Hà Nội

Cuộc gặp gỡ đầu năm của giới văn nghệ sĩ

20-02-2014 06:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Nhân dịp ra mắt cuốn sách Bát phố của nhà thơ dân gian Bảo Sinh, ngày 15/2 vừa qua, tại 167 Trương Định đã diễn ra cuộc gặp gỡ hội tụ đông đủ các anh tài trong giới văn học nghệ thuật.

Nhân dịp ra mắt cuốn sách Bát phố của nhà thơ dân gian Bảo Sinh, ngày 15/2 vừa qua, tại 167 Trương Định đã diễn ra cuộc gặp gỡ hội tụ đông đủ các anh tài trong giới văn học nghệ thuật. Nhạc sĩ Phú Quang đứng ra tổ chức buổi trình diễn âm nhạc. Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp cho trưng bày một số đĩa gốm ông vẽ chân dung các bạn văn...

Sự kiện diễn ra trong không gian nhà riêng của nhà thơ Nguyễn Bảo Sinh. Các nghệ sĩ biểu diễn: NSND Quang Thọ, NSƯT Dương Minh Đức, NSƯT Thanh Vinh, NSƯT Quyền Văn Minh,  NSƯT Thúy Hà, Ánh Tuyết (Hà Nội), Nhật Thu, Băng Tâm... Rất nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình: Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Xuân Nguyên, Văn Chinh, Đỗ Lai Thúy, nhà sử học Lê Văn Lan, nghệ sĩ dân gian Xuân Ba...

Hiếm có buổi ra mắt sách nào tràn ngập âm nhạc nhiều như vậy. Âm nhạc cất lên từ hơn 4h chiều đến tận khuya, mở đầu với Hà Nội niềm tin và hy vọng do bộ ba Quang Thọ - Dương Minh Đức - Thanh Vinh biểu diễn. NSƯT Thúy Hà hát Cánh chim báo tin vui; NSƯT Quyền Văn Minh thổi kèn saxophone bài Em ơi Hà Nội phố...

Nội dung chính buổi gặp gỡ - Bát phố - cuốn tản văn của nhà thơ dân gian Bảo Sinh có những nội dung thật cuốn hút.

Về phiên chợ bên hồ Hoàn Kiếm: "Quanh hồ Gươm thời Pháp, hằng năm có tổ chức chợ phiên. Chợ  phiên cửa trước là Nhà Thủy Tạ, cửa sau là phố Tràng Thi (có nghĩa là chợ phiên chạy dọc theo phố Lê Thái Tổ - HH). Hình ảnh nhớ nhất về mọi cuộc chợ phiên là các sòng cờ bạc tôm, cua, rùa, cá... hoạt động mạnh mẽ. Thỉnh thoảng cũng có tốp tây, đầm vào xem qua. Trong khu đặt tượng Lê Thái Tổ có tổ chức một mê cung, đường đi như trận đồ bát quái. Ai đến được đích thâm cung sẽ được hoa hậu tặng một nụ hôn. Hỏi ra mới biết là bị lừa vì chẳng ai được hôn hoa hậu cả...”.

Trình diễn âm nhạc tại đêm giới thiệu sách Bát phố.

Trình diễn âm nhạc tại đêm giới thiệu sách Bát phố.

Một câu chuyện khác cũng liên quan đến chợ phiên. “Ai đi vòng Bờ Hồ cũng đều thấy cửa hàng Phú Gia đồ sộ trông ra Tháp Rùa, vị trí này là nơi ngắm Tháp Rùa gần nhất. Sau này, Nhà hàng Phú Gia được một nhà sưu tầm tranh nổi tiếng nhất Việt Nam xây dựng lại thành một khách sạn đồ sộ, nguy nga, nhưng ai qua đây cũng đều có cảm giác nuối tiếc về nhà hàng Phú Gia xưa. Thời Pháp tổ chức chợ phiên cũng dùng nơi này để bắc cầu ra Tháp Rùa. Hàng Trống có cụ B.G là Phú Gia địch quốc. Mật thám Pháp không ngờ gia đình giàu có như cụ lại là nơi họp bí mật của Việt minh hoạt động nội thành.

Rồi những câu chuyện về người  khắc bút. “Hơn nửa thế kỷ ngồi khắc bút bên hồ”... "Ngày xưa quanh Hồ Gươm còn có một thanh niên lành nghề khắc bút, dùng dao nhọn khắc tên chủ vào bút máy. Độ ấy, thú chơi nghèo nàn lắm, khắc tên vào bút cũng là kiểu chơi thú vị. Công an dẹp đám khắc bút hơi bị khó vì họ chỉ cầm một con dao khắc ngồi ở ghế đá mời chào khách, vả lại, cái chuyện khắc bút cũng không ảnh hưởng gì đến hòa bình thế giới nên nghề khắc bút gắn bó lâu đời với Hồ Gươm. Người khắc bút nổi tiếng nhất bên Hồ Gươm là Việt. Việt người Hà Nội, gốc Hàng Đường, gia đình danh giá. Vì thế sự thăng trầm nên phải mưu sinh bằng nghề khắc bút và trôi dạt ra Bờ Hồ, lấy Bờ Hồ làm nơi kiếm cơm, độ nhật qua ngày.

Sau này, gặp thời mở cửa với quãng đời từng trải quanh Bờ Hồ, Việt đã thành ông chủ, mở một “quán nhậu ven sông” tại chân cầu Chương Dương”.

Với những câu chuyện thú vị nhặt nhạnh được khi bát phố, nhà thơ dân gian Bảo Sinh đã thu hút nhiều bạn đọc đồng cảm và yêu mến. Theo quan niệm của tác giả thì bát phố là một điều tới nay dường như đã xa xỉ tới mức nhiều người trẻ không hiểu được nghĩa của nó. Với ông, bát phố “là một thú chơi mà chỉ người Hà Nội mới thưởng thức được hương vị kiêu sa này. Xưa kia, bát phố là phần hồn của người Hà Nội, về sau chữ “bát phố” phai mờ, rồi mất hút vào xa thẳm rồi lại tái sinh và hòa nhập với cuộc sống hiện đại...".

Quả là một ý hay để cho ra đời một cuốn tản văn nhiều bản sắc. Những gương mặt sáng giá trong làng nghệ thuật Việt Nam đã có một dịp gặp gỡ đầu xuân để cùng nhau thăng hoa cảm xúc.   

   Tùng Linh

 


Ý kiến của bạn