Cuộc khủng hoảng vacxin

29-12-2015 17:28 | Phòng mạch online
google news

SKĐS - Xưa nay, người ta vẫn gán cho vacxin một câu thần chú là hiệu quả phòng bệnh và tuyệt đối an toàn. Khi những thông tin xấu về tiêm chủng nhanh chóng phủ lên mặt báo, cùng với cách tiếp cận vô trách nhiệm về tiêm phòng, thì hình ảnh những ông bố bà mẹ bấn loạn khi nghe tin có vacxin dịch vụ là lời cảnh báo nghiêm khắc cho thảm họa đe dọa sự sống an toàn.

1. Sự thật Vacxin có tuyệt đối an toàn không?

Những báo cáo thống kê ở các nước phát triển cho thấy vacxin cũng giống các loại thuốc khác, khi tiêm vào cơ thể sẽ có những phản ứng phụ, một số ít trẻ xuất hiện tai biến nặng, thậm chí là tử vong.

Ví dụ ở Đức, Ý và Singapore hiện đang tiêm phổ biến vacxin 6 trong 1 có tên là Infanrix Hexa.Theo kết quả điều tra của chính nhà sản xuất, trong 12 năm nước Ý thực hiện 15 triệu mũi tiêm, đã có 63 trẻ tử vong đột ngột trong vòng 20 ngày (trung bình 4,2 trẻ tử vong/1 triệu mũi tiêm). Bạn đọc có thể kiểm chứng thông tin từ đường link: http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/24004825.

Một nghiên cứu khác cũng ở Ý, thống kê 3 triệu trẻ tiêm Infanrix Hexa, Hexavac, cùng các vacxin mũi rời khác; kết quả có 68 trẻ tử vong trong 20 ngày sau tiêm (trung bình 22,7 trẻ tử vong/1 triệu trẻ tiêm). Bạn đọc có thể kiểm chứng thông tin từ đường link: http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3027668/.

Việt Nam thực thiện tiêm chủng vacxin Quinvaxem bắt đầu từ tháng 10/2010. Theo ước tính tạm thời, đến nay có khoảng 24 triệu mũi tiêm, số trẻ tử vong là 63 (tạm tính trung bình 2,6 trẻ tử vong/1 triệu mũi tiêm).

Không khó để tìm kiếm những con số thống kê như vậy. Nhưng ở góc độ khoa học thì chừng đó chưa thể khẳng định Quinvaxem có tỉ lệ tử vong thấp hơn nhiều so với Infanrix Hexa, Hexavac và Quinvaxem cũng chưa thể so sánh được với Pentaxim dịch vụ mới nhập về Việt Nam. Bởi vì trong nghiên cứu vacxin, phương pháp luận khoa học dù có công phu đến mấy vẫn cứ luôn nghèo nàn, do quy mô nghiên cứu vẫn quá nhỏ, thời gian nghiên cứu quá ngắn, phạm vi nghiên cứu quá hạn chế trong các quần thể đại diện.

Như vậy, một loại vacxin chỉ thực sự an toàn khi chính vacxin đó không bao giờ sử dụng!

2. Chúng ta đã thành công trong tiêm chủng mở rộng (TCMR)

Trong gần ba thập kỉ qua, chương trình TCMR đã làm cho cả thế giới nể phục, để cuộc sống trong thế kỉ XXI của chúng ta hôm nay phải nói lời biết ơn. Nhờ có tiêm chủng, một số dịch bệnh đã bị tiêu diệt, trẻ em được khỏe mạnh do tăng sức đề kháng, nhiều căn bệnh nghiêm trọng cũng trở nên nhẹ đi.

Thành công ấy hoàn toàn không phải do những biện pháp áp đặt hà khắc trái với ý chí của người dân. Mà đó là chiến công của những cán bộ y tế dự phòng, của những chi hội phụ nữ, của những tình nguyện viên… với công việc rất đơn giản là chuyển tải những kiến thức đúng đắn nhất về tiêm chủng đến với từng ông bố bà mẹ.

Nhưng còn một điều quan trọng nữa, đó chính là nỗi sợ bệnh tật. Thập kỉ 90 trở lại trước đã chứng kiến không biết bao nhiêu bệnh nhân bị bại liệt, còn thế hệ sau đó thì chứng kiến không ít những em bé bị biến dạng do mẹ bị nhiễm Rubella trong thời kì mang thai. Làm sao có thể không sợ, khi nói đến bại liệt người ta sẽ thấy ngay hình ảnh chiếc xe lăn với đôi nạng gỗ, thấy cả những đứa trẻ con tập tễnh bám xung quanh! Dịch bệnh đã từng đẩy loài người vào cơn tuyệt vọng, nhưng khi vacxin ra đời đã cứu sống những bệnh nhân có nguy cơ bị dịch bệnh giết chết.

Sợ hãi bệnh tật cùng với những hiểu biết đúng về vacxin chính là lí do để chương trình TCMR trở thành một cuộc thập tự chinh mà tất cả người dân say mê đi tiêm phòng phổ quát.

3. Tại sao chúng ta lại tiêm Quinvaxem?

Y học cũng như cuộc sống, luôn có sự biến đổi và phát triển, trong đó có một số đột phá làm thay đổi hẳn tư duy nhận thức của con người. Một trong những đột phá ấy chính là việc năm 1971, nhà vi sinh học người Mỹ Maurice Ralph Hilleman đã nghĩ ra cách kết hợp 3 thành phần vacxin là sởi, quai bị và Rubella gộp thành 1 loại gọi tắt là MMR. Đây được coi là 1 trong 10 phát kiến y tế vĩ đại của thế kỉ XX. Sự kết hợp đơn giản ấy nhưng đã cứu sống hàng ngàn trẻ em ở mỗi quốc gia trên thế giới trong mỗi năm.

Lịch sử MMR đã từng phải trả giá rất đắt, có lúc loại vacxin này tưởng như mất uy tín hoàn toàn với cuộc tẩy chay của đồng loạt các quốc gia có nền y tế phát triển. Nhưng đến hôm nay, MMR đã trở lại đúng với vị trí quan trọng mà nó xứng đáng nhận được. Công nghệ kết hợp vacxin 5 trong 1, rồi đến 6 trong 1 cũng đã có những bước tiến không ngừng.

Việt Nam với đặc điểm là quốc gia nghèo, nên chương trình TCMR bao nhiêu năm vẫn chỉ thực hiện các mũi tiêm riêng lẻ. Mãi tận năm 2010, chúng ta mới triển khai tiêm miễn phí Quinvaxem nhờ sự trợ giúp của WHO, đây cũng là nỗ lực xứng đáng được ghi nhận của ngành y tế. Song song với Quinvaxem, thì các vacxin riêng lẻ vẫn được thực hiện ở xã phường vì hiệu quả phòng bệnh và tính an toàn cho phép.

4. Vậy tại sao bây giờ dân ta phải khổ vì vacxin?

Khi sự việc 3 cháu bé ở Quảng Trị bị tử vong sau tiêm vacxin viêm gan B, xã hội đã sốc, người ta bắt đầu tẩy chay tiêm chủng. Hệ quả là dịch sởi năm 2014 đã giết chết hàng trăm trẻ, sởi chỉ thực sự dập tắt khi các bà mẹ đồng loạt đưa con đi tiêm phòng.

Sau bài học sởi, là đến bài học Quinvaxem bị mất uy tín bởi cái chết của 43 trẻ liên quan đến tiêm loại vacxin này. Liên tiếp những thông tin không đầy đủ đã gây nhiễu, bất chấp cảnh báo của WHO trong tháng 6/2013, người ta đã tẩy chay tiêm Quinvaxem.

Rõ ràng thành tích đưa Quinvaxem vào chương trình TCMR chưa đủ để nâng cao hiệu quả miễn dịch cho cộng đồng, nhưng việc làm suy yếu nhận thức của những ông bố bà mẹ có mặt trong buổi xô đẩy nhau giành suất tiêm hôm vừa rồi thì đang là sự thật hiện hữu.

Người ta đổ lỗi cho các ông bố bà mẹ ấy vô ý thức, theo tôi là không đúng. Ai cũng biết vacxin có tác dụng  ngăn chặn bệnh truyền nhiễm; nhưng khi con cái chúng ta phải đối mặt với nguy cơ tử vong, với tác dụng phụ nghiêm trọng, hay những biến chứng lâu dài do tiêm vacxin, thì không ai có thể tránh khỏi sợ hãi. Bại liệt, bạch hầu, ho gà, uốn ván, sởi, quai bị, Rubella, viêm gan B hay bất kì bệnh nguy hiểm nào khác ở thời kì ấu thơ không đủ làm át đi nỗi sợ nhìn đứa con của mình bị tai biến.

Hình ảnh xấu về Quinvaxem làm cho các ông bố bà mẹ chống lại tất cả, họ không tiêm Quinvaxem, không tiêm những vacxin riêng lẻ có khả năng thay thế, mà chờ đợi Pentaxim xuất hiện để đổ xô đi chen chúc để được tiêm.


BS. Trần Văn Phúc
Ý kiến của bạn