Năm 1966, Vòng tay học trò của Nguyễn Thị Hoàng được xuất bản thành sách, in lần thứ nhất đã 5000 cuốn và chỉ trong vòng mấy tháng đã tái bản 4 lần, vừa được công chúng đón nhận nồng nhiệt vừa gây ra những tranh cãi không ngớt. Dù vẫn chưa hề có một phê bình nhận định đầy đủ trên quan điểm thuần túy văn học về tác phẩm và trường hợp một tác giả, Nguyễn Thị Hoàng cùng sự nghiệp văn chương của bà vẫn nổi lên như một đóa hoa rực rỡ của văn nghệ miền Nam.
Vòng tay học trò được tái bản sau 55 năm
Để giới thiệu đến bạn đọc tác giả này, đồng thời cũng tìm kiếm thêm một góc nhìn vào văn nghệ miền Nam, Nhã Nam tái bản Vòng tay học trò, cùng 4 cuốn tiểu thuyết nữa của bà: Một ngày rồi thôi, Cuộc tình trong ngục thất, Tiếng chuông chờ người tình trở về, Tuần trăng mật màu xanh. Cũng dịp này, Nhã Nam đã mời nhà văn Nguyễn Thị Hoàng ra Hà Nội, để tổ chức một buổi giao lưu, gặp gỡ bạn đọc vào sáng 18/4/2021 tại số 3 Nguyễn Quý Đức, Hà Nội.
Năm 1964 bà bắt đầu viết tác phẩm đầu tiên Vòng tay học trò dưới bút danh Hoàng Đông Phương. Tác phẩm được đăng dưới hình thức nhiều kỳ trên tạp chí Bách Khoa, vừa được công chúng đón nhận nồng nhiệt vừa gây ra những tranh cãi không ngớt. Năm 1966, Vòng tay học trò được xuất bản thành sách.
Từ năm 1965 đến 1975, bà xuất bản gần 30 cuốn gồm tiểu thuyết và tuyển tập truyện ngắn. Sau đó Nguyễn Thị Hoàng im tiếng suốt 15 năm vì những chuyển dời bất định trong cuộc sống riêng, trước khi trở lại vào năm 1990 với tập ghi chép Nhật ký của im lặng.
Ở lần xuất bản này, phía Nhã Nam đã cùng với tác giả chuẩn bị bản thảo cẩn thận, chỉn chu. Mọi chỉnh sửa dù là nhỏ nhất đều được bàn bạc kỹ lưỡng trước khi đi đến bản in cuối cùng. Một số cuốn, ngay cả bản thảo gốc mà tác giả đang giữ, cũng bị thiếu trang, Nhã Nam đã phải kỳ công truy tìm nhiều bản in cũ từ những nhà sưu tầm sách hiếm, để có được bản thảo đầy đủ nhất.
Có thể nói sau nhiều thập kỷ, 5 tác phẩm của Nguyễn Thị Hoàng không chỉ được xuất bản phục hồi nguyên trạng mà còn kèm theo một số điều chỉnh, bổ sung; tất cả được gói lại trong một diện mạo mới, với bìa cứng sang trọng, hiện đại nhưng vẫn phảng phất nét cổ điển gợi nhớ một thời.
Không chỉ là chuyện tình, 5 cuốn tiểu thuyết này còn là những hoài niệm sâu đậm về thời gian, không gian từng nuôi dưỡng tâm hồn nhà văn suốt cuộc đời (Một ngày rồi thôi); nỗi niềm và suy tư của người đàn bà giữa thời tao loạn (Tiếng chuông gọi người tình trở về); thái độ và khát vọng sống của con người trong tấm lưới chiến cuộc bủa vây (Tuần trăng mật màu xanh và Cuộc tình trong ngục thất).
Qua những tác phẩm này, mọi người có thể dò tìm được mạch ngầm tư tưởng của tác giả. Và trên hết, thấy lại chút chứng tích tâm thức của một thời đã qua.