Cuộc sống kỳ lạ của những cặp sinh đôi dính nhau

22-04-2016 19:31 | Quốc tế

SKĐS - Tính trung bình cứ 200.000 ca sinh sống sẽ có một trường hợp sinh đôi dính nhau và cơ hội sống sót của những em bé này chỉ từ 5-25%.

Tính trung bình cứ 200.000 ca sinh sống sẽ có một trường hợp sinh đôi dính nhau và cơ hội sống sót của những em bé này chỉ từ 5-25%. Theo Trung tâm Y học Đại học Maryland, 40-60% ca song sinh dính nhau chết lưu và 35% chỉ sống được một ngày sau khi chào đời.

Các cặp song sinh dính nhau được sinh ra từ cùng một trứng không phân tách đầy đủ sau khi thụ tinh. Trong vài tuần đầu tiên của thai kỳ, trứng phát triển thành một phôi bắt đầu phân chia thành hai bào thai giống hệt nhau, nhưng sau khi phân tách một phần, trứng không phân chia nữa và phát triển thành bào thai dính nhau. Có gần một chục kiểu sinh đôi dính nhau, nhưng một trong những kiểu hay gặp nhất là sinh đôi dính nhau ở ngực (thoracopagus twins) - dính nhau ở phần thân trên.

Kiểu hay gặp thứ hai là song sinh dính nhau từ xương ức đến vùng eo. Trường hợp này được gọi là song sinh dính nhau ở bụng (omphalopagus), chiếm 33% số ca. Cặp đôi có thể có chung gan, đường tiêu hóa và cơ quan sinh sản, nhưng hiếm khi có tim chung. Kiểu hiếm gặp nhất là dính nhau ở đầu (craniophagus), chỉ chiếm 2% số trường hợp song sinh dính nhau sinh ra còn sống.

Các chuyên gia còn chưa chắc chắn lý do tại sao, nhưng các cặp song sinh dính nhau là nữ có khả năng sống cao hơn so với cặp đôi là nam, đó là lý do tại sao 70% số ca song sinh dính nhau còn sống là nữ. Trên thế giới hiện chỉ có chưa đến 12 cặp sinh đôi dính nhau còn sống.

Cuộc sống của một cặp song sinh dính nhau hoàn toàn không có sự riêng tư thật sự. Việc bị dính với cơ thể người anh/chị/em ruột ở ngực, bụng, hoặc đầu làm thay đổi những chức năng cơ thể mà họ có chung.

Cặp sinh đôi dính nhau Angela Corina và Angela Leticia.

Suy nghĩ và viết lách

Đối với 98% số ca song sinh dính nhau, mỗi người đều có những tư duy và cảm xúc riêng và khác biệt của chính mình. Nhưng với các cặp đôi dính nhau ở đầu, xảy ra với tỷ lệ 1/2,5 triệu ca sinh, họ có chung hoạt động thần kinh vì sọ não được nối với nhau. Trong trường hợp hai bé gái 8 tuổi Tatiana và Krista Hogan, cặp song sinh dính nhau ở đỉnh đầu, quá trình tinh thần của người này ảnh hưởng đến người kia. Nếu chạm vào chân một em, em bé kia cũng cảm nhận được. Khi hai em viết, trí óc của cả hai được thôi thúc để đoán ra từ tiếp theo. Tatiana ghét sốt cà chua và sẽ la lớn khi Krista ăn nó.

Hai bé gái cũng chậm phát triển do bị dính nhau ở đồi thị - vùng não chi phối cảm nhận giác quan và chức năng vận động. Hai em vẫn còn quá nhỏ nên chưa thể nghiên cứu về hệ thống kết nối thần kinh, nhưng thông qua MRI, các bác sĩ đã xác định “cầu đồi thị” liên kết cảm giác của bé này với bé kia, tạo ra một vòng lặp ý thức. Về cơ bản, nếu ai đó có ý nghĩ vui vẻ, người kia có thể cảm nhận được. Khi người này nhìn thấy một hình ảnh bằng mắt của mình, người kia cũng sẽ cảm nhận được hình ảnh ấy chừng vài mili giây sau đó.

Lái xe và mặc quần áo

Trong trường hợp cặp sinh đôi 25 tuổi Abigail “Abby” Hensel và Brittany Hensel, mỗi người điều khiển hoàn toàn nửa phần cơ thể của mình - một chân và một tay ở mỗi bên. Hai cô gái là cặp song sinh dính liền đối xứng với tỷ lệ bình thường. Mỗi người đều có riêng tim, dạ dày, cột sống, phổi và tủy sống, nhưng có chung bàng quang, ruột già, gan, cơ hoành và cơ quan sinh sản.

Không giống như Tatiana và Krista, xúc giác của hai cô gái bị giới hạn ở nửa phần cơ thể. Nếu bạn chạm vào tay của Brittany, Abby sẽ không cảm thấy. Nhưng mặc dù có dạ dày riêng, nếu người này bị đau bụng thì người kia cũng thấy đau bụng. Từ khi còn nhỏ, Abby và Brittany đã học được cách phối hợp với nhau để thực hiện các nhiệm vụ đơn giản, chẳng hạn như vỗ tay, bò và ăn uống.

Khi trưởng thành, hai cô gái đã phát triển phong cách thời trang riêng và tính cách riêng - Abby là người chị hoạt bát, còn Brittany thì dịu dàng hơn. Các hoạt động thể chất như chạy, đạp xe, bơi lội cần nỗ lực phối hợp của cả hai. Họ cũng có thể gõ máy tính với tốc độ bình thường và lái xe. Tuy nhiên, vì được xem là hai người khác nhau, họ đều có bằng lái xe riêng của mình. Với bằng đại học cũng vậy - mỗi cô gái đều có bằng riêng của Đại học Bethel.

Ân ái và hẹn hò

Chủ đề nhạy cảm này hiếm khi được nghiên cứu vì các câu hỏi là rất riêng tư và phức tạp. Không có đủ những cặp song sinh dính liền trưởng thành để tiến hành nghiên cứu trên một quần thể đủ lớn, và nếu có thì đây cũng là một chủ đề dễ gây tranh cãi. Mọi người - dù dính nhau hay không - đều có xu hướng giữ kín cuộc sống tình dục của mình.

Nếu cặp song sinh có thể phẫu thuật tách rời, đôi khi các bác sĩ thảo luận về cơ hội để có cuộc sống tình dục riêng như một động lực. Nếu về mặt sinh học không thể phẫu thuật mà không gây nguy cơ tử vong cho một hoặc cả hai, câu hỏi về cuộc sống tình dục của cặp đôi vẫn sẽ tiếp tục nằm trong vòng bí mật. Nếu trong hai người được kích thích, người kia có cảm thấy không? Tất nhiên, điều này phụ thuộc vào cấu trúc cơ thể của họ, nhưng cho dù cặp đôi có chung bộ phận sinh dục hay không, thì các hormon “hưng phấn” vẫn giải phóng vào máu và tất cả các cặp song sinh dính nhau đều có chung một hệ thống tuần hoàn. Khi chưa có nghiên cứu bằng chứng, chúng ta chỉ có thể phỏng đoán vậy.

Nhưng cho dù luôn có người bên cạnh, các cặp song sinh dính nhau đều có lịch sử tìm kiếm người bạn đời bên ngoài người anh/chị/em của mình. Khi Millie và Christina McCoy chào đời ở Bắc Carolina năm 1851, các bác sĩ đã bàn luận về việc liệu cặp đôi này có thể kết hôn không. Nhưng họ nhanh chóng kết luận: “Thể chất không phải là trở ngại nghiêm trọng, mà đạo đức mới là điều cần quyết định nhất”.


Cẩm Tú
Ý kiến của bạn