Hà Nội

Cưỡng chế Công viên nước Thanh Hà, vì sao có bất đồng?

14-02-2020 08:34 | Xã hội
google news

SKĐS - Tại cuộc họp giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội mới đây, trao đổi xung quanh việc cưỡng chế Công viên nước Thanh Hà, lãnh đạo quận Hà Đông khẳng định, trong quá trình xử lý vi phạm tại đây, quận đã trực tiếp gặp gỡ vận động, yêu cầu tự giác tháo dỡ nhưng chủ đầu tư không thực hiện.

Tuy nhiên, Công ty cổ phần phát triển địa ốc Cienco 5 (chủ đầu tư công viên nước) lại cho rằng quận Hà Đông đã thực hiện không đúng quy định pháp luật về cưỡng chế hành chính, gây thiệt hại cho doanh nghiệp hàng trăm tỷ đồng.

Quận nói cưỡng chế đúng - doanh nghiệp nói sai

Thông tin với báo chí, ông Nguyễn Quang Ngọc - Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông, Hà Nội cho biết: Công viên nước Thanh Hà thuộc dự án Cienco 5 (phường Phú Lương) được chủ đầu tư xây dựng không có phép. Các cơ quan chức năng quận Hà Đông đã lập các biên bản, hồ sơ xử lý vi phạm. Quá trình lập hồ sơ xử lý, cơ quan chức năng đã gửi đầy đủ thông báo cho chủ đầu tư gồm quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, quyết định cưỡng chế, thông báo yêu cầu thực hiện, chấp hành các quyết định xử lý của quận Hà Đông, ông Ngọc cho rằng quận đã làm đúng thủ tục theo quy định của pháp luật.

Trước ý kiến cho rằng có một số hạng mục của Công viên nước Thanh Hà không thuộc hạng mục cưỡng chế, ông Ngọc cho biết đã lập hồ sơ xử lý vi phạm hành chính, vi phạm trật tự xây dựng công trình không phép đối với 19 hạng mục thuộc dự án này. Trong quá trình triển khai thực hiện quản lý trật tự xây dựng và xử lý vi phạm trật tự xây dựng, từ UBND cấp phường tới UBND quận đã trực tiếp gặp gỡ doanh nghiệp, vận động, thuyết phục, yêu cầu chủ đầu tư tự giác tháo dỡ, Phó Chủ tịch quận Hà Đông cho biết.

Đến ngày 26/11/2019, chủ đầu tư đã có Công văn số 19 thông báo sẽ tự giác tháo dỡ, bắt đầu từ 6/12/2019. Tuy nhiên, qua kiểm tra báo cáo của các đơn vị, đến hết thời hạn áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả, cũng như chính tinh thần văn bản của chủ đầu tư xin được tự giác tháo dỡ, thực tế chủ đầu tư vẫn không tự giác tháo dỡ các hạng mục công trình vi phạm. Chính vì vậy UBND quận Hà Đông đã theo quy trình, trình tự pháp luật giao UBND phường Phú Lương tổ chức lực lượng cưỡng chế, xử lý vi phạm. Toàn bộ 19 hạng mục nằm trong các quyết định vi phạm đã bị xử lý.

Cưỡng chế Công viên nước Thanh HàCông viên nước Thanh Hà bị xử lý vi phạm.

Tuy nhiên, theo Công ty Cổ phần Phát triển địa ốc Cienco 5, khi nhận được  quyết định của UBND quận, công ty đã tháo dỡ các hạng mục. Do khối lượng  công việc nhiều và các hạng mục lắp đặt tại công viên có kết cấu kỹ thuật phức tạp... nên công ty này đã đề nghị quận Hà Đông gia hạn và tạo điều kiện để xử lý các thiết bị theo quy trình. Tuy nhiên, ngày 15-16/1/2020 các cơ quan chức năng quận Hà Đông  đã tiến hành cưỡng chế.

Công ty Cổ phần Phát triển địa ốc Cienco 5 cho rằng, quận Hà Đông đã không tháo dỡ các hạng mục kỹ thuật lắp đặt trong khuôn viên Công viên nước Thanh Hà mà thực hiện phá dỡ, đập bỏ. Toàn bộ tài sản với giá trị hàng trăm tỷ đồng của công ty đầu tư tại công viên nước đã bị hủy hoại và không có giá trị sử dụng, gây thiệt hại cho doanh nghiệp hàng trăm tỷ đồng.

Có hay không việc tiếp tay của chính quyền cơ sở?

Theo ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, đang có lỗ hổng trong quản lý trật tự xây dựng đô thị khi một công viên nước hoành tráng xây dựng không phép giữa Thủ đô, đi vào hoạt động sau 6 tháng mới bị cưỡng chế. Người ta vẫn cho rằng có lợi ích nhóm, có sự chung tay của cán bộ quản lý cấp phường, cấp quận, rồi không làm gì, để mặc chủ dự án muốn làm gì thì làm. Theo pháp luật về đất đai, UBND cấp phường trực tiếp phát hiện, xử lý các vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn, trường hợp vượt thẩm quyền sẽ báo cáo cấp trên xử lý, ông Võ nêu ý kiến.

Cũng theo ông Đặng Hùng Võ, với tất cả những công trình xây dựng không phép, sai phép, bất kể quy mô lớn hay nhỏ thì đều cần áp dụng hình thức cưỡng chế kết hợp với hình phạt bổ sung thật nặng để ngăn ngừa sai phạm. Vì mức phạt hành chính trong lĩnh vực vi phạm trật tự xây dựng hiện nay rất thấp, nên chưa có sức răn đe với các chủ dự án có thể thu lợi rất lớn từ các dự án vi phạm.

Trả lời câu hỏi của báo chí về việc tranh cãi có hay không việc tiếp tay, buông lỏng quản lý về trật tự xây dựng của cán bộ, chính quyền cơ sở? Ông Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông cũng cho biết thêm, hiện UBND quận đang xem xét trách nhiệm của các cơ quan quản lý xây dựng và cá nhân có liên quan đến công trình này, trách nhiệm đến đâu sẽ xử lý đến đó.

Dư luận cho rằng, về thẩm quyền, quận Hà Đông là cơ quan có trách nhiệm quản lý tất cả dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn. Cần truy trách nhiệm của cán bộ quản lý cấp quận, cấp phường để xảy ra vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn. Việc đập bỏ công trình sai phép, không phép là cần thiết, là thực hiện nghiêm theo quy định của pháp luật nhằm chấm dứt tình trạng phạt cho tồn tại như trong thời gian qua.


Lâm Viên
Ý kiến của bạn