thích, gây nghiện
- Thường xuyên tập thể dục để tăng cường hệ miễn dịch
- Có lối sống khoa học, ngủ đủ giấc, tránh làm việc gắng sức, tránh các tình huống căng thẳng, stress
Đặc biệt, bạn cần thăm khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần và thăm khám chuyên khoa ngay khi cơ thể có những biểu hiện bất thường. Việc phát hiện sớm bệnh giúp ích rất nhiều cho quá trình điều trị.