Lớp chúng tôi bao gồm một số cán bộ các ngành hoặc bộ đội chuyển ngành tham dự, đảm nhiệm tổ trưởng các tổ học tập hoặc Hiệu đoàn của trường, còn phần lớn ở tuổi 16 -17, trong đó có nhiều học sinh là con cán bộ miền Nam tập kết. Nguyệt Ánh“cứng tuổi” hơn, bước vào tuổi 18. Tuy vậy, so với các chị là bộ đội chuyển ngành hoặc Thanh niên xung phong đã tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp, thì Nguyệt Ánh thuộc hàng em út. Mẹ của Ánh tập kết ra Bắc khi bà là y sĩ phục vụ tại nhiều cơ sở y tế ở miền Nam trong cuộc kháng chiến 9 năm. Việc học hành bận rộn hàng ngày và lao động XHCN kiến thiết thủ đô vào các ngày Chủ nhật những năm tháng ấy đã cuốn hút tuổi trẻ chúng tôi. Mặt khác, quan niệm “nam nữ thụ thụ bất thân” đã tác động đến mối giao lưu với người khác giới.
Chăm sóc cho bệnh nhân tại BV Lao và Bệnh phổi Trung ương.
Vào thời gian đó, nhiều thầy thuốc và nhân viên y tế của bệnh viện này là cán bộ miền Nam tập kết, trong đó, Giám đốc bệnh viện là BS. Phạm Ngọc Thạch. Tuy khác biệt vùng miền, nhưng sự ứng xử giữa các thầy thuốc và nhân viên y tế nơi đây đối với lứa trẻ chúng tôi thật sự gần gũi, gắn bó. Chúng tôi luôn coi trọng các cô chú như bậc cha mẹ của mình, do vậy, đã được đón nhận sự chỉ bảo hết sức tận tình, tạo nên bầu không khí chan hòa gắn kết, cùng chung niềm vui trong phục vụ người bệnh. Điều đó cũng đem đến niềm vui lớn trong cuộc đời của Nguyệt Ánh. Là con cán bộ miền Nam tập kết, chị có mối quan hệ cởi mở, chân tình với nhiều nữ cán bộ y tế miền Nam tập kết của bệnh viện này. Trong một phiên trực đêm, Nguyệt Ánh tâm sự về gia đình của mình với nữ y sĩ bệnh viện. Vị nữ y sĩ trạc tuổi mẹ của Ánh, cũng đã trải qua năm tháng ở chiến trường Nam bộ, nên dễ cảm thông về hoàn cảnh gia đình Ánh. Hai cô cháu trở nên thân thiết như ruột thịt. Linh cảm từ người phụ nữ từng trải, qua những mẩu chuyện mà Ánh tâm sự, bà nảy sinh ý tưởng cần gặp mẹ Ánh để tìm hiểu điều uẩn khúc, nhằm tìm cách giúp cho hạnh phúc của gia đình Ánh. Về nhà kể chuyện, mẹ Ánh vừa mừng, vừa mong có cuộc gặp mặt này. Biết đâu, duyên phận sẽ mỉm cười với bà ở tuổi xế chiều? Ngày Chủ nhật, hai bà y sĩ Nam Bộ gặp nhau, tay bắt mặt mừng vì có chung tình cảm nghề nghiệp và sinh ra, trưởng thành ở miền đất Đồng Tháp Mười gian lao và anh dũng. Mẹ của Ánh thường trả lời tế nhị mỗi khi được Ánh hỏi về Bố, bởi bà không muốn làm đứa con gái cưng duy nhất của bà bị tổn thương... nên bà chỉ nói chung chung, rằng ba của con đang hoạt động ở xa, yêu cầu cần giữ bí mật, tránh kẻ địch nhòm ngó gây hại. Nhưng, bây giờ gặp người bạn đồng niên, đồng nghiệp, bà chẳng cần giấu giếm điều gì, phần để nhẹ lòng, mà phần lớn hơn là biết đâu, người bạn này sẽ đem lại nguồn hy vọng cho mẹ con bà...Bà y sĩ của Bệnh viện Lao đã hỏi nhiều điều và chăm chú nghe khi mẹ Ánh kể lại những năm tháng bà cùng làm việc tại một cơ sở y tế, thân quen gần gũi với một ông bác sĩ, có lẽ nay đã gần 60 tuổi. Mẹ Ánh còn mô tả về khuôn mặt, dáng vóc, tính tình của ông bác sĩ ấy. Ngượng ngịu đôi chút, mẹ Ánh kể rằng, vì ác liệt của chiến tranh, sự sống và cái chết cận kề, lại gần gũi trong công việc ngày đêm, giữa hai người nảy sinh tình cảm, đã đôi lần đi xa hơn tình cảm thông thường, với lời thề non hẹn biển... Ông bà chưa kịp tổ chức kết hôn, mà phải ly tán mỗi người một ngả sau trận tập kích bất ngờ của bọn phản động đội lốt tôn giáo. Thời gian đó, Chiến tranh Thế giới thứ 2 đã bùng nổ và lan nhanh ra nhiều nước ở châu Âu, châu Á, châu Phi...; không lâu sau, quân đội phát xít Nhật tràn vào Đông Dương, rồi Nhật đảo chính Pháp, và Nam Bộ kháng chiến 9 năm ác liệt. Ông bà bặt tin nhau cho đến ngày nay... Trong bản khai lý lịch, bà mẹ dặn Nguyệt Ánh nên để trống tên ba, với lý do là ba đang hoạt động bí mật trong vùng địch tạm chiếm đóng. Bà khách gặng hỏi mẹ Ánh về tên của ông bác sĩ ngày ấy. Giữ kín tâm trạng khi nhận biết những thông tin về bố Ánh qua lời tâm sự của mẹ Ánh. Suy nghĩ cân nhắc kỹ lưỡng, vì ở đời có nhiều điều trùng hợp ngẫu nhiên, nếu đem câu chuyện mà mẹ Ánh tâm sự để trực tiếp hỏi ông bác sĩ đang là thành viên trong ban lãnh đạo của bệnh viện nơi bà làm việc mà chẳng may không trúng, thì bà sẽ ân hận vì đã làm tổn thương tình cảm của mọi người. Tham khảo ý kiến chị em thân tình, hầu hết khuyên chị nên tế nhị bâng quơ kể về cuộc gặp mặt ngẫu nhiên với mẹ của Ánh, để xem ý tứ của ông thế nào? Nhân cuộc gặp vui, chị kể riêng với ông, về câu chuyện gặp mẹ Ánh vừa qua. Thật không ngờ, từ cặp mắt của ông bác sĩ cao tuổi tuôn trào nước mắt. Ông nắm bàn tay chị và nghẹn ngào thốt lên: “Câu chuyện chị kể có thiệt hông zậy?” “Dạ, thưa thiệt ạ!” chị đáp lời. Ngày hôm sau, ông được Ánh và bà y sĩ từng gặp mẹ Ánh, đưa đến nhà thăm mẹ Ánh... Nỗi niềm được giữ kín trong suốt những năm chiến tranh đã được mở ra! Ba, mẹ Ánh đã trao cho nhau những lời đằm thắm từ trái tim, ngập tràn nguồn cảm xúc vô bờ về cuộc hội ngộ bất ngờ và hiếm có này. (ông, bà cùng giữ trọn lời hẹn ước năm xưa, hy vọng được gặp lại nhau như một định mệnh). Giây phút mừng vui hạnh phúc đến nghẹt thở, rồi vỡ òa... Mẹ Ánh vẫy Ánh đến bên, cầm tay ông đặt vào bàn tay con gái, nói ngắn gọn trong niềm vui sướng đến tột đỉnh: “Từ nay, gia đình ta có ba cùng chung sống, hãy ráng giữ gìn sức khỏe và theo nghề của ba mẹ cho đến trọn đời, con nhé!”. Tràn ngập hạnh phúc, Nguyệt Ánh nức nở kêu lên: “Ba!”, rồi xỉu đi trong vòng tay của ba mẹ cùng bà khách thân thiết và giàu lòng nhân ái.
Tin vui tựa giấc mơ của Nguyệt Ánh truyền lan nhanh đến mọi người. Chúng tôi nồng nhiệt chúc mừng hạnh phúc diệu kỳ của cuộc đời Nguyệt Ánh, với những lời chúc phúc tốt đẹp nhất.