Hà Nội

Cuộc sổng vốn vô thường

14-03-2016 08:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Công việc làm báo y tế giúp tôi có cơ duyên được tiếp xúc với các cây bút bác sĩ. Trong những hạnh ngộ ấy, tôi may mắn gặp được Bảo Trung, một bác sĩ cấp cứu với cái nick rất thiền, rất Phật : Vô Thường.

Công việc làm báo y tế giúp tôi có cơ duyên được tiếp xúc với các cây bút bác sĩ. Trong những hạnh ngộ ấy, tôi may mắn gặp được Bảo Trung, bác sĩ cấp cứu bệnh viện Nguyễn Trãi với cái nick rất thiền, rất Phật : Vô Thường . Tôi nhớ đó vào tầm năm 2013, khi làn sóng hiểu lầm về bác sĩ tràn lan trên mạng xã hội, thì mỗi sang dậy, không riêng tôi, mà rất nhiều bạn đọc thấy lòng chùng lại khi gặp được những dòng chữ như thủ thỉ như sẻ chia về những nỗi đau của người thầy thuốc bất lực trước sự nghiệt ngã của của cái chết. Mỗi câu chuyện được thể hiện một cách giản dị, nhưng đều ẩn những tầng ý nghĩa vô cùng sâu sắc mà đôi khi mỗi người đọc như thấy chính mình trong đó, cũng mải miết với cơm áo gạo tiền mà chót vô tâm với cha với mẹ, với người thân của mình. Có bạn đọc nhắn rằng, đọc chuyện của Vô Thường xong, e phải thu xếp ngay về thăm ba mẹ, bởi không biết còn gặp song thân được bao lần….,

Những câu chuyện của Bs.Bảo Trung khiến người đọc phải khựng lại trong dòng chảy hối hả vốn bị cuộc sống cuốn đi mà suy ngầm về tình cảm mình dành cho người thân, cho những người xung quanh đã thấm chưa. Phải là một người ngấm triết lý Phật giáo lắm, phải có một trái tim đa cảm lắm, yêu thương con người, yêu thương cuộc đời lắm mới viết được những dòng trắc ẩn, lay động người đọc đến vậy. Có lẽ, công việc của một bác sĩ cấp cứu, ngày qua ngày trực tiếp đối diện với tận cùng nỗi thống khổ của kiếp người, đau ốm, đói nghèo….mà trong anh luôn nặng nỗi niềm trắc ẩn đâu đớn về thân phận con người. Mỗi câu chuyện Vô Thường đưa lên đều khiến nhiều, rất nhiều bạn đọc rơm rớm nước mắt, nhưng sau những lay động ấy, là một sự thức tỉnh, khiên mọi người tu thân tu tâm một cách vô thức và tự nguyện. Đó là thành công lớn của tác giả Bs. Bảo Trung-Vô Thường mà không phải cây bút nào cũng làm được. Những dòng như là tâm sự, như là kể chuyện của Bs.Bảo Trung luôn đánh thức cái thiện, cái tình vốn ẩn sâu sâu thẳm mỗi người mà vì bon chen cuộc sống, đôi khi nó bị lu bị chìm đi. Cách viết giản dị nhưng từng lời đối thoại, từng chi tiết khía vào lòng người đọc, khiến mỗi khi câu chuyện khép lại, người không ai bảo ai, đều tự vấn về cái tâm trong hành trình thường nhật của mình. Những dòng viết của bs Bảo Trung khiến người ta thấy buồn, nhưng trong nỗi buồn vẫn lóe lên sự ấm áp tin cậy vào trái tim nhân hậu, giàu lòng trắc ẩn của người bác sĩ, lóe lên niềm tin vào những điều tử tế vẫn hiện diện trên cõi đời này, cả ở những nơi tận cùng đau khổ chốn nhân gian. Có cảm giác mỗi khi đọc những dòng của Vô Thường xong, bạn đọc sẽ ngộ ra rằng "đời ngắn lắm thương nhau còn chưa đủ.." như lời thơ của nhà sư Thích Thanh Tuệ Nhận được tin Vô Thường ra sách, tôi mừng lắm, bởi giữa những hỗn mang trong dòng đời, tập sách này thực sự là một món quà, giúp người người đang ngày ngày phải mang vác những nặng nề, mệt mỏi của số phận trên lưng, tự tìm được con đường giải thoát. Giải thoát khỏi những đau khổ do chính mình chưa ngộ ra mà vướng phải, từ đó biết đem đến thương yêu đúng cách cho cuộc đời và cho bản thân mình. Những câu chuyện có thật ghi ở phòng cấp cứu trong cuốn sách này giúp người biết thương người hơn, giúp cuộc sống bớt đi những khổ đau, những nuối tiếc, những ân hận vốn vẫn ẩn sau hai chữ giá như khi mọi chuyện không còn cứu vãn được nữa. Những câu chữ của Vô Thường như một liệu pháp thiền định trị liệu, hàn gắn những vết thương mà mỗi người đều không thoát khỏi trong hành trình mưu sinh của mình. Tự đáy lòng, tôi thầm cảm ơn chữ duyên cho tôi được đọc những câu chuyện của Vô Thường mỗi khi lòng hoang mang buồn bã, cảm ơn chữ duyên cho tôi có được hạnh ngộ gặp gỡ một tấm lòng nhân hậu, trí tuệ đẫm triết lý đạo Phật của bs Bảo Trung. Những câu chuyện của anh, từng ngày từng ngày giúp tôi cũng như nhiều bạn đọc biết buông bỏ những phù du thường nhật để cảm nhận được cái đẹp vốn vẫn hiện hữu trong đời.


Yến Châu
Ý kiến của bạn