Thứ Hai, 30/12/2024 01:34 (GTM+7)

Hà Nội

Cường giáp ảnh hưởng đến thai kỳ như thế nào và lưu ý khi dùng thuốc

28-06-2023 07:05 | An toàn dùng thuốc

SKĐS - Cường giáp trong thai kỳ nếu không được kiểm soát tốt, có thể gây những biến chứng khó lường cho cả sản phụ và thai nhi. Nếu mắc cường giáp trong thai kỳ, người bệnh cần tuyệt đối tuân thủ chỉ định điều trị của bác sĩ…

‏1. Ảnh hưởng của cường giáp đến thai kỳ‏

‏Cường giáp là tình trạng xảy ra do tăng nồng độ hormone tuyến giáp. Bệnh có thể bắt đầu xuất hiện trong 3 tháng đầu của thai kỳ hoặc ở phụ nữ đã bị bệnh trước đó. Các triệu chứng điển hình của cường giáp trong thai kỳ bao gồm tim đập nhanh và không đều, không chịu được nóng, cảm thấy mệt mỏi, run tay, tăng hoặc giảm cân bất thường… ‏

‏Theo ThS. BSNT Phạm Thị Hồng Nhung, Khoa Nội tiết, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, khi bị bệnh cường giáp mà không được kiểm soát tốt, sản phụ phải đối mặt với những nguy cơ đẻ non, tiền sản giật, suy tim, nhiễm độc giáp cấp...‏

‏Ngoài ra, đối với thai nhi, tình trạng này có thể dẫn tới đứa trẻ bị tim bẩm sinh, thai nhi chậm phát triển, trẻ dễ bị đẻ non, thai nhi chết lưu, có thể bị dị tật bẩm sinh. Khoảng 1% số em bé sinh ra từ những người mẹ mắc bệnh cường giáp cũng sẽ bị cường giáp sau khi sinh. Chính vì vậy, việc kiểm soát tốt bệnh cường giáp cho phụ nữ có thai là vô cùng quan trọng.

ThS. BSNT Phạm Thị Hồng Nhung, Khoa Nội tiết, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 thông tin về những lưu ý khi điều trị cường giáp trong thai kỳ.

2. Điều trị cường giáp trong thai kỳ‏

‏Trường hợp cường giáp nhẹ (triệu chứng nghèo nàn, nồng độ hormone giáp tăng nhẹ), có thể chưa cần điều trị bằng thuốc. Thay vào đó, người bệnh cần tuân thủ chế độ ăn uống, nghỉ ngơi phù hợp và tái khám định kỳ để theo dõi tình trạng sức khỏe.‏

‏Khi cường giáp nặng, phụ nữ mang thai có thể được chỉ định điều trị dùng thuốc hoặc phẫu thuật tuyến giáp.

Thông thường, điều trị thuốc sẽ được ưu tiên hơn. Phẫu thuật được chỉ định trong các trường hợp người bệnh không thể điều trị bằng thuốc (có thể do dị ứng…). Tuy nhiên, phẫu thuật cắt bỏ một phần hay hoàn toàn tuyến giáp cho phụ nữ mang thai cũng cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định bởi các rủi ro trong gây mê. ‏

‏Chống chỉ định điều trị i-ốt phóng xạ cho phụ nữ có thai vì i-ốt phóng xạ qua nhau thai gây mất chức năng tuyến giáp của đứa bé sau này.‏

photo-1687755623961

‏Điều trị dùng thuốc thường được ưu tiên hơn trong điều trị cường giáp ở phụ nữ có thai.‏

‏3. Một số lưu ý khi dùng thuốc điều trị cường giáp ở phụ nữ có thai‏

‏Nhiều người bệnh lo lắng khi sử dụng thuốc trị bệnh cường giáp trong thai kỳ. Tuy nhiên, việc điều trị sẽ được ưu tiên, bởi nếu cường giáp không được kiểm soát tốt có thể dẫn đến những biến chứng khó lường nguy hại hơn.‏

‏Bác sĩ chuyên khoa nội tiết thường chỉ định hai loại thuốc kháng giáp propylthiouracil và methimazole để kiểm soát tình trạng cường giáp ở phụ nữ mang thai. Người bệnh cần tuân thủ đơn thuốc của bác sĩ, đảm bảo uống thuốc đều đặn, tốt nhất là nên uống cùng một thời điểm trong các ngày, tránh quên liều. ‏

‏Ngoài ra, nếu người bệnh có các triệu chứng như hồi hộp, đánh trống ngực, tim đập nhanh, run rẩy… cần điều trị, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc ức chế beta giao cảm để giảm bớt triệu chứng. Thông thường nếu bệnh cường giáp đã được kiểm soát bằng thuốc kháng giáp, các triệu chứng này sẽ không còn và người bệnh sẽ không cần dùng thuốc ức chế beta giao cảm.‏

‏Trong quá trình dùng thuốc, người bệnh cần lưu ý:

  • ‏Không tự ý dừng thuốc hoặc đổi thuốc khi chưa có ý kiến của bác sĩ.‏
  • ‏Trường hợp quên uống 1 liều thuốc, hãy uống ngay khi nhớ ra. Tuy nhiên, nếu thời gian gần với liều kế tiếp, hãy bỏ qua liều đã quên và dùng liều kế tiếp như bình thường. Lưu ý không uống gấp đôi liều để bù cho liều đã quên.‏
  • ‏Tuân thủ lịch tái khám định kỳ để bác sĩ điều chỉnh liều lượng thuốc thích hợp, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực đến cả mẹ và bé.‏
Bệnh cường giáp có chữa khỏi được không? Khi nào cần mổ, uống i-ốt phóng xạ?Bệnh cường giáp có chữa khỏi được không? Khi nào cần mổ, uống i-ốt phóng xạ?

SKĐS - Hiện nay, có 3 phương pháp điều trị bệnh cường giáp bao gồm dùng thuốc, i-ốt phóng xạ và phẫu thuật tuyến giáp. Tùy vào tình trạng, bác sĩ sẽ chỉ định phác đồ phù hợp để nhanh chóng đưa người bệnh về trạng thái bình giáp…

Mời bạn đọc xem tiếp video:

Hai Loại Thực Phẩm Bị Nghi Làm Tăng Đột Biến Số Ca Ung Thư Đại Trực Tràng | SKĐS

Minh Tâm
Ý kiến của bạn