Cưỡng chế trái pháp luật, đẩy người khuyết tật vào hoàn cảnh khốn khó

17-05-2019 07:11 | Thời sự
google news

SKĐS - Sau khi báo Sức khỏe&Đời sống số 70 và 72 đăng các bài phản ảnh về vấn đề Trung tâm Dạy nghề tư thục nhân đạo Minh Tâm (TT Minh Tâm) có dấu hiệu lừa đảo... và tự ý khi đơn phương chấm dứt hợp đồng, nhẫn tâm đẩy hàng chục học sinh khuyết tật ra đường, chúng tôi đã nhận được nhiều phản ảnh và đơn thư của các trẻ khuyết tật thuộc Công ty CP Phát triển việc làm và hỗ trợ người khuyết tật Thanh Nhã (Công ty Thanh Nhã) tố cáo TT Minh Tâm có nhiều hành vi xâm hại nghiêm trọng đến quyền của người khuyết tật, khiến nhiều người rơi vào cảnh màn trời chiếu đất, không chỗ nương thân.

Nhiều người khuyết tật rơi vào cảnh khốn khó

Như đã phản ánh ở các số báo trước, do mâu thuẫn nên ngày 15/4/2019, TT Minh Tâm đã bất ngờ ra Thông báo đơn phương chấm dứt Hợp đồng (01/HĐHTKD, 11/2/2016, có thời hạn đến 2026) với Công ty Thanh Nhã. Sau khi nhận được bản Thông báo này, phía Công ty Thanh Nhã đã có ngay văn bản phúc đáp không đồng ý với việc chấm dứt hợp đồng của phía TT Minh Tâm. Tuy nhiên, đến ngày 3/5, TT Minh Tâm đã cho người đến đọc thông báo sẽ cho người đến “cưỡng chế” thu hồi đất, đuổi Công ty Thanh nhã ra khỏi đất của Trung tâm. Và nghiêm trọng hơn, ngày 6/5, bà Vũ Thị Xiêm - Giám đốc TT Minh Tâm đã tự ý cho người đến đập phá, “cưỡng chế”, tháo dỡ đồ đạc, trang thiết bị, cơ sở vật chất và xua đuổi người của Công ty Thanh Nhã... Đặc biệt, người của bà Xiêm còn vứt ra ngoài các thành phẩm, vải vóc, nguyên vật liệu, kim chỉ... gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng cho Công ty Thanh Nhã.

Chiều ngày 10/5, nhiều người khuyết tật thuộc Công ty Thanh Nhã đã kéo đến trụ sở UBND xã Dị Nậu để kêu cứu khi TT Minh Tâm tự ý, đơn phương chấm dứt hợp đồng và chỉ cho các học viên của Công ty Thanh Nhã 3 ngày để chuyển ra nơi khác. Việc này khiến nhiều người khuyết tật không biết “đi đâu, về đâu”? Chị Đào Thị Chăm (học viên khuyết tật thuộc Công ty Thanh Nhã) cho biết: “Bà Xiêm thông báo cho 3 ngày phải chuyển xuống chỗ khác ở, chúng tôi là người của Công ty Thanh Nhã, bây giờ chúng tôi hoang mang không biết đi đâu về đâu? Xưởng may cũng bị thu dọn hết rồi, chúng tôi không biết làm gì”.

Còn theo đơn thư của nhiều học viên khuyết tật thuộc Công ty Thanh Nhã gửi đến chúng tôi phản ánh, chúng tôi làm việc, ăn, ngủ ở đây rất ổn định nhưng gần đây không hiểu Công ty Thanh Nhã của chúng tôi có vấn đề gì với Minh Tâm mà họ lại đến chửi bới và cho người tháo dỡ mái nhà nơi chúng tôi đang ở, phá khóa và vứt hết đồ đạc ra ngoài sân khiến chúng tôi vô cùng hoảng loạn. Trung tâm là đơn vị bảo trợ và hỗ trợ người khuyết tật mà lại có hành vi xâm hại nghiêm trọng đến quyền của người khuyết tật... Họ nhẫn tâm đẩy người khuyết tật chúng tôi vào cảnh màn trời chiếu đất, không chỗ nương thân...

Trung tâm Dạy nghề tư thục nhân đạo Minh TâmKhu trang trại được dựng tạm làm nơi ở mới dành cho người khuyết tật của Công ty Thanh Nhã.

Được biết, sau khi làm đơn tố cáo nhiều “sai phạm” của TT Minh Tâm đến nhiều cơ quan chức năng huyện, thành phố và trong khi chờ đợi các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, đến nay (ngày 16/5), Công ty Thanh Nhã đã phải vay mượn, bỏ ra vài trăm triệu đồng mua máy móc (máy khâu công nghiệp), vật dụng... và dựng tạm lán trại ở khu trang trại cũ, hẻo lánh nằm cách Trung tâm Minh Tâm gần 2km... thuộc xã Hiệp Thuận (H. Phúc Thọ) để làm nơi ăn ở, ngủ nghỉ và làm việc cho người khuyết tật.

Trung tâm Minh Tâm có quyền ra thông báo cưỡng chế?

Chị Chu Thị Nhã (Giám đốc Công ty Thanh Nhã) cho biết: Việc Trung tâm Minh Tâm đơn phương chấm dứt hợp đồng sau đó tiến hành “cưỡng chế” nhà xưởng, máy móc khi mà tòa án chưa giải quyết đã khiến công ty chúng tôi tổn thất rất lớn về cả tinh thần lẫn tài sản. Hiện tại, tôi đã làm đơn kêu cứu đến Công an huyện Thạch Thất, Công an Hà Nội và nhiều cơ quan chức năng để xem xét giải quyết.

Cũng trong ngày 10/5/2019, UBND xã Dị Nậu đã mời đại diện Trung tâm Minh Tâm và Công ty Thanh Nhã đến làm việc, đồng thời yêu cầu hai bên cần tôn trọng nhau, hai bên có quyền chấm dứt hợp tác kinh doanh nhưng phải thương lượng, nếu không thương lượng được thì yêu cầu tòa án giải quyết. Tuy nhiên, Trung tâm Minh Tâm vẫn một lần nữa phớt lờ yêu cầu của UBND xã Dị Nậu, cho tiến hành “cưỡng chế”, đẩy người khuyết tật và Công ty Thanh Nhã ra khỏi trung tâm.

Nói về vấn đề này, luật sư Nguyễn Hồng Thái - Công ty luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và đồng nghiệp cho biết, Trung tâm Minh Tâm không phải là cơ quan nhà nước nên không có quyền ra thông báo cưỡng chế. Đối với tranh chấp hợp đồng kinh tế, nếu không thương lượng được thì phải đưa ra tòa án giải quyết và phải bồi thường thiệt hại khi đơn phương chấm dứt hợp đồng.

Để làm sáng tỏ sự việc, chúng tôi đã có cuộc trao đổi qua điện thoại với ông Kiều Hoàng Tuấn - Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất, được biết: “Hiện nay, chỗ Công ty Thanh Nhã đã có đơn tố cáo Trung tâm Minh Tâm là “lừa đảo”. Về việc này, Chủ tịch UBND huyện đã giao Công an huyện xác minh, điều tra. Khi nào có kết quả thì sẽ thông tin lại”.

Đến liên hệ đặt lịch làm việc với Công an huyện Thạch Thất thì có được thông tin: “Hiện Công an huyện Thạch Thất đã thụ lý hồ sơ tố cáo Trung tâm Minh Tâm lừa đảo. Đang trong quá trình điều tra và tập hợp hồ sơ. Khi nào có kết quả sẽ thông tin tới báo”.

Thiết nghĩ, trước việc nhiều người dân tố cáo bà Vũ Thị Xiêm - Giám đốc Trung tâm Minh Tâm có dấu hiệu “lừa đảo”, vay tiền nhưng đến hạn không trả (đã đăng trong các số báo 70, 72) và việc tự ý, đơn phương chấm dứt hợp đồng đẩy nhiều người dân và người khuyết tật ở nơi đây rơi vào cảnh khó khăn đã khiến dư luận bất bình và đặt ra “nghi vấn”, phải chăng huyện Thạch Thất là “ốc đảo” muốn làm gì thì làm của riêng gia đình bà Xiêm. Chúng tôi đề nghị các cơ quan có thẩm quyền vào cuộc điều tra và xử lý trong thời gian sớm.

Báo SK&ĐS sẽ tiếp tục thông tin.


Nhóm Phóng viên
Ý kiến của bạn