Về già, quan trọng nhất là có bạn
Kể từ khi nghỉ hưu ở Trung tâm sản xuất phim – Đài truyền hình Việt Nam (VFC), đạo diễn-NSND Nguyễn Hữu Phần dường như chọn cuộc sống lặng lẽ, tận hưởng cuộc sống bình dị bên người bạn đời trong ngôi nhà trên phố Hàng Đào. Nhiều người về hưu vẫn thi thoảng làm phim này phim kia nhưng đạo diễn Nguyễn Hữu Phần gần như dừng hẳn, chỉ thiên về viết lách hoặc giảng dạy theo lời mời cho sinh viên trường SKĐA.
Bên chén trà nóng, câu chuyện của chúng tôi gần như không đầu không cuối, lúc nói về chuyện nghề, chuyện đời, lúc lại quay sang những người bạn mà ông yêu mến. Người còn kẻ mất đều để lại trong ông những kỷ niệm cứ dày lên theo năm tháng.
Ông bảo, "với người già, bạn quan trọng như hơi thở. Tôi nói thế để người trẻ hiểu rằng chúng ta phải chuẩn bị cho cuộc đời mình những người bạn thật sự. Không có bạn thì cô đơn lắm. Lúc còn trẻ chúng ta mải làm ăn, chỉ có "bè" chứ ít bạn thực sự. Nhưng dần dần chúng ta sẽ loại bỏ những mối quan hệ với "bè" để chỉ còn bạn. Lúc trước vì công việc, vì nể nang mà phải tiếp xúc, chơi với cả những người không hợp. Ở tuổi này, tôi may mắn có những người bạn từ thời lớp 1, rồi bạn học cùng trường Thăng Long, Trần Phú, Việt Đức… giờ họ vẫn sống ở phố cổ này. Bạn thời phổ thông là hay nhất. Lên đại học cũng có cái hay nhưng bắt đầu có ganh đua rồi, không còn vô tư trong sáng như lúc nhỏ nữa. Trước tôi ở Bát Sứ, vì chơi thân với ông bạn quay phim ở phố Hàng Đào mà đổi cái nhà Bát Sứ lên đây. Chẳng phải đi đâu, chúng tôi chỉ cần ngó đầu ra khỏi cửa là đã nhìn thấy và nói chuyện với nhau được rồi".
Nhà ông và bạn – NSND Nguyễn Hữu Tuấn nối nhau bằng khoảng sân chung, tiện không để đâu cho hết. Cả thời tuổi trẻ không mấy khi gặp nhau, giờ về già lại có duyên gắn bó như người một nhà. Ông bảo, cũng may khi còn trẻ chúng tôi không làm ăn chung với nhau, dù tôi làm đạo diễn, ông ấy là dân quay phim rất liên quan đến nhau. Trong cuộc đời mình có thể làm rất nhiều việc nhưng tuyệt đối không làm ăn chung với bạn thân. Nhỡ đâu vỡ cái gì đó thì mất nhiều nhất là mất tình bạn.
Ở phố cổ tuy có chật chội nhưng tuổi già như ông thì ở hết bao nhiêu. Người già cần không khí hơn không gian. Mà còn nơi đâu nhộn nhịp hơn phố cổ? Đã có lúc ông sống trong căn hộ chung cư cao cấp với con cháu nhưng chỉ một thời gian thì nhận thấy những bất tiện rất khó để thích nghi. Nghiêm trọng nhất là mất hết bạn, vì ở chung cư người ta thấy rất phiền khi ra vào. Chung cư cao cấp an ninh còn chặt hơn. Con cái thì bận bịu công việc, tối đến mới gặp nhau chốc lát rồi ai về phòng nấy. Vậy là ông quyết định dọn ra ngoài sống, dù các con luôn muốn sống gần để tiện bề chăm sóc. Với ông, ở nhà nhỏ cũng có cái hay, chỉ cần một cánh tay với là lấy được cả thế giới cũng nên, chứ rộng quá lại khổ cho việc sinh hoạt, dọn dẹp. Muốn rộng thì vài bước chân đã Hồ Gươm trước mặt.
Về phố Hàng Đào, ông thuận lợi đến thăm bạn hữu, ai đi qua cũng dễ dàng ghé vào. Thành ra lúc nào cũng có người trò chuyện rổn rảng, từ chính sự cho đến đời thường mớ rau con cá.
Đàn ông chịu đựng cô đơn kém hơn phụ nữ
Ngoài bạn hữu thì ông còn có bạn tâm giao, là người vợ thứ 2. Gần đây ông có trải qua đợt ốm, những ngày điều trị luôn có bạn, bà xã, con cái chăm nom khiến ông thấy mình thật may mắn và hạnh phúc.
Ông bảo, đàn ông chịu cô đơn kém hơn đàn bà. Đàn ông mất vợ thì rất khó sống nhưng đàn bà mấtchồng thì vẫn trụ tốt. Là bởi người đàn ông dựa vào phụ nữ rất nhiều. Cứ ngỡ là phái mạnh, là gia trưởng nhưng từng chi tiết đời sống là do người đàn bà chăm lo hết.
Tôi nhớ có lần tôi và người vợ đầu tham gia chương trình Người xây tổ ấm của VTV, nhà báo Kim Ngân hỏi tôi, với ông thì bà có ý nghĩa như thế nào trong cuộc đời và sự nghiệp? Tôi bảo: 'Có 3 kiểu làm vợ là bạn, con và kiểu làm mẹ. Bà ấy là mẹ tôi".
Khi chương trình phát sóng, bà xã vốn là giáo viên nên để ý câu chữ lắm, bảo cả chương trình đang hay mà anh lại đùa? Tôi bảo anh có đùa đâu. Hàng ngày em lo cho anh từ ăn sáng cho đến cái mặc, thậm chí anh đi đâu, đến nhà ai cần làm gì em cũng dặn và anh thường "vâng" mà. Đến khi bà ấy mất vì bệnh là một sự hụt hẫng quá lớn. Có những việc tưởng rất nhỏ như, áo hay bị đứt cúc, quần bị đứt chun, chẳng nhẽ lại nhờ con dâu? Đáng lẽ việc rất đơn giản là ra ngoài mua mấy cái nhưng không hiểu sao không làm được mà vẫn cứ mặc, rồi lấy thắt lưng thay cúc. Có lần ra sân bay, thủ tục qua cửa an ninh phải cởi thắt lưng tôi mới nhận ra rằng từ những việc rất nhỏ mà không có bàn tay phụ nữ thì rất khổ. Con cái vẫn ở đó, chăm sóc không có gì đáng chê cả nhưng vẫn thấy không ổn. Sau đó thì tôi tìm được người bạn tâm giao như hiện tại.
"Những phim tôi làm chẳng có gì là ghê gớm cả"
Từng được giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật, đạo diễn của nhiều bộ phim nổi tiếng và là một trong những người cùng với NSND Khải Hưng thành lập nên Trung tâm sản xuất phim truyền hình (VFC), Đài truyền hình Việt Nam nhưng giờ đây nhìn nhận lại, vị đạo diễn gạo cội nói rằng những đóng góp của mình chẳng có gì là ghê gớm cả.
Ông tâm sự: "Nhiều người hay sống bằng quá khứ, đi đâu ngồi cũng kể ngày xưa tôi làm cái nọ cái kia, rồi thấy việc mình làm là quá lớn lao… Bản thân tôi nhìn lại thì thấy những cái đó không có gì đáng kể cả, nhất là với điện ảnh thì sức sống của nó ngắn lắm, không dài đâu. Bây giờ thấy rõ vô cùng là phim điện ảnh chỉ sống 1 tuần, xong là không còn ai biết đến, kể cả với phim đình đám. Ngày xưa phim sống qua năm này năm khác vì không có gì để xem nên cứ phải xem đi xem lại. Cho nên cứ nói ngày xưa tôi vĩ đại lắm là đang sống trong ảo tưởng.
Ví dụ như vấn đề về nông thôn tôi làm không có gì là phát hiện mới cả. Cái khác là khi làm phim, tôi luôn có vài tính cách đặc biệt trong phim. Như "Đất và người" có Chu Văn Quềnh, "Ma làng" có Dỏ, Ló, Tòng… là những tính cách đặc biệt. Giống như trong văn học, Chí Phèo là nhân vật đáng nhớ nhất, còn những chị Dậu, anh Pha là những người không có tính cách đặc biệt. Từng có thời kỳ văn học và phim ảnh bị "một màu", tư sản là tính cách thế này, nông dân là thế kia… trở thành cái không có biến. Trong khi đó tất cả những chuyện xảy ra đều do tính cách. Khi đi dạy sinh viên ở trường Sân khấu điện ảnh, tôi thường dạy họ biết cách làm tính cách cho nhân vật chứ không nói về cái gì lớn lao cả.
Thứ 2, ngoài chuyện tính cách, phim của tôi không có ác và xấu. Như "Em còn nhớ hay em đã quên" dù là mối tình tay ba nhưng không ai "chơi bẩn" với ai để hạ người kia. Cả 3 cùng tốt mà vẫn xử lý được. "Ma làng", "Đất và người" có những Chu Văn Quềnh, Ló, Dỏ gần như lưu manh nhưng họ vẫn tử tế, chỉ là do bị cuộc đời này làm cho họ hỏng đi, thành lưu manh hoá chứ bản chất là thiện và cuối cùng họ sống tốt lắm. Trong rất nhiều phim của mình tôi không làm thành xung đột con người kiểu xấu tốt, triệt phá lẫn nhau, quy định người này tốt người kia xấu. Trong cuộc đời thật cũng vậy, người xấu cũng có phẩm chất tốt của họ chứ, ai sống bằng tất cả cái xấu nhưng phim cứ dồn tất cả những thứ đó cho họ…".
Dấu ấn diễn viên và cái tinh tường của đạo diễn
Dù ông không đánh giá mình quá cao nhưng với người trong nghề vẫn thường nói với nhau về khả năng nhìn người của ông khi chọn vai. Không ít người nhờ được đạo diễn chọn cho màu nhân vật khác hẳn với trước kia mà trở nên nổi tiếng.
Như vai diễn Chu Văn Quềnh của cố nghệ sĩ Hán Văn Tình chẳng hạn. Vai diễn thành công đến nỗi cả sự nghiệp diễn xuất của Hán Văn Tình nếu nói đến thì người ta chỉ nhắc vai diễn ấy. Và dù chỉ là vai phụ nhưng lại trở thành một trong những nhân vật ấn tượng nhất.
Những nhân vật ấn tượng trong phim của đạo diễn Nguyễn Hữu Phần được làm khác với vai diễn trước đó của các nghệ sĩ
Tuy nhiên, để có được thành công này thì đạo diễn đã phải "tút tát" không ít cho diễn viên. Chẳng hạn, do nghệ sĩ Hán Văn Tình là diễn viên tuồng nên khi diễn hay bị "sân khấu hoá", chân tay hay vung lên nên đạo diễn phải liên tục kiềm chế. Rồi đài từ không hợp với vai, phải nhờ đến khâu lồng tiếng của NSND Trung Hiếu.
Với phim "Ma làng" là lần đầu tiên nghệ sĩ Bùi Bài Bình vào vai phản diện. Trước đó, ông thường được giao các vai trí thức, hiền lành, nhận lời vì đạo diễn gợi ý nên "đổi màu" khác cho mới. Vai Tòng chủ tịch xã đầy mưu mô hoá ra quá hợp với NSND Bùi Bài Bình. Để có được thành công ấy, nam nghệ sĩ đã đích thân đi thực tế về nông thôn để quan sát chủ tịch xã như thế nào.
Cố nghệ sĩ Hồng Sơn cũng vậy. Anh vào vai Dỏ cũng là từ sự gợi ý của đạo diễn Nguyễn Hữu Phần, bảo "có đóng được thứ Chí Phèo làng không? Được thì cạo trọc đầu đi". Ngoài ra, trong quá trình quay, đạo diễn còn dùng nhiều "chiêu" để "kích" cho cái tôi của hai nghệ sĩ này vì cạnh tranh nhau mà phải diễn tốt hơn.
Chân dung MC Kỳ Duyên vừa đăng quang Hoa hậu Du lịch Việt Nam 2022