Cuộc tháo chạy tình yêu của anh chàng nghèo

16-09-2014 10:47 | Giới tính
google news

Tôi không đủ dũng khí, không đủ can đảm để đối diện với tình yêu, nói đúng ra tôi đã bị cái nghèo, cái hèn giết chết ý chí và nghị lực của một người đàn ông.

Nhà em là căn biệt thự rộng mênh mông giữa một quận trung tâm thủ đô, có người ăn kẻ ở, bố em là quan chức có tiếng, mẹ em là nhà kinh doanh thành đạt. Tôi thấy mình lạc lõng, lẻ loi và cô đơn, hàng loạt câu hỏi vì sao diễn ra trong đầu.

Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo, bố mẹ đều là những người quanh năm "bán mặt cho đất, bán lưng cho giời". Nhà tôi có bốn anh chị em, vì hoàn cảnh khó khăn nên chẳng ai được học hành tới nơi tới chốn. Tuy nhiên, chúng tôi luôn được bố mẹ dạy dỗ những điều hơn lẽ thiệt. Tôi là con thứ hai, chắc vì sáng sủa và đỡ ngu ngơ hơn nên được ưu tiên ăn học hơn cả. Năm 1995 tôi trở thành sinh viên Bách khoa, Hà Nội. Cuộc sống khó khăn nên ngay từ những ngày đầu đặt chân ra thủ đô tôi đã phải bươn chải, đi bán báo, bán bánh mỳ, đánh giầy... Cũng vì cuộc sống khó khăn nên cả cuộc đời sinh viên tôi chưa biết đến tình yêu là gì.

Năm 2001, sau hai năm ra trường, tôi vẫn loay hoay đi tìm cho mình một việc làm ổn định tại thủ đô, quả thật không dễ cho một chàng trai nông thôn như tôi để có công việc dễ kiếm ra tiền. Tôi xin vào làm ở một xưởng cơ khí, lương kỹ sư kiêm làm thợ cũng chỉ đủ ăn tiêu và trả tiền thuê trọ, hàng tháng tằn tiện lắm mới gửi được về cho bố mẹ ở quê vài ba trăm. Buổi tối, tôi với một cậu em cùng thuê trọ lại ra vỉa hè bán linh tinh những thứ đem từ quê lên (những món này tôi đã ngán đến tận cổ) nhưng lại là món ngon giữa đất thủ đô.

Một buổi tối đầu đông năm 2001, chúng tôi vừa đưa mẻ ngô luộc còn nóng hôi hổi ra vỉa hè, vài ba chiếc ghế nhựa sứt mẻ chỏng chơ, một bếp than tổ ong để nướng thì hai chiếc xe máy đỗ xịch: "Cho em chục bắp ngô luộc anh ơi" - một cô trong nhóm cất tiếng. Tôi nhìn ra, nhóm năm người gồm hai nam ba nữ, thú thực hồi đó tôi chả biết là xe hiệu gì, mãi sau này tôi mới biết đó là xe Dream. Tôi lên tiếng rồi vội vã gói 10 bắp ngô luộc vào giấy báo, cho vào túi bóng. Tổng cộng hết 20 nghìn đồng nhưng một thanh niên trong nhóm đưa 15 nghìn đồng rồi bảo tôi bán đắt và nói thiếu năm nghìn đồng sẽ trả sau. Rồi cả nhóm phóng đi, mặc cho tôi chưa kịp nói một câu.

Với tôi, những chuyện như vậy hết sức bình thường bởi lẽ không chỉ ở thủ đô mà ngay ở vùng quê nghèo khó của tôi, ăn chịu, ăn quỵt tiền cũng là chuyện thường ngày ở huyện. Mọi việc qua đi, như những cơn gió mùa đông thoảng qua rồi mất hút sau những hàng cây xiêu vẹo. Một tối cuối tuần, khoảng chục hôm sau chuyện người thanh niên nợ tiền đó, vẫn nồi ngô luộc, bếp than tổ ong, chúng tôi mưu sinh cho ngày mai. Em đến, lặng lẽ, không ồn ào như buổi tối hôm nào, trên một chiếc xe đạp mini, khác hẳn chiếc xe máy cáu cạnh lần trước.

"Em xin lỗi", cô gái cất tiếng, "Hôm trước bạn em đùa, mong các anh thông cảm, cho em gửi nốt năm nghìn đồng". Tôi giờ mới có dịp ngắm nhìn em, một cô gái khá xinh, dáng dấp của con nhà khá giả nhưng những gì em đang thể hiện trước tôi lại không nói lên sự khá giả đó. Em giới thiệu tên là Phương, tốt nghiệp đại học Ngoại thương hai năm rồi, hiện kinh doanh nho nhỏ. Em nói quê ở Hà Giang, đang thuê trọ ở khu làng Cót. Rồi chúng tôi quen nhau, thân nhau, yêu nhau lúc nào không biết.

Thời gian thấm thoát thoi đưa, gần hai năm kể từ ngày chúng tôi gặp nhau nhưng chưa một lần về quê thăm nhà nhau, cũng do công việc của hai đứa bận bịu quá, kể cả thời gian gặp nhau cũng ít, chủ yếu nhắn tin trên điện thoại. Thời gian này tôi cũng có điện thoại di động, là em mua tặng nhân dịp sinh nhật tròn 26 tuổi. Rồi tôi tìm được việc làm ổn định, em cũng kinh doanh ngày một phát đạt (đấy là do em bảo thế). Em mua tặng tôi nhiều thứ, từ quần áo, điện thoại di động... tôi vẫn ngây ngô tin vào tình yêu, tin vào những gì em nói.

Chúng tôi vẫn gặp nhau dù chỉ một tháng đôi lần, hàng ngày vẫn nhắn tin trò chuyện yêu thương nhưng với tôi, gia đình em là một ẩn số. Rồi một ngày, tôi được cơ quan cử đi công tác Hà Giang, vui mừng và háo hức thông báo với em nhưng em bịa ra muôn vàn lý do để không cho tôi đến nhà. Ban đầu tôi tin, sau rồi chột dạ, một đợt tôi xin cơ quan nghỉ vài ngày lo chuyện gia đình, tiện thể lặng lẽ theo dõi em. Tôi tìm ra một sự thật, không biết nên vui hay nên lo. Nhà em là căn biệt thự rộng mênh mông giữa một quận trung tâm thủ đô, có người ăn kẻ ở, bố em là một quan chức có tiếng, mẹ em cũng là một nhà kinh doanh thành đạt. Tôi thấy mình lạc lõng, lẻ loi và cô đơn, không hiểu chuyện gì đang xảy ra, hàng loạt câu hỏi vì sao diễn ra trong đầu tôi.

Không biết có phải vì thấy tự ái với cái nghèo của mình hay choáng ngợp bởi sự giàu có của gia đình em mà tôi thấy mình có lỗi, có lỗi vì đã yêu em. Tôi tự trách mình, trách một tình yêu quá vô tư mà không hình dung ra mình đang vụ lợi. Tôi chưa tiếp xúc với bất cứ ai trong gia đình em nhưng trong đầu phảng phất những cái phất tay của lão Nghị Quế, cái nguýt, cái lườm, cái bĩu môi đầy dè bỉu của mụ Nghị. Tôi không đủ dũng khí, không đủ can đảm để đối diện với tình yêu, nói đúng ra tôi đã bị cái nghèo, cái hèn giết chết ý chí và nghị lực của một người đàn ông.

Tôi âm thầm rời xa em từ ngày đó như một cuộc tháo chạy, tôi cũng không biết mình là gì trong cuộc tháo chạy đó. 11 năm trôi qua, tôi đã có gia đình, một cơ ngơi to đẹp giữa thủ đô mà bao người phải ao ước, vợ hiền và hai bé con ngoan ngoãn. Đến giờ tôi cũng không biết mình đã đúng hay sai khi chạy trốn một tình yêu, chỉ biết rằng đằng sau sự trốn chạy đó là một nỗ lực, sự phấn đấu không ngừng nghỉ của bản thân. Giờ em cũng như tôi, có một gia đình riêng hạnh phúc. Không biết ngày xưa em suy nghĩ gì khi tôi âm thầm ra đi nhưng tôi tin một điều tình yêu không bao giờ dành cho những kẻ hèn nhát, chỉ khi thật dũng cảm chúng ta mới có được tình yêu.

Theo VnExpress

 


Ý kiến của bạn