Tính đến trưa 23/9 đã có 13 hộ dân với khoảng 61 nhân khẩu bị ảnh hưởng do vụ sập biệt thự cổ trên phố Trần Hưng Đạo chuyển đến tạm cư tại khu nhà CT1 Định Công – Hà Nội .
Khu nhà đang trong quá trình hoàn thiện thi công nên vẫn còn khá ngổn ngang. Khi chúng tôi có mặt tại đây, người dân đang tất bật quét dọn và sắp xếp đồ dùng để sớm ổn định chỗ ở. Hầu hết đồ đạc sinh hoạt cá nhân của các hộ gia đình vẫn mắc kẹt tại hiện trường vụ sập biệt thự.
Gia đình Bà Trần Thị Sửu 57 tuổi, được chuyển đến khu tạm cư từ khoảng 23h đêm 22/9. Vẫn chưa hết hoảng loạn sau khi trải qua một tai nạn kinh hoàng, bà Sửu cho hay từ đêm qua đến giờ bà gần như không thể chợp mắt. Nỗi ám ảnh về vụ sập nhà vẫn luôn hiện hữu.
“Tất cả diễn ra chỉ trong tích tắc. Tôi chỉ nghe thấy một tiếng nổ như bom và sau đó là đồ đạc vung vãi khắp nơi. Vụ sập nhà xảy ra tôi bị mắc kẹt tại tầng 1 và chỉ được giải cứu khi lực lượng chức năng đến hiện trường…”.
Dù đã chuyển đến khu nhà tạm cư an toàn, bà Sửu vẫn không thể có nổi giấc ngủ trọn ven khi tương lai sắp tới không biết sẽ đến đâu, khi toàn bộ nhà cửa và đồ đạc căn nhà đã bị hư hỏng. “Hai chiếc xe máy của khách gửi bị hỏng nặng do sập nhà, đồ đạc bị hư hỏng, chôn vùi trong vụ sập là của chủ nhà, giờ hỏng hóc không biết có phải đền bù gì không”, bà Sửu buồn bã nói.
Tương tự, gia đình chị Trịnh Thị Vui (40 tuổi) cũng được bố trí ở tạm trong một căn phòng tại tầng 3 của khu nhà CT1. Vụ sập nhà đã làm đảo lộn toàn bộ cuộc sống của gia đình chị.
“Đêm qua gia đình tôi mỗi người phải di tản một nơi, các cháu thì đến ở nhà người quen còn vợ chồng tôi phải thuê nhà nghỉ để ở tạm…”. Chị Vui cho hay, cơ quan chức năng chưa có thông báo việc ở tạm này sẽ kéo dài trong bao lâu, do đó điều chị Vui lo lắng nhất là chỗ ăn, ở chưa ổn định sẽ ảnh hưởng đến sinh hoạt gia đình, đặc biệt là việc ăn học của các cháu nhỏ.
Tại căn phòng bên cạnh, anh Hiếu (24 tuổi) vừa dọn dẹp vừa sắp xếp lại một vài đồ đạc để ổn định chỗ ở. Hiếu cho biết, hiện tại người thân của anh vẫn phải túc trực tại hiện trường vụ sập để thu dọn đồ đạc. Căn nhà Hiếu ở may mắn nằm cách xa vụ sập nên chỉ bị ảnh hưởng nhẹ.
Từ hôm qua đến giờ do chưa có bếp nấu ăn nên anh cùng với các hộ dân xung quanh khắc phục bằng cách ăn cơm bụi hoặc bánh mỳ: “Hiện tại trong giờ phút này, được bố trí căn nhà ở tạm cũng đã là may mắn lắm rồi. Chỉ mong chính quyền nhanh chóng khắc phục sự cố để người dân ổn định chỗ ở và công việc làm ăn…”.
Trong khi đó, một số hộ dân phản ánh họ chưa nhận được thông báo cụ thể về việc hỗ trợ thiệt hại, bố trí chỗ ở nên rất hoang mang. Có mặt tại hiện trường vụ sập nhà, chị Trần Thị Minh Nguyệt thất thần kể, từ đêm qua đến giờ, gia đình sơ tán khắp nơi.
Hiện đồ đạc trong nhà vẫn chưa được di chuyển ra hết: “Tôi chỉ được chính quyền địa phương gọi lên đăng ký số điện thoại, một cán bộ nói có gì sẽ thông báo cụ thể sau. Nhưng hiện tại trong khi các hộ được bố trí nhà ở thì gia đình tôi vẫn không được thông báo gì”, chị Nguyệt nói.
Các hộ dân ở đây cho biết, hàng chục năm nay chưa bao giờ nhận được cảnh báo của BQL tòa nhà 107 về tình trạng xuống cấp của căn biệt thự. Bà Tâm – một cư dân của tòa nhà kể: “Chúng tôi chỉ biết là căn nhà được xây dựng từ thời Pháp còn chất lượng ra sao, xuống cấp thế nào cũng không được biết. Khoảng 10 phút trước khi nhà sập, tấm thạch trần của tòa nhà rơi xuống nên mọi người mới hô hoán nhau chạy…”.
Theo ông Hải – bảo vệ tòa nhà CT1B, trong đêm 22/9 có khoảng 13 hộ gia đình đến tạm trú và phải đến gần 1h sáng 23/9, công tác ký nhận phòng mới hoàn thành. Nhiều hộ đến nhận phòng nhưng lại di tản đến nhà người quen tá túc chứ không ở lại.
Theo ghi nhận của PV Dân trí, hiện trường vụ sập biệt thự cổ trên phố Trần Hưng Đạo vẫn được phong tỏa nghiêm ngặt. Các lực lượng chức năng đang nỗ lực dọn dẹp và khắc phục sự cố. Một số hộ dân đã được tạo điều kiện để di chuyển các vật dụng cần thiết đến nơi ở mới.