Hà Nội

Cuộc sống trường thọ của người đàn ông có tim nằm bên phải

15-06-2014 09:47 | Thời sự
google news

Họa sỹ Phan Phan cho rằng, ông là trường hợp có cấu tạo nội tạng đặc biệt. Trong khi nguyên tắc sắp xếp nội tạng con người đều có trái tim bên trái thì riêng ông ngược lại.

Họa sỹ Phan Phan cho rằng, ông là trường hợp có cấu tạo nội tạng đặc biệt. Trong khi nguyên tắc sắp xếp nội tạng con người đều có trái tim bên trái thì riêng ông ngược lại.  

Bạn bè thường bảo vui, có lẽ vì cấu tạo chẳng giống ai đã cho ông khả năng hội họa đầy cá tính. Vậy việc trái tim nằm “nhầm chỗ” có liên quan đến khả năng đặc biệt của con người? PV đã có cuộc trao đổi thú vị với chuyên gia tim mạch mong lý giải trường hợp hiếm có này.

Tài danh nhờ trái tim bên phải?

Căn phòng nhỏ nằm trong con hẻm sâu trên đường Trần Đình Xu (Quận 1, TP.HCM) lâu nay được nhiều người biết đến với góc sáng tác hội họa đầy cá tính của họa sỹ Phan Phan. Người ta cảm nhận được cái gì đó đặc biệt trong phong cách hội họa rất riêng của ông. Một điều hết sức thú vị là khi biết ông có trái tim nằm bên phải, nhiều người cho rằng, đó là ngọn nguồn cho khả năng vẽ của họa sỹ tài danh này. Điều đáng nói, dù trái tim nằm “nhầm chỗ”, ông vẫn khỏe mạnh suốt 80 năm qua và có một sự nghiệp hội họa thăng hoa. Trong không gian đầy lãng mạn, người họa sỹ già mở đầu câu chuyện đầy hóm hỉnh: “Chắc nhờ phủ tạng ngược đời, tôi mới có thể sống lâu để phục vụ cho hội họa. Tôi luôn xem chuyện trái tim nằm bên phải như là… trời phú”.

 - 1
Bức tranh “Không mệt mỏi” tác phẩm của họa sĩ Phan Phan đã phản ánh quan điểm lao động của ông.

Họa sĩ Phan Phan tên thật là Phạm Đắc Trưởng, sinh tại Bến Tre, cuộc đời ông cũng khá bất hạnh. Tròn 3 tuổi, ông đã mồ côi mẹ, sớm phải tự lập. Tuổi thơ ông là những ngày thức khuya dậy sớm với thùng kem ngược xuôi những bến phà vùng sông nước miền Tây kiếm tiền đi học. Thuở ấy, cậu bé Trưởng vẫn khỏe mạnh bình thường, cho đến một lần đổ bệnh phải đi viện khám thì mới phát hiện điều đặc biệt của trái tim. Ông cười nhớ lại: “Lần ấy, tôi bị bệnh khá nặng nên được cha đưa đến viện thăm khám. Trong quá trình khám, bác sỹ áp ống nghe vào ngực trái tôi thì không thấy nhịp đập tim. Thấy lạ, vị bác sỹ cứ bối rối tìm, sau đó bác sỹ ấy đã đặt ống nghe sang ngực phải và nghe nhịp tim đập. Khỏi phải nói, ông ấy mắt tròn mắt dẹt bất ngờ”.

Không chỉ dừng lại ở đó, vị bác sỹ quay sang nhìn cha Trưởng rồi thốt lên: “Con ông sao kỳ cục quá vậy? Đây là lần đầu tiên tôi gặp trường hợp một bệnh nhân có tim bên phải”. Sau khi khám kỹ, vị bác sỹ “sốc” khi biết không chỉ tim mà các tạng khác trong cơ thể bị đảo ngược hoàn toàn so với người bình thường. Tim, lá lách thì nằm bên phải còn gan lại bên trái. Kế đến đây lão họa sỹ cười: “Sau này khoa học phát triển hơn, tôi mới có điều kiện để tìm hiểu về cái sự “lạ” của mình. Các bác sĩ đều cho biết tôi bị phủ tạng đảo lộn bẩm sinh từ trong bụng mẹ. Chắc nhờ ngược đời vậy nên tôi mới có được sức khỏe tốt, sống lâu đến hơn 80 tuổi như giờ này đây”.

Mặc dù mang ngũ tạng bất thường nhưng suốt 80 năm cuộc đời, lão họa sỹ không cảm nhận được điều bất thường trong cơ thể. Có khác chăng chỉ là khi tuổi già đến, ông không thể tránh khỏi những cơn cảm cúm lúc giao mùa. Nghệ sĩ già bộc bạch: “Cha mẹ luôn muốn tôi sau này lớn lên làm thầy thông, thầy ký. Tôi thì thích hội họa nhưng hai cụ thân sinh hồi ấy phản đối tôi theo học mỹ thuật dữ lắm. Tôi đã phải lén lên Sài Gòn dự thi vào trường Mỹ Thuật Gia Định. Cha tôi là người vẽ rất đẹp và ông thường vẽ về Phật Thích Ca. Có lẽ, tôi may mắn được thừa hưởng cái gen ấy nên mới đam mê hội họa chứ còn chuyện trái tim bên trái có liên quan đến khả năng này hay không tôi cũng không biết”.

Sau này, cậu bé Phạm Đắc Trưởng có trái tim bên phải ngày ấy đã sớm nổi danh trong giới nghệ thuật với nghệ danh Phan Phan. Không chỉ xuất chúng trong hội họa, ông còn biết đến với tư cách một nghệ sĩ thiết kế sân khấu tài danh. Cơ duyên với nghề đã đẩy đưa ông đến với nghiệp sân khấu cho đến tận bây giờ. “Sau lần làm sân khấu cho đoàn ca nhạc Nhật Bản sang Sài Gòn dự hội chợ ở Thị Nghè năm 1959, tôi đã học hỏi được nhiều điều. Và trong một lần con trai bà Bút Trà (chủ bút tờ Sài Gòn mới) mê cô đào Thanh Nga muốn lấy lòng người đẹp đã nhờ tôi thiết kế sân khấu cho vở diễn Thầy cai tổng Bồi. Thật bất ngờ, vở diễn thành công ngoài mong đợi. Cũng từ đó, tôi gắn bó với nghề này”.

 - 2
Họa sĩ Phan Phan

Sống trường thọ nhờ “nội tạng đảo ngược”

Họa sỹ Phan Phan tiếp tục câu chuyện: “Mang trong người cơ quan ngũ tạng đảo ngược nhưng từ trước đến nay, sức khỏe tôi vẫn rất tốt. Nhưng đã bước qua tuổi “xưa nay hiếm” nên tôi vẫn hay cảm vặt những lúc trái gió trở trời. Mới cách đây mấy năm tôi thấy choáng váng nên đến bệnh viện thì được biết thiếu máu cơ tim, bác sĩ cho uống thuốc 3 tuần thì những biểu hiện trên cũng biến mất. Tôi chỉ hoang mang một nỗi trước đây có chuyên viên y tế đã ngạc nhiên vì kinh mạch của tôi chạy... lung tung. Họ lo rằng, nếu có bệnh mà đi châm cứu thì không biết kinh mạch của tôi chỗ nào mà bắt”.

Tuy đã 82 tuổi nhưng họa sĩ Phan Phan vẫn còn rất tinh anh và nhanh nhẹn. Dù nghỉ hưu từ năm 1995 nhưng trái tim lạc lối vẫn thổn thức nhịp đập nguyên sơ với nghề hội họa. Ông tâm sự: “Tôi già thế này rồi nhưng giờ đây ngồi không thấy khó chịu lắm. Nếu có ai đặt thiết kế sân khấu là tôi nhận lời ngay và vẫn vẽ tranh”. Khi được hỏi bí quyết để có được một sức khỏe dẻo dai với một trái tim bên phải hoàn toàn khác người thường, nghệ sĩ già tủm tỉm cười hiền hậu: “Tôi vẫn có thói quen uống trà và nước lọc từ lâu và hạn chế các thức uống có ga, cồn như rượu bia… Mấy năm nay, tôi luôn duy trì việc tập Dịch Cân Kinh hàng ngày, phương pháp này giúp cho máu huyết lưu thông, tinh thần thoải mái nên hạn chế được bệnh tật lúc về già”.

Theo GS.TS Đặng Vạn Phước (cố vấn Ban Giám đốc, Chủ tịch Hội tim mạch TP.HCM, hiện đang công tác tại Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM) thì những người có phủ tạng đảo lộn sẽ gây ra một số hiện tượng như thay vì tim đập bên trái thì tim lại ở bên phải. Đặc biệt phải hết sức lưu ý cho nhân viên y tế về tình trạng đảo ngược phủ tạng khi đi khám bệnh, cấp cứu để tránh bị chẩn đoán sai. Chẳng hạn, nếu có hiện tượng đau ruột thừa thay vì bên phải lại sang bên trái, thiếu máu cơ tim thường lan sang tay phải… Người có tim bên phải nếu không kèm theo dị tật bẩm sinh nào khác thường thì vẫn lao động, sinh hoạt và có tuổi thọ như mọi người. Tuy nhiên, có một số trường hợp tim, gan và dạ dày nằm ở vị trí không phù hợp với nhau thì cần phải điều trị sớm để tránh rối loạn nghiêm trọng xảy ra. Khi đó, người ta phải làm phẫu thuật sắp xếp vị trí của chúng, cũng có thể là tim nằm bên phải hay bên trái nhưng phải phải phù hợp với dạ dày và gan.

Trong số các tật bẩm sinh thì đảo lộn ngũ tạng là một dị tật đặc biệt hiếm gặp trong y học. Dù vậy, những người có ngũ tạng đảo lộn vẫn bình thường về phương diện sinh lý học. Mối tương quan giữa 3 cơ quan tim, gan, dạ dày vẫn hoàn toàn bình thường. Giáo sư còn cho biết, tim nằm bên phải không phải là hiện tượng di truyền.

Người có ngũ tạng đảo lộn từng thọ 118 tuổi

Trong y học, hiện tượng tim và phủ tạng bị đảo ngược gọi là dextrocardia. Do quá trình hình thành bào thai, tạng xoay theo chiều kim đồng hồ, trường hợp tim nằm bên phải là do tạng dừng lại ở điểm 180 độ hoặc 270 độ. Trong lịch sử y học, hiện tượng này được phát hiện lần đầu vào năm 1643. Ở Mỹ, cứ 10.000 người lại có1 người có tim nằm bên phải. Ở Singapore có 0,1% dân số đang sống với trái tim “lạc chỗ” như thế này. Tại Việt Nam ngoài trường hợp họa sĩ Phan Phan còn có cụ Huỳnh Văn Ẩn (Tiền Giang), cụ Lê Thị Cơ (sống thọ 118 tuổi, TP. HCM).

 

  •  

     

     

 


Ý kiến của bạn