Khoảng 171 triệu cử tri Indonesia được vận động tham gia bầu Quốc hội. Tuy nhiên, tổng tuyển cử này còn mang ý nghĩa một cuộc trắc nghiệm đối với Tổng thống mãn nhiệm, ông Susilo Bambang Yudhoyono. Bởi theo quy định của Hiến pháp, một đảng chính trị phải hội đủ ít nhất 25% phiếu cử tri trên toàn quốc, thì mới được quyền giới thiệu ứng cử viên Tổng thống.
Theo kết quả không chính thức dựa trên một phần nhỏ phiếu đã kiểm do hai viện thăm dò độc lập có uy tín tại Indonesia là LSI và LP3ES, công bố mới đây, thì đảng Dân chủ của Tổng thống Yudhoyono dẫn đầu với khoảng 20% số phiếu, theo sau là hai đảng Golkar của nhà cựu độc tài Suharto và đảng Dân chủ Indonesia đấu tranh của cựu Tổng thống Sukarnoputri, được khoảng trên dưới 15%. Tuy nhiên các tỷ lệ này chỉ dựa trên kết quả kiểm phiếu đầu tiên tại khoảng 2.000 phòng phiếu, chủ yếu tại miền Đông Indonesia, trong lúc trên toàn quốc có tới 520.000 phòng phiếu. Thế nhưng, theo các nhà phân tích, kết quả tạm thời đó cũng tương ứng với các cuộc thăm dò trước ngày bầu cử, theo đó đảng của ông Yudhoyono sẽ dẫn đầu. Nhìn chung, giới quan sát cho rằng cuộc bầu cử diễn ra trong một bầu không khí tốt, ngoại trừ tại vùng Papua New Guinea đòi ly khai, nơi có 5 người thiệt mạng trong một số vụ tấn công tình nghi do phong trào nổi dậy tiến hành...
Vợ chồng Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono đi bỏ phiếu. Ảnh: AP |
Đây là lần tổng tuyển cử thứ ba từ ngày chế độ độc tài Suharto sụp đổ năm 1998. Nhận định của The Economist về Indonesia thật rõ ràng: Quốc gia Hồi giáo lớn nhất hành tinh đã thay đổi từ một chính thể chuyên chế sang thành một mô hình dân chủ. Theo The Economist, cuộc khủng hoảng tài chính châu Á cuối thập niên 90 đã góp phần thúc đẩy tiến trình dân chủ hóa tại hai nước khởi điểm khủng hoảng, đó là Thái Lan và Indonesia.
Vào thời đó, triển vọng ổn định chính trị tại Thái Lan có phần tươi sáng hơn Indonesia. Thái Lan là một quốc gia thuần nhất, quân đội Thái có vẻ như đã đồng ý rút ra khỏi đời sống chính trị, một bản hiến pháp mới được soạn thảo, với một chế độ bầu cử không một chút tỳ vết.
Còn Indonesia, vào năm 1998, chỉ mới hồi tỉnh sau 32 năm dài sống dưới chế độ độc tài Suharto, với nhiều hệ quả đáng ngại: máu đổ trên đường phố Jakarta, xung đột với các phong trào ly khai ở các tỉnh ngoại vi, sự bùng nổ vô trật tự của các hoạt động chính trị bị đàn áp dữ dội dưới thời Suharto, một số hoạt động đó lại gắn với chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan.
Không giống như quân đội Thái Lan đã trở lại chính trường với cuộc đảo chính vào năm 2006, quân đội Indonesia vẫn ở yên trong doanh trại của mình. Và cũng không giống như Philippines, nơi mà các cuộc bầu cử bị súng đạn, với hàng chục vụ ám sát, Indonesia được hưởng một bầu không khí an lành hơn rất nhiều.
Cho dù tỷ lệ tham nhũng tại Indonesia hiện vẫn đứng đầu khu vực, thế nhưng chính quyền của Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono đã kiên quyết tấn công vào tệ nạn này.
Tình hình chính trị Indonesia đã ổn định hơn. Tổ chức Jemaah Islamiya, chi nhánh của Al Qaeda trong khu vực, tác giả vụ khủng bố đẫm máu tại Bali năm 2002 cùng với nhiều vụ tấn công khác, đã bị khống chế: những phần tử cuồng tín nguy hiểm nhất của tổ chức này hiện nay, hoặc là bị bắt giam, hoặc là phải trốn lánh trong các khu rừng rậm trên đảo Mindanao, miền Nam Philippines. Từ năm 2005 đến nay, không thấy có vụ tấn công nào nhắm vào ngoại kiều ở Indonesia. Trong thời gian qua, các hình thức liên minh giữa các đảng Hồi giáo và các đảng phái khác đã chiến thắng trong khoảng 2/5 những cuộc bầu cử ở địa phương.
Vân Anh (Theo The Economist, AP)