Được sự giới thiệu của Hội LHPN xã Nghĩa Lâm, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định, chúng tôi đã biết đến hoàn cảnh của hai chị em bà Trần Thị Hương (SN 1959) và ông Trần Văn Hưng ở xóm Lương Điền. Đến thăm gia đình ông, bà vào buổi chiều mưa bão, xắn quần lội nước vượt qua một ngõ sâu hun hút, mọi người mới có thể đến được căn nhà. Chứng kiến những hình ảnh về gia cảnh của hai con người cùng khổ này, ai nấy đều thương cảm.
Trong căn nhà tạm chẳng có một đồ vật gì đáng giá, mọi thứ từ đồ dùng đến bức tường đã sờn cũ, rách. Có lẽ tài sản duy nhất trong nhà chỉ là chiếc quạt điện cũ và mấy con gà. Mái nhà thủng lỗ chỗ, trời mưa trong nhà chẳng khác ngoài sân.
Chị Vũ Thị Như Hoa – Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Nghĩa Lâm cho biết: "Căn nhà này của gia đình xây đã lâu nên xuống cấp, cửa cũng chẳng chắc chắn. Nhưng vì không có tiền nên gia đình vấn để vậy, mà cũng chẳng có tài sản gì để sợ bị trộm". Được biết, bà Hương là chị gái của ông Hưng. Người chị gần 70 tuổi sức cùng lực kiệt, đau yếu chăm em trai bị thần kinh trong ngôi nhà tạm. Hai chị em họ cứ lầm lũi sống qua ngày, rau cháo nuôi nhau.
Câu chuyện của bà Hương với chúng tôi cứ ngắt quãng bởi tiếng nấc tủi phận. "Bố mẹ cô nghèo lắm, cả cái làng này ai cũng biết. Rồi ông bà lần lượt mất sớm để lại 2 chị em cô. Một người thần kinh, một người đau ốm quanh năm. Cô ở vậy thay bố mẹ chăm sóc em trai. Hình ảnh chú Hưng bị thần kinh lang thang ngoài đường với nụ cười ngây dại, hiền khô cũng đã quá quen thuộc với người dân nơi đây" – chị Như Hoa chia sẻ.
Cả cuộc đời của bà Hương chưa có nổi một niềm vui trọn vẹn. Sáng sớm, bà úp vội cho người em trai bát mì, còn mình ăn tạm vài miếng cơm nguội rồi khóa trái cửa để người em ở trong nhà. Bà lại tất tả đi làm cỏ thuê, nhiều hôm tới khi mặt trời lặn mới về. Thu nhập ít ỏi từ việc làm thuê ấy, cả hai chị em gắng chăm nhau. Có lúc bệnh tình của người em tái phát, không làm chủ được bản thân, bà Hương lại phải chịu những đòn roi của em.
Cuộc sống của hai chị em bà Hương những tháng ngày này càng trở nên khốn khó hơn vì cả hai đau yếu, bệnh tật. Biến cố ập tới khiến cho cuộc sống của họ càng trở nên chao đảo, vô định. Tuổi ngày một cao, sức khỏe của bà Hương cũng yếu hơn trước nhiều. Bà không còn đi làm thuê làm mướn nữa, chỉ có thể làm việc nhẹ, lặt vặt trong nhà nên chẳng có thu nhập. Những cơn mệt đến với bà ngày càng dày và lâu hơn. Dù vậy, bà Hương chẳng có tiền để thuốc thang nên cứ cố gắng chịu những cơn đau hành hạ.
Có những hôm, bữa cơm của hai chỉ em chỉ có nước mắm. Thương cho hoàn cảnh hai chị em cùng khổ, những người hàng xóm rồi người dân địa phương lại cho ít tiền lẻ, bát gạo… để họ có cái ăn.
Chị Vũ Thị Như Hoa cho biết, hoàn cảnh gia đình bà Hương và ông Hưng cực kì khó khăn. Cả hai đều không có sức khỏe, giờ lại bệnh tật. Địa phương cũng chỉ có những món quà động viên vào các dịp lễ, Tết... Rất mong sẽ có những tấm lòng hảo tâm chia sẻ, giúp đỡ hoàn cảnh của gia đình họ. Một cân gạo, một gói mì hay tấm áo cũ cũng giúp vơi bớt gánh nặng trên đôi vai bà Hương.
Mọi sự giúp đỡ gia đình bà Hương - Mã số 885 xin gửi về:
1. Bà Trần Thị Hương ở xóm Lương Điền, xã Nghĩa Lâm, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định
2. Ủng hộ trực tuyến trên Vòng tay nhân ái/Giadinh.suckhoedoisong.vn. Đề gửi: Mã số 885
3. Ủng hộ trực tiếp Chương trình "Vòng tay Nhân ái", tại Tòa soạn Báo Sức khỏe và Đời sống. Địa chỉ 138A Giảng Võ, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội. Đề gửi: Mã số 885
Mọi thắc mắc, xin gửi tới email phuongthuangdxh@gmail.com. Điện thoại: 0975 839 126/
4. Ủng hộ VNĐ qua Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) CN Ba Đình – Hà Nội: Tên tài khoản - Báo Sức khỏe và Đời sống. Số tài khoản: 113.000.000.282.
5. Ủng hộ VNĐ qua Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) CN Ba Đình – Hà Nội: Tên tài khoản - Báo Sức khỏe và Đời sống. Số tài khoản: 061.100.191.1287.
Đề gửi Mã Số 885