Tại đây, cùng với số tiền đền bù, người dân đã xây dựng những ngôi nhà mới khang trang và dần quen với cuộc sống ở vùng đất mới.
Khu công viên được xây dựng rộng rãi, giúp cho các em nhỏ có thể thoải mái vui chơi mỗi buổi sáng sớm hay chiều về.
Trao đổi với PV Báo Sức khỏe & Đời sống, ông Phan Ngọc Thọ - Phó Bí thư Thường trực tỉnh ủy Thừa Thiên Huế cho biết: "Những hộ dân được di dời đi đã có hàng chục năm sinh sống tại khu vực 1, di tích Kinh thành Huế. Do điều kiện sống trên khu vực 1 di tích nên người dân không được xây dựng nhà cửa cũng như không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Có thể nói, đây là một cuộc di dân lịch sử. Cuộc di dân đem lại cuộc sống ổn định lâu dài, an cư lạc nghiệp cho người dân. Đồng thời, trả lại cảnh quan cho di tích để trùng tu, cải tạo, phát huy giá trị di sản.
Đến nay, gần 2.000 hộ dân đã được di dời, chuyển đến và có cuộc sống ổn định tại nơi ở mới. Bốn chữ đồng bao gồm: đồng thuận trong hệ thống chính trị, đồng lòng trong người dân, đồng cảm của Chính phủ và đồng hành của báo chí đã tạo nên sức mạnh rất lớn để thực hiện thắng lợi cuộc di dân lịch sử này".
Cơ sở hạ tầng tại nơi ở mới của những hộ dân từng sống treo trên di tích Huế đang được đầu tư, dần hoàn thiện