Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia yêu cầu các đơn vị, địa phương phải xây dựng các kế hoạch chuyên đề đấu tranh có trọng tâm, trọng điểm tại địa bàn, lĩnh vực quản lý để tổ chức phát hiện, phối hợp đánh trúng đối tượng đầu nậu, đầu sỏ... Trước đó, tại nhiều địa phương, các lực lượng chức năng đã liên tiếp triệt phá các vụ vận chuyển hàng lậu, thu giữ nhiều loại mặt hàng.
Liên tiếp bắt giữ hàng lậu tại nhiều địa phương
Mới đây nhất, vào lúc 20 giờ ngày 27/11, tại khu vực đường mòn cánh gà bên phải Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh (khu vực đường mòn cách biên giới khoảng 450m, hướng từ Campuchia về phía Việt Nam), Chi cục Hải quan Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh phối hợp với lực lượng Trạm Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh phát hiện các đối tượng là cửu vạn vùng biên lợi dụng đêm tối, địa hình phức tạp vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới bằng hình thức chia nhỏ hàng hóa gùi, cõng đưa từ Campuchia về Việt Nam bằng các đường mòn, lối mở khu vực biên giới. Tiến hành bắt giữ các đối tượng, lực lượng chức năng thu giữ 45 cây thuốc lá nhãn hiệu Canyon, 33 cây thuốc lá nhãn hiệu Dom, 100 cây thuốc lá nhãn hiệu Cow Boy Original. Tổng cộng 1.780 gói. Số hàng hóa trên không rõ xuất xứ. Tuy nhiên, các đối tượng đã bỏ chạy khi bị phát hiện. Chi cục Hải quan Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh tạm giữ tang vật vi phạm để xử lý các bước tiếp theo đúng quy định.
Lực lượng hải quan kiểm tra lô tang vật rượu ngoại nhập lậu.
Tại TP.HCM, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ - Công an TP.HCM đã phát hiện container BKS 71R-1039 có biểu hiện nghi vấn tại bãi xe huyện Bình Chánh. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện bên trong container chứa hàng trăm thiết bị điện tử, điện lạnh mang nhiều nhãn hiệu nổi tiếng đã qua sử dụng nhập khẩu. Đây là mặt hàng nằm trong danh mục cấm nhập khẩu vào Việt Nam. Lực lượng chức năng đã đưa container này về kho tang vật để xử lý.
Cũng tại TP.HCM, qua nghi vấn một lô hàng được nhập khẩu từ Mỹ về Việt Nam theo loại hình phi mậu dịch, khai báo hàng nhập khẩu là chuột máy tính và bàn phím. Tuy nhiên, Đội Kiểm soát Hải quan và Chi cục Hải quan chuyển phát nhanh, thuộc Cục Hải quan TP.HCM phát hiện có nhiều nghi vấn nên tiến hành khám xét.
Qua kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện bên trong chứa 144 điện thoại iphone 6, 7 và ipad, kèm theo phụ kiện, đa phần là hàng mới 100%. Điều tra ban đầu, người nhận lô hàng trên là một cá nhân có địa chỉ tại quận 1, TP.HCM.
Theo số liệu thống kê của Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh, lũy kế từ 1/1 - 12/11/2017, Hải quan Quảng Ninh đã phát hiện, bắt giữ 611 vụ. Trong đó có 346 vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới với trị giá hàng vi phạm là 15,44 tỷ đồng; 14 vụ gian lận thương mại và 251 vụ vi phạm thủ tục hải quan.
Theo đánh giá của Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh, năm 2017, hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới trên tuyến đường bộ thuộc địa bàn quản lý của Hải quan Quảng Ninh vẫn diễn biến phức tạp, chủ yếu là hàng có thuế suất cao, hàng nhập khẩu có điều kiện, hàng cấm như: thuốc lá ngoại, rượu ngoại, điện thoại di động, pháo nổ... Hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa tập trung tại khu vực địa bàn TP. Móng Cái.
Kiểm soát chặt chẽ hàng hóa có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng
Theo Cục Điều tra chống buôn lậu, thuộc Tổng cục Hải quan (TCHQ), ngay từ đầu năm, Bộ Tài chính đã yêu cầu TCHQ chỉ đạo lực lượng kiểm soát hải quan bám sát các chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo (BCĐ) 389 Quốc gia, BCĐ 138/CP, Bộ Tài chính..., tăng cường triển khai hiệu quả hàng loạt giải pháp chống buôn lậu nhằm đấu tranh triệt để đối với hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng qua biên giới, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, góp phần răn đe, phòng ngừa, hạn chế phát sinh tội phạm trong lĩnh vực này.
Trong 10 tháng đầu năm 2017, vấn nạn buôn lậu và buôn bán hàng giả vẫn diễn ra khá nóng. Theo cơ quan chức năng, có dấu hiệu các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thường xuyên có sự dịch chuyển hàng hóa nghi vấn qua lại giữa các cảng. Các đối tượng còn gian lận trong việc nhập - xuất kho ngoại quan tái xuất đi các cửa khẩu biên giới phía Bắc. Ngoài ra, tội phạm còn lợi dụng chính sách hàng quá cảnh để khai báo sai, trong quá trình vận chuyển sẽ rút hàng ra tiêu thụ tại Việt Nam hoặc thẩm lậu ngược vào Việt Nam qua đường mòn biên giới.
Mặt hàng buôn lậu nhiều nhất trong năm qua chủ yếu là điện thoại di động, xì gà, lá khô chứa chất ma túy và chất hướng thần; mặt hàng thuộc danh mục CITES (Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp) như ngà voi cất giấu trong các hộp gỗ đóng trong container khai báo là gỗ xẻ hộp nhập khẩu từ châu Phi...
BCĐ 389 Quốc gia cho hay, 10 tháng đầu năm 2017 đã phát hiện, xử lý trên 181.000 vụ việc vi phạm (tăng gần 35% so với cùng kỳ năm 2016); thu ngân sách nhà nước đạt gần 19.000 tỷ đồng; khởi tố trên 1.600 vụ vi phạm, hơn 2.000 đối tượng.
Hiện BCĐ 389 Quốc gia chỉ đạo sát sao các đơn vị, địa phương tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong dịp Tết Nguyên đán; xây dựng các kế hoạch chuyên đề đấu tranh có trọng tâm, trọng điểm tại địa bàn lĩnh vực quản lý để tổ chức phát hiện, phối hợp đánh trúng đối tượng đầu nậu, đầu sỏ. Trong đó, BCĐ 389 quốc gia lưu ý các đơn vị cần đặc biệt lưu ý quản lý, kiểm soát chặt chẽ đối với hàng cấm, hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng hóa có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng...