Sau bệnh ung thư và tim mạch thì mù lòa là nỗi sợ hãi cho tất cả mọi người. Một khảo sát trong cộng đồng ghi nhận chỉ 20% bệnh nhân biết rằng cườm nước là bệnh do tăng áp lực ở trong mắt; 50% người khảo sát nghe đến tên “bệnh cườm nước” nhưng không biết bệnh này là bệnh gì và 30% chưa bao giờ nghe đến “bệnh cườm nước”.
Bệnh glôcôm là gì?
Bệnh glôcôm, dân gian gọi là bệnh cườm nước hay bệnh thiên đầu thống, là một nhóm bệnh làm tăng nhãn áp tổn hại thần kinh thị giác. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, thần kinh thị giác sẽ bị hư hại; nặng nề dẫn đến tình trạng mù. Mù này thường không thể phục hồi gây mù vĩnh viễn.
Theo các nghiên cứu mang tính dự báo trong khu vực và trên thế giới, uớc tính sẽ có 80 triệu người mắc bệnh glôcôm vào năm 2020, chiếm tỉ lệ 2,86% trên quần thể dân số trên 40 tuổi. Đa số những người mù do glôcôm hiện nay sống ở các nước đang phát triển, đặc biệt ở những vùng nông thôn, nơi thiếu các dịch vụ chăm sóc mắt hoặc khó tiếp cận tới các dịch vụ đó. Có tới 47% lượng người bệnh glôcôm nằm tại châu Á. Các nước Đông Nam Á vào năm 2010 có khoảng 4,2 triệu người bệnh glôcôm, và quần thể dân số trên 40 tuổi bị glôcôm chiếm tỉ lệ khoảng 2,38% (gần 2 triệu người). Vào năm 2020 số lượng này sẽ tăng lên khoảng 6 triệu người (theo điều tra của Quigley và Broman).
Tại Việt Nam qua điều tra RAAB (Rapid Assessment of Avoidable Blindnes) năm 2007, tỉ lệ mù hai mắt do glôcôm ở người > 50 tuổi chiếm 6,5%, đứng thứ hai trong các nguyên nhân gây mù ở Việt Nam. Việt Nam hiện nay có khoảng 24.800 người mù do Glôcôm... Trong các nguyên nhân gây mù 2 mắt, bệnh glôcôm đứng vị trí thứ 3 (chiếm 4%) sau bệnh đục thể thủy tinh (7,4%) và các bệnh bán phần sau (6,3%). Vậy có khoảng 13.160 người mù 2 mắt do glôcôm.
Diễn tiến âm thầm
Phần đông các bệnh nhân bị glôcôm không có triệu chứng nào báo động. Bệnh glôcôm có rất nhiều loại - bệnh glôcôm thông thường nhất là bệnh glôcôm góc mở. Với bệnh này, bệnh nhân thường thường không có triệu chứng chi cả. Áp lực trong mắt của bệnh glôcôm góc mở tăng lên từ từ; cho nên bệnh nhân thường không bị đau đớn chi cả và không có triệu chứng. Tầm nhìn của bệnh nhân mất từ từ ở chung quanh, nhìn mờ dần và cuối cùng là mù hoàn toàn.
Không giống như glôcôm góc mở, những bệnh nhân bị glôcôm góc đóng có áp lực trong mắt tăng lên rất cao đột ngột làm cho mắt đau nhức, nhìn mờ, đau đầu, buồn nôn. Tuy nhiên, bệnh glôcôm góc đóng cũng có thể biểu hiện âm thầm (glôcôm góc đóng mạn tính) làm bệnh nhân không để ý; cuối cùng tổn hại thần kinh mắt.
Thông thường là do bệnh không được phát hiện sớm, bệnh nhân lầm tưởng với cườm khô, mờ do cận thị ở người lớn tuổi; do tầm nhìn bị thu hẹp từ từ nên bệnh nhân không biết; sau khi phẫu thuật bệnh nhân không đi tái khám; bệnh nhân không tuân thủ phác đồ điều trị; do thất bại trong điều trị, đến giai đoạn cuối teo toàn bộ thần kinh trong mắt và dẫn đến mất dần thị lực.
Bệnh glôcôm - ai dễ mắc?
Tất cả mọi người ở mọi lứa tuổi và ở mọi chủng tộc cũng có thể bị glôcôm. Thường thường thì những người lớn tuổi bị bệnh glôcôm nhiều hơn các trẻ em.
Tuy nhiên có một số nhóm người sau đây có nguy cơ bệnh cao hơn: người trên 40 tuổi, người có bệnh đái tháo đường hay cao huyết áp, người có tiền căn gia đình đã mắc bệnh glôcôm, người bị viễn thị, giác mạc (tròng đen) nhỏ, người có tiền sử dùng thuốc nhóm steroid đường toàn thân hoặc tra mắt trong thời gian dài, cận thị nặng, có tiền căn chấn thương hay phẫu thuật mắt.
Bệnh glôcôm - không thể chữa khỏi
Bệnh glôcôm không có thể chữa hết được và những tầm nhìn nào đã bị mất không thể hồi phục được. Với những thuốc nhỏ cho glôcôm và những phẫu thuật tối tân cho glôcôm hiện nay, các bác sĩ chỉ có thể làm cho bệnh glôcôm tiến triển chậm lại mà thôi. Bệnh glôcôm là một bệnh kinh niên. Bệnh này phải được theo dõi cả đời. Ðể giúp cho bệnh nhân giữ được tầm nhìn của họ, bệnh glôcôm phải được định bệnh và chữa trị một cách chính xác.
Để điều trị có hiệu quả, điều quan trọng nhất đối với các bệnh nhân glôcôm hoặc nghi ngờ glôcôm là việc chẩn đoán sớm, điều trị lâu dài và được bác sĩ chuyên khoa mắt theo dõi chặt chẽ. Điều này sẽ giúp bệnh nhân kiểm soát được áp lực nội nhãn và ngăn ngừa sự tổn hại tầm nhìn. Việc cần nhất phải làm là dùng thuốc nhỏ mắt hằng ngày theo toa của bác sĩ chuyên khoa glôcôm. Ngoài ra, phẫu thuật là rất cần thiết để cứu vãn thị lực và tầm nhìn cho bệnh nhân trong trường hợp điều trị bằng thuốc và laser không hiệu quả.