Đa số họ là những người thế hệ 9x và là các hướng dẫn viên du lịch. Dù làm việc không lương nhưng tất cả những phiên dịch này vẫn nhiệt tình “xông pha”, góp một phần công sức nhỏ bé của mình với hy vọng sớm đẩy lùi dịch bệnh.
Chị Lê Phương Thúy - Sở Ngoại vụ Hà Nội cho biết, việc tìm kiếm phiên dịch viên để phiên dịch cho những người trong các khu cách ly trên địa bàn thành phố gặp rất nhiều khó khăn. Hầu hết mọi người từ chối vì lí do phải cách ly 14 ngày và phải đồng hành cùng người cách ly. Tuy nhiên, vẫn có những tấm gương điển hình, thể hiện tinh thần trách nhiệm với đất nước.
Phương Anh sinh năm 1989, phiên dịch tại Trường Quân sự Sơn Tây. Khi được hỏi về công việc hằng ngày, cô thạo 2 ngôn ngữ tiếng Anh và Tây Ban Nha. Phương Anh cho biết, cô là hướng dẫn viên du lịch dẫn khách đi những tour nước ngoài. Ngày 11/3, khi biết được thông tin Sở Ngoại vụ Hà Nội cần một số phiên dịch tình nguyện tới làm việc tại các khu cách ly, Phương Anh đã đăng ký và đi tới nhận nhiệm vụ luôn. “Biết nhận công việc này là cũng phải cách ly 14 ngày cùng với những người nước ngoài nhưng em cũng không lo ngại vì nghĩ, những người này đã được kiểm tra y tế trước đó và nếu mình có nhiễm bệnh thì cũng đã có ngành y tế chữa trị”.
Phiên dịch tình nguyện Phạm Thị Huệ.
Phương Anh cho hay, khu cách ly Sơn Tây có khoảng 800 người cách ly với nhiều thành phần: Người đa quốc tịch, du học sinh... Phương Anh phiên dịch cho 2 người Anh, 1 người Tây Ban Nha, 1 người Đức, 3 người Hàn. “Tại khu cách ly Trường Quân sự Sơn Tây, cơm ăn, nước uống đều do bộ đội mang tới tận nơi phiên dịch và người cách ly không phải động tay vào bất cứ thứ gì” - Phương Anh chia sẻ.
Phương Anh tâm sự, trong quá trình cách ly, những người nước ngoài cũng không yêu cầu nhiều, chủ yếu Phương Anh phổ biến quy tắc cách ly và giúp một số việc trong sinh hoạt hằng ngày. Người nước ngoài đều có nhận xét công tác phòng dịch của Việt Nam rất tốt.
Đoàn Xuân Hiệp (SN 1993, ở Hà Nội), đang tình nguyện phiên dịch tại khu cách ly tập trung Pháp Vân - Tứ Hiệp (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cũng mong muốn giúp thành phố đẩy lùi dịch bệnh. Thời gian đầu, khi những người nước ngoài đến khu cách ly, Hiệp giúp họ check-in, nhận phòng cách ly. Còn hiện tại, khi mọi người đã ổn định nơi ở thì hằng ngày Hiệp đi cùng đội ngũ y tế để đo nhiệt độ, hỏi thăm tình hình sức khỏe và giải đáp thắc mắc của những người nước ngoài.
Một câu chuyện cảm động trong số những trường hợp Hiệp từng hỗ trợ khiến cậu không thể quên, đó là một Việt kiều người Mỹ (khoảng 60 tuổi) về Hà Nội ngày 18/3. “Cô này về Việt Nam để thăm bố bị ung thư phổi giai đoạn cuối ở Huế. Nhưng vì đang bị cách ly nên cô ấy không thể đến Huế. Vài ngày sau thì bố cô ấy mất. Cô ấy buồn nhưng lại rất thông cảm với chính sách cách ly của Chính phủ Việt Nam nên không phàn nàn gì cả”, Hiệp cho biết.
Phạm Thị Huệ (SN 1990, ở Nam Định, phiên dịch tiếng Hàn), từng là hướng dẫn viên du lịch trong nhiều năm. Cô là người đầu tiên tự nguyện đến khu cách ly ở Bệnh viện Công an TP. Hà Nội, giúp đỡ cơ quan chức năng giao tiếp với người nước ngoài. Công việc của Huệ tại đây cũng không vất vả, hằng ngày, cô chủ yếu giúp người nước ngoài hiểu rõ hơn về quy định của khu cách ly, chia sẻ những gì cần thiết về y tế và thông báo kết quả xét nghiệm.
Kể về một trường hợp ấn tượng trong quá trình làm việc, Huệ cho biết: “Ngày 17/3, có một công dân người Hàn Quốc vào khu cách ly. Người này bay từ Thái Lan sang Việt Nam, chờ ở sân bay từ sáng đến tối mới về khu cách ly. Lúc đầu, người này rất sợ hãi và hoang mang, họ yêu cầu ở khách sạn hoặc tự cách ly tại nhà. Nhưng sau khi nghe tôi giải thích về các quy định ở đây, họ đã bình tĩnh trở lại và nghiêm chỉnh chấp hành”.
Huệ cho hay, khi vào đây làm việc cô thấy vui vì được đóng góp một phần nhỏ công sức vào công cuộc phòng, chống dịch Covid-19. Những công dân nước ngoài khi hết cách ly họ rất vui vẻ và nói cảm ơn đất nước Việt Nam khiến cô thấy tự hào.