Cuộc sống của sản phụ đầu tiên được đặt ECMO về phổi giờ ra sao?

08-09-2016 10:12 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - Đã 2 năm trôi qua kể từ khi mẹ con chị Hương được các bác sĩ khoa Hồi sức tích cực, BV Bạch Mai cứu sống một cách ngoạn mục bằng kỹ thuật tim phổi nhân tạo (ECMO). Giờ đây mỗi khi nghĩ đến sự hồi sinh kỳ diệu ấy, trong lòng chị vẫn dâng trào cảm xúc biết ơn những người thầy thuốc áo trắng đã nỗ lực hết mình để giành giật sự sống cho hai mẹ con chị.

Bé Thanh Bình (áo trắng) cùng anh trai đến trường.

Chị Bùi Thị Hương, 33 tuổi là công nhân nhà máy xi măng Hạ Long, Hoành Bồ, Quảng Ninh. Hai năm trước, khi chị đang mang thai tuần thứ 35 thì nhiễm cúm A/H1N1 dẫn đến suy hô hấp nguy kịch, tràn khí màng phổi hai bên, nguy cơ tử vong cao. May mắn thay cuối cùng hai mẹ con chị cũng vượt qua “cửa tử” và sống khỏe mạnh. Đây cũng là trường hợp hi hữu đầu tiên được áp dụng ECMO hỗ trợ phổi (phổi nhân tạo) cho một bệnh nhân tổn thương phổi nặng do cúm A. Trước đó, đã có những bệnh nhân được ứng dụng kỹ thuật này hỗ trợ về tim mạch.

Chia sẻ với PV báo Sức khỏe&Đời sống, điều chị Hương liên tục nhắc đi nhắc lại đó là hai từ “cảm ơn” chân thành và tự đáy lòng đến các y bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực, khoa Nhi, khoa Sản... của BV Bạch Mai đã cứu sống chị và đứa con bé bỏng. Chị mong báo chí sẽ là cầu nối giúp chị một lần nữa gửi lời cảm ơn đến các bác sĩ tận tâm, có như vậy chị mới cảm thấy nhẹ lòng.

Chị Hương và bé Bình hiện tại.

Chị Hương cho biết, hiện cháu Thanh Bình – con gái chị được 2 tuổi và đã bắt đầu đi học lớp mẫu giáo. Nhớ lại thời điểm 2 năm trước (tháng 4/2014), lúc hai mẹ con chị được xuất viện trở về nhà, tình hình sức khỏe ổn định hơn nhiều, tái khám định kỳ ở BV địa phương cho thấy phổi của chị vẫn khỏe mạnh bình thường.

Nhưng trong quá trình nuôi nấng bé Thanh Bình những tháng đầu đời, bé không may bị nhiễm sởi, rồi viêm phế quản nên vợ chồng chị có phần vất vả. Rồi bản thân chị Hương, mỗi khi thời tiết thay đổi trái gió trở trời cũng gặp phải những cơn khó thở, cơn đau đầu hành hạ… Những lúc khó khăn ấy, chị lại nhớ đến hình ảnh người thầy thuốc áo trắng – nhất là bác sĩ Gia Bình, bác sĩ Thạch, bác sĩ Cơ, bác sĩ Dũng trưởng khoa Nhi lúc bấy giờ đã tận lực giành lại mạng sống cho hai mẹ con chị để làm động lực tiếp tục cố gắng. Chị và người chồng vẫn luôn động viên lẫn nhau vượt qua tất cả.

Các y bác sĩ chúc mừng hai mẹ con chị Hương ngày ra viện 2 năm trước.

Tự hào vì được bác sĩ đặt tên cho con

Chia sẻ về cuộc sống gia đình hiện tại, chị Hương cho hay, sau khi khỏi bệnh, chị và chồng đã cố gắng cùng nhau vay vốn ngân hàng làm ăn, chắt chiu trả nợ, trang trải cho cuộc sống và nuôi hai con nhỏ. Cuộc sống có lúc thăng trầm, việc làm ăn mỗi lúc một khó khăn vì thiên tai, dịch bệnh khiến gia đình chị nhiều phen lao đao. “Tôi vẫn luôn nói với chồng không được bi quan, ở hiền nhất định gặp lành, hãy nghĩ đến sự bao dung, vị tha của cha mẹ, sự quan tâm yêu thương của bạn bè, đồng nghiệp, sự hết lòng vì bệnh nhân của các y bác sĩ và trên hết là tình mẫu tử thiêng liêng đã thôi thúc hai vợ chồng tôi vượt qua mọi sóng gió”- chị Hương tâm sự.

“Điều tôi luôn tự hào đó là cái tên Thanh Bình của con gái. Hồi vẫn còn nằm điều trị ở BV Bạch Mai, lúc tỉnh dậy mọi người nói rằng đã đặt tên cho cháu là Thanh Bình và hỏi tôi có muốn đổi tên cho con không. Tôi bảo “Không, tên đó rất hay và ý nghĩa”. Đến lúc đó gia đình mới cho tôi biết là chính bác Gia Bình, Trưởng khoa Hồi sức tích cực đã đặt tên cho con gái tôi. Đến tận bây giờ, lúc nào tôi cũng thấy vinh dự và tự hào về cái tên đó”- chị Hương vui vẻ nói.

Giờ đây, nhìn con khôn lớn mỗi ngày và đang tung tẩy những bước chân xinh xắn đầu tiên đến trường, trong lòng người mẹ trẻ ấy cảm thấy hạnh phúc dâng trào và mãn nguyện vô cùng.

ThS.BS Phạm Thế Thạch, khoa Hồi sức tích cực vẫn nhớ như in trường hợp bệnh nhân Hương hai năm trước. BS. Thạch chia sẻ: Niềm vui lớn nhất của các thầy thuốc là thấy những người bệnh khỏe mạnh. Trường hợp cháu Thanh Bình con chị Bùi Thị Hương, cách đây 2 năm được các bác sĩ cấp cứu mổ lấy thai từ trong bụng mẹ khi mới có 35 tuần. Mẹ bị suy hô hấp rất nguy kịch, tràn khí màng phổi hai bên do cúm A/H1N1 đã được các thầy thuốc BV Bạch Mai điều trị bằng kĩ thuật tim phổi nhân tạo (ECMO). Giờ đây thì có khoảng 100 bệnh nhân được cứu sống bằng kĩ thuật này.

Hai năm trước, BN Bùi Thị Hương nhập viện trong tình trạng rất nguy kịch, viêm phổi nặng, xét nghiệm khí oxy trong máu thấp 50 (người bình thường là 100). Do vậy, nguy cơ tử vong là rất lớn. Hơn thế, đây lại là phụ nữ mang thai ở những ngày cuối thai kỳ nên nếu không mổ cứu bé thì sẽ tử vong cả mẹ và con. Một cuộc hội chẩn chớp nhoáng của các bác sĩ liên khoa Hồi sức tích cực, Sản, Nhi, Huyết học, Gây mê.. đã diễn ra nhanh chóng và các bác sĩ quyết định mổ lấy thai để cứu đứa trẻ và giảm áp lực oxy cho người mẹ.

Đúng như tiên lượng, khi cháu bé được bắt ra đã bị ngạt, toàn thân tím tái. Nhưng nhờ sự phối hợp nhịp nhàng khẩn trương, kíp cấp cứu sơ sinh của Khoa Nhi đã có mặt ở tại Khoa Hồi sức tích cực từ trước và lập tức tiến hành đặt nội khí quản, cho thở máy sau đó đưa trẻ về khoa cấp cứu sơ sinh để tiếp tục theo dõi và điều trị. Còn bộ phận các bác sĩ khoa HSTC quay trở lại cấp cứu người mẹ . Một vấn đề gặp phải với các bác sĩ lúc này là phổi đã bị tổn thương toàn bộ, không có khả năng trao đổi oxy, BN đã được chỉ định thở máy nhưng cũng không cải thiện được tình hình. Bên cạnh đó nếu cho thở máy sẽ dẫn đến những biến cố liên quan trong quá trình thở máy. Do đó giải pháp cuối cùng lúc này là sử dụng kỹ thuật trao đổi oxy qua màng ngoài cơ thể hỗ trợ về phổi (ECMO).

Theo GS.TS Nguyễn Gia Bình, mặc dù kỹ thuật ECMO đã được ứng dụng rất thành công hỗ trợ về tim mạch, nhưng thực hiện kỹ thuật này hỗ trợ về phổi thì đây là lần đầu tiên. Bên cạnh đó, cái khó cho các bác sĩ gặp phải, đây là một phụ nữ vừa mổ, lại bị viêm phổi nặng, suy hô hấp nên khó khăn hơn nhiều. Theo thống kê ở một số nước trên thế giới như Australia tỷ lệ thành công này là 50/50. Kỹ thuật ECMO thực hiện hỗ trợ về phổi khác với tim và khó hơn hỗ trợ về tim, vì dụng cụ chuyên dụng hỗ trợ về phổi không có sẵn, bản thân bệnh phổi không giống như bệnh tim vì hồi phục ở phổi khác với tim. Kỹ thuật phổi nhân tạo có khó khăn nhất định như đặt ống thông, đường truyền, bơm máu ra và hút máu về… Những kỹ thuật này đòi hỏi phải có bác sĩ chuyên khoa về phẫu thuật mạch máu vì liên quan đến rối loạn đông máu, chảy máu, yếu tố nhiễm trùng…. Đặc biệt hơn, đây là lại là BN sản khoa sau mổ nên những rủi ro liên quan đến yếu tố tai biến sản khoa sau mổ cũng là một trong những yếu tố thử thách cac bác sĩ… Cuối cùng, vượt qua tất cả, ca bệnh đã thành công và trở thành một kỳ tích y học.

Dương Hải
Ý kiến của bạn
Tags: