Cường giáp là gì?
Cường giáp là tình trạng tuyến giáp hoạt động quá mức dẫn đến sản xuất nhiều hormone giáp hơn bình thường. Hậu quả làm gia tăng nồng độ hormone lưu hành trong máu, gây ra những tổn hại về mô và chuyển hóa.
Dấu hiệu nhận biết cường giáp?
Cường giáp có biểu hiện gì? Người bệnh mắc cường giáp có thể dễ dàng phát hiện thông qua các triệu chứng như:
- Sút cân
- Hồi hộp, trống ngực
- Cơn nóng bừng, vã mồ hôi, khát nước
- Run tay biên độ nhỏ, tần số nhanh, tay nóng ẩm
- Đại tiện phân lỏng do tăng nhu động ruột
- Thay đổi khí sắc: lo lắng, dễ cáu gắt…
- Một số người bệnh có thể thấy mắt lồi hơn và cổ to hơn so với bình thường…
ThS.BSNT Phạm Thị Hồng Nhung thông tin về bệnh lý cường giáp.
Nguyên nhân gây cường giáp
Vì sao bị cường giáp? Bệnh cường giáp có nhiều nguyên nhân gây ra, thường gặp nhất là Basedow chiếm khoảng 90%. Basedow là bệnh tự miễn, cơ thể sinh ra kháng thể kích thích tuyến giáp tổng hợp hormone.
Ngoài ra còn một số nguyên nhân khác gây cường giáp như:
- Giai đoạn đầu của viêm tuyến giáp mạn tính
- Bướu nhân đơn nhân hoặc đa nhân độc
- Chửa trứng
- U tuyến yên tiết TSH …
Nếu không điều trị, cường giáp có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm. Biến chứng nguy hiểm nhất là cơn nhiễm độc giáp cấp hay còn gọi là “Bão giáp” có tỷ lệ tử vong cao dù được phát hiện và điều trị. Cơn bão giáp điển hình bao gồm ý thức lú lẫn, hôn mê, sốt cao 38-41 độ, mất nước nặng, nhịp tim nhanh > 150 lần/ phút, tức ngực, suy tim, tụt huyết áp…
Cần làm gì để giảm các triệu chứng do cường giáp gây ra?
Người bệnh mắc cường giáp có thể gặp các triệu chứng như hồi hộp đánh trống ngực, run tay… Điều trị quan trọng nhất là đưa cơ thể về trạng thái bình giáp. Trong lúc đợi bình giáp, người bệnh sẽ được sử dụng một số loại thuốc để giảm các triệu chứng.
Cường giáp do Basedow khi nào cần phẫu thuật?
Bệnh Basedow có thể điều trị ổn định, người bệnh có thể trở về bình giáp như người bình thường. Có 3 phương pháp điều trị bệnh Basedow: điều trị nội khoa (bằng thuốc), điều trị iốt phóng xạ và điều trị phẫu thuật. Thời gian điều trị nội khoa kéo dài 12-24 tháng.
Sau khi trở về trạng thái bình giáp, dù được điều trị bằng phương pháp nào người bệnh vẫn cần được theo dõi và thăm khám định kỳ vì vẫn có nguy cơ tái phát. Trước khi quyết định ngừng thuốc, các bác sĩ cần cân nhắc các yếu tố nguy cơ tái phát.
Đối với người bệnh Basedow, phương pháp phẫu thuật thường được lựa chọn khi thất bại với điều trị nội khoa và iốt phóng xạ. Một số trường hợp được chỉ định phẫu thuật bao gồm:
- Phụ nữ mong muốn có thai cần sớm đạt bình giáp
- Bướu giáp to chìm trong lồng ngực
- Basedow phối hợp với bướu đa nhân…
Sau khi phẫu thuật cường giáp, bệnh nhân cần lưu ý gì?
Đối với phẫu thuật tuyến giáp có thể cắt bỏ một phần hoặc cắt toàn bộ tuyến giáp. Trong trường hợp cắt toàn bộ người bệnh có nguy cơ mắc suy tuyến cận giáp (tuyến tiết hormone liên quan đến chuyển hóa canxi). Lúc này người bệnh cần dùng canxi và vitamin D dạng hoạt động thường xuyên trong suốt quãng thời gian còn lại. Ngoài ra còn có các biến chứng khác như liệt dây thanh.
Sau khi phẫu thuật, người bệnh thường đạt trạng thái bình giáp. Tuy nhiên một số có thể cường giáp trở lại hoặc suy giáp. Vì vậy, sau khi phẫu thuật người bệnh vẫn cần thăm khám định kỳ thường xuyên.
Xem thêm video được quan tâm:
Loại Quả Màu Tím Giúp Bổ Mắt, Phòng Đủ Bệnh | SKĐS