Hà Nội

Cuộc “gặp gỡ” đặc biệt của người mẹ và con trai sau 100 ngày mất

22-12-2016 15:41 | Y tế
google news

SKĐS - Hơn 100 ngày chàng trai trẻ Trịnh Đình Vàng đột ngột ra đi nhưng ở đâu đó, mẹ và những người thân vẫn cảm nhận được anh còn hiện hữu quanh đây. Trái tim, lá gan và đôi mắt anh vẫn đang ấm nóng, tưới sự sống cho 6 người khác trên cõi nhân gian này. Mẹ và người thân trong gia đình anh Trịnh Đình Vàng đã nén nỗi đau, mở tấm lòng nhân ái, đồng ý hiến tạng để các bác sĩ Bệnh viện 103 thực hiện ca ghép đa tạng mang lại sự sống cho nhiều người vào hồi tháng 7/2016 vừa qua.

Cho đi để cảm nhận được con vẫn còn hiện hữu trên cõi đời này

Vừa bước tới cổng nhà anh Nguyễn Xuân Hưng (sinh năm 1989 - Xóm 6 - Hòa Đức - Hà Nội) cũng chạc tuổi anh Trịnh Đình Vàng, bà Cấn Thị Ngần đã bật khóc. Những giọt nước mắt lăn dài vội vã trên gương mặt lam lũ của người mẹ đã chạm vào Hưng khiến anh xúc động. Bà Ngần muốn nhìn thật lâu vào đôi mắt Hưng cho thỏa nỗi mong mỏi bao ngày. Bà mong tìm lại ánh nhìn thân thuộc của con trai mình bởi Hưng chính là người đang mang một bên giác mạc của anh Trịnh Đình Vàng - con trai bà hiến tặng.

Lần đầu tiên bà Ngần được “gặp lại” con trai đúng dịp 50 ngày ngày mất của anh. Lần đó, khi bước lên căn phòng của Hưng, bà Ngần đã không nén nổi cảm xúc. Bà không dám nhìn lâu vào Hưng, những giọt nước mắt chan chứa nơi khóe mắt đã khiến bà phải bước vội sang nơi khác. Bà sợ mình sẽ khiến Hưng khóc và ảnh hưởng không tốt cho con mắt mới được ghép giác mạc.

Cũng mất nhiều công, gia đình anh Hưng mới tìm được về nhà bà Ngần. Các y, bác sĩ tại Bệnh viện 103 không cho biết thông tin nơi ở của gia đình bà Ngần theo quy định của Luật Cho, hiến tạng nhưng gia đình anh Hưng đã dò hỏi qua những người xe ôm đứng đầu cổng viện để tìm về tận nhà bà Ngần chỉ để thắp một nén nhang cảm tạ người đã hồi sinh lại con mắt của anh Hưng.

Lần thứ 2 này gặp lại Hưng là khi anh Vàng vừa qua 100 ngày. Mắt Hưng đã tháo chỉ và bà Ngần mới dám ngồi bên Hưng lâu hơn, những cảm xúc về con trai lại ùa về dâng ngập trong tâm trí bà.

Bà Cấn Thị Ngần nghẹn ngào bên anh Nguyễn Xuân Hưng - người nhận giác mạc của con trai mình.


Sẽ không bao giờ bà Ngần quên được buổi sáng sớm định mệnh ấy. Hôm đó là ngày 27/7, đúng ngày Hà Nội phải chịu một trận bão gió do áp thấp nhiệt đới và bà nhận được tin dữ.

5h sáng, người em ruột của bà Ngần gọi báo tin anh Vàng, con trai bà bị ngã từ sân thượng xuống gãy tay. Khi ấy, bà Ngần đang ở Hà Nội, làm giúp việc cho một gia đình mới sinh con nhỏ. Cho rằng có sự không lành, bà điện thoại ngay cho con trai thứ 2 là anh trai của Vàng, sợ bà không chịu nổi cú sốc này, anh đã nói: “Vàng không sao, chỉ gãy tay thôi, mẹ về nhà luôn, không cần qua bệnh viện 103 đâu”.

Nhưng linh tính mách bảo, trong lòng bà như lửa đốt, bà vội bắt xe về Bệnh viện 103. Nhìn thấy con nằm bất động trên giường, mình mẩy nguyên vẹn nhưng phần đầu có vết nứt, trái tim bà cảm giác như bị ai đó bóp nghẹt đau đớn.

Chuyện bắt đầu từ tối ngày 26/7, anh Vàng mời một người bạn làm cùng công ty về nhà chơi, ăn cơm. Buổi tối hôm đó trở trời oi bức do có áp thấp nhiệt đới sắp ảnh hưởng, hai người rủ nhau lên sân thượng hóng mát rồi nằm đó ngủ luôn. Sân thượng nhà bà Ngần có 1 bờ tường to bản, anh Vàng nằm trên lan can còn người bạn kia nằm dưới, bờ tường cách mặt sân khoảng 80cm.

Tới 12h đêm, người anh trai của anh Vàng ở căn nhà sát nhà bà Ngần nghe một tiếng “uỵch”, tưởng có trộm, anh chạy ra xem nhưng không phát hiện thấy gì khác lạ rồi lại quay vào nhà. 4h sáng ngày 27/7, khi người bạn của anh Vàng chợt tỉnh giấc, ngó quanh không thấy anh Vàng đâu vội chạy đi tìm thì phát hiện anh Vàng đã nằm dưới đất, bên hông ngôi nhà, cơ thể nguyên vẹn không xây xước, chỉ thấy máu chảy ra từ tai và phần đầu có vết nứt. Mọi người vội đưa anh Vàng vào Bệnh viện 103 nhưng các bác sĩ nói anh đã chết não, không còn cách nào cứu được...

Nỗi đau quặn thắt như có ai bóp nghẹt trái tim, bà Ngần muốn đi theo con ngay phút ấy. Gần 2 tiếng đồng hồ sau khi bà tới viện hay tin dữ, một vị bác sĩ đã mời gặp bà cùng 2 người con và 1 người cháu vào một căn phòng. Vị bác sĩ chia sẻ trước nỗi đau của gia đình đang trải qua và nói với bà Ngần về chuyện rất nhiều người đang sống mòn mỏi vì bị suy gan, thận.., cần được ghép tạng để được sống. Lòng xót xa như ngàn mũi dao cứa, bà Ngần không còn đủ tâm trí để nghĩ về bất cứ điều gì. Và trong phút ấy, bà cùng các con đã phản đối chuyện hiến tạng.

Rồi suốt từ buổi sáng tới tối ngày 27/7, bà Ngần đã sống trong đau khổ, mòn mỏi để chờ đợi một điều kỳ diệu đến với con trai mình. Bà chỉ mong anh Vàng - đứa con út ít của bà tỉnh dậy, lại hồn nhiên, quấn quýt với bà như xưa.

Anh Trịnh Đình Vàng – người chết não hiến đa tạng trong ca ghép tạng tại Bệnh viện Quân Y 103 tháng 7/2016


Anh Trịnh Đình Vàng sinh năm 1986 (xã Tuyết Nghĩa, huyện Quốc Oai, Hà Nội) vốn là người sống tình cảm, biết thương mẹ. Anh là đứa con thứ 3 trong 3 người con của bà Ngần. Anh Vàng chưa lập gia đình và sống cùng bà Ngần, trên anh Vàng là một người chị gái cả và 1 anh trai, cả 2 đều đã lập gia đình và sinh sống cùng làng với bà Ngần.

Anh Vàng đột ngột ra đi như vết thương sâu chất thêm vào chuỗi những biến cố đau đớn trong đời bà Ngần. Bà Ngần sinh năm 1960, làm nông nghiệp, chồng mất sớm ở tuổi 37 do bị điện giật khi sử dụng bếp điện lò xo. Khi chồng mất, bà Ngần mới 30 tuổi và lúc đó, anh Vàng mới 5 tuổi.

Bà Ngần một mình bươn chải, chân lấm tay bùn với ruộng vườn gồng gánh nuôi 3 con nhỏ. Cuộc sống thực sự khó khăn, 4 mẹ con dắt díu nhau dựng 1 chiếc lều tạm giữa đồng nước để bắt cá, chăn vịt. Căn lều nhà bà Ngần lọt thỏm giữa ao như một hòn đảo nhỏ giữa biển nước.

Cơm chẳng đủ ăn nhưng rồi cũng đắp đổi qua ngày, 3 đứa con của bà cũng không lớn. Mãi tới năm 2015, bà Ngần mới xây được căn nhà mái bằng cất trên nền ao ngày trước. Còn anh Vàng, học hết phổ thông thì vào miền Nam theo học cơ khí đôi, ba năm và sau đó về quê nhận lời làm cho một công ty xây dựng chuyên làm cửa sắt. Dãy hàng rào sắt của nhà bà Ngần cũng do một tay anh Vàng làm. Hàng rào mới làm được mấy tháng mà anh Vàng út ít của bà giờ lại gặp cơ sự này.

Hàng rào sắt anh Trịnh Đình Vàng cất công làm mấy tháng trước khi mất


Cái gật đầu của người mẹ nhân từ để hồi sinh 6 người xa lạ

Khi nỗi đau đã thấm đẫm trong tâm trí, bà Ngần phải quay lại, đối diện với thực tại: không còn cách nào để anh Vàng tỉnh dậy nữa. Trong cuộc nói chuyện với vị bác sĩ, bà Ngần nhớ lời người này nói: Nếu phần tạng của anh Vàng hiến tặng thì một phần cơ thể của anh ấy sẽ vẫn sống ở 6 con người khác, anh ấy không vĩnh viễn mất đi, không tan vào tro bụi...

Rồi bà Ngần thoáng nhìn thấy nhiều người đứng ngoài hành lang, gần khu buồng bệnh của con bà, dáng vẻ họ bồn chồn, lo lắng nhưng tất cả đều im lặng, không ai nói lời nào với bà, chỉ có ánh mắt họ dõi theo như cầu khẩn điều gì đó ở bà. Và bà hiểu rằng những người đó là người nhà của người bị suy tạng đang nằm chờ chết như lời vị bác sĩ đã nói.

Bà Ngần biết, tim bà đang nhói đau, những người kia chắc cũng đau đớn không kém trước sự nguy kịch của người thân. Một cái gật đầu của bà có thể mang lại sự sống cho 6 con người khác và mang lại niềm hạnh phúc cho bao nhiêu người thân của họ đang đứng kia mòn mỏi, phấp phỏng.

Và đêm khuya hôm ấy, ngoài trời gió rít thê lương, cơn bão đã ùa về, bên dãy hàng lang bệnh viện hun hút gió, bà Ngần đã quyết định ký vào lá đơn hiến đa tạng con trai mình: quả tim, lá gan, 2 quả thận và đôi giác mạc để cứu 6 người khác. Bà đặt bút ký với mong mỏi có một ngày được gặp lại một phần của anh Vàng trên cõi đời này.

“Ra đi nhưng không hoài phí, Vàng đã được tiễn biệt như một liệt sĩ”

Cho tới bây giờ, khi kể lại sự việc, trong ánh mắt đẫm nước nhưng bà Ngần không hối tiếc vì những điều mình đã làm: “Vàng nó mất nhưng không chết hoài chết phí. Em nó ra đi nhưng còn để lại tiếng thơm, còn cứu được nhiều người. Đám tang của em nó, Bệnh viện 103 tổ chức trang nghiêm như tổ chức đám tang cho một liệt sĩ. Sáng ngày hôm ấy, mưa gió mịt mùng nhưng nhiều đoàn xe của quân đội về tận nhà tôi lo việc hậu sự cho Vàng”.

Ca ghép đa tạng đã diễn ra thành công. 3 trong số 6 người được nhận tạng đều là các chiến sĩ làm việc trong quân đội. Người được ghép tim là bệnh nhân (36 tuổi) bị bệnh cơ tim thể xốp, suy độ IV có chỉ định ghép tim. Hai bệnh nhân nhận thận là người 49 tuổi và 47 tuổi đều bị suy thận đã nhiều năm nay có chỉ định ghép thận. Người được nhận gan là một bệnh nhân suy gan lớn tuổi. 2 người nhận giác mạc là anh Nguyễn Xuân Hưng và một người phụ nữ lớn tuổi.

PGS.TS. Nguyễn Hữu Ước, Trưởng khoa Phẫu thuật Tim mạch Lồng ngực, Bệnh viện Việt Đức, người tham gia trong ca ghép tim cho biết, cùng một lúc, nguồn tạng quý giá của anh Vàng được thực hiện ở hai bệnh viện 103 và Việt Đức. Tim và 2 quả thận được ghép tại Bệnh viện Quân y 103 và Học viện Quân y, còn lá gan của bệnh nhân hiến tặng đã được vận chuyển đưa sang Bệnh viện Việt Đức để ghép cho một bệnh nhân suy tạng hiện đang điều trị tại bệnh viện.

PGS.TS. Nguyễn Hữu Ước cho hay, bệnh nhân nhận tim là người rất may mắn vì bệnh nhân này đã suy tim ở giai đoạn cuối. Người  nhận tim bị bệnh viêm cơ tim thể xốp, do bị suy tim lâu ngày nên giãn to, tạo hố chứa trong lồng ngực lớn đến mức quả tim của người cho khi đưa vào lồng ngực của người nhận đã gần như lọt thỏm. Tất cả những điều này đã được kíp mổ xử lý tốt và quan trọng là quả tim của người cho là quả tim rất khỏe mạnh. Ngay sau khi ca phẫu thuật hoàn thành, trái tim ghép đã đập những nhịp đập khỏe khoắn và chỉ 1 ngày sau phẫu thuật (28/7), bệnh nhân nhận tim đã được rút ống nội khí quản.

Thiếu tướng, GS.TS. Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân y cho biết, hai bệnh nhân được nhận thận sức khỏe cũng tiến triển tốt, ngay sau khi được ghép xong đã có nước tiểu. Đây là dấu hiệu tốt bởi không phải bệnh nhân nào cũng có sự bài tiết nước tiểu ngay sau khi ghép thận. Và bệnh nhân được ghép gan tình hình sức khỏe cũng tiến triển tốt.

Chỉ còn lại bà Ngần trong gian nhà trống, thiếu vắng anh Trịnh Đình Vàng


Sự hy sinh vẫn còn lặng lẽ

Trao tặng sự sống cho nhiều người khác với tấm lòng nhân ái không chút vụ lợi, bà Ngần và gia đình sau đó được nhiều người dân trong vùng cảm phục nhưng tim bà vẫn nhói đau bởi cạnh đó vẫn còn có những dè bỉu, bàn tán của không ít người.

Họ xì xầm rằng bà hiến tạng của con trai là để nhận nhiều thứ, rằng một người mẹ đau xót con tại sao lại đi hiến tặng những thứ quý giá như vậy cho ai kia không quen biết...???

Thực sự, để tiếp cận được bà Ngần, tôi cũng đã mất rất nhiều thời gian hỏi thông tin. Cũng do cái duyên đưa đẩy, qua 100 ngày anh Vàng, tôi đã tìm và liên lạc được với bà Ngần, hẹn gặp bà ngay ở Hà Nội - nơi bà Ngần lên giúp việc cho một gia đình mới sinh con nhỏ. Bà bảo: Vàng đã được 100 ngày, cứ ở nhà quanh quẩn ra vào, chỗ nào cũng nhìn thấy hình bóng con lại thêm buồn. Mỗi lần ra hàng rào sắt xây quanh nhà anh Vàng làm mới được vài tháng trước, bà lại nhớ tới con. Vậy nên, bà đi giúp việc cũng để tìm sự khuây khỏa.

Không như những e ngại của tôi, sự chất phác, hiền lành và thật thà của bà Ngần thể hiện ngay trong những phút đầu nói chuyện. Bà biết, mỗi một lần nhắc lại là một lần đau nhưng nếu bà từ chối chia sẻ câu chuyện của mình thì sẽ còn nhiều sự uổng phí mạng sống nữa, sẽ có nhiều người mòn mỏi chết trong khi chờ được hiến tạng. Bà nghĩ rằng việc làm của bà và gia đình là việc cứu người, những lời xì xầm đâu đó kia sẽ tắt nếu họ được biết sự thật thiêng liêng của việc hiến tặng này.

Bà Ngần cũng mong rằng ngay trong chính những gia đình có người suy tạng, như bị hỏng giác mạc hay suy thận, hãy san sẻ cuộc sống cho chính người thân của mình. Một ai đó mất đi do già yếu vẫn có thể nhường lại được đôi mắt cho người thân hay chính những người đang sống khỏe mạnh có thể  hiến chính một quả thận sống cho người thân mà không phải đi tìm ở đâu xa.

Trong cuộc nói chuyện giữa tôi và bà Ngần, bà luôn khắc khoải nỗi mong mỏi muốn gặp lại những người nhận tạng của anh Vàng. Bà đã được gặp 2 người nhận giác mạc khi anh Vàng được 50 ngày nhưng chưa một lần được gặp người nhận tim và gan của anh Vàng.

Bà Cấn Thị Ngần và bà Nguyễn Thị Lợi - mẹ anh Hưng coi nhau như người thân trong gia đình


3 ngày sau cuộc gặp với bà Ngần, tôi đã thu xếp cùng bà về Quốc Oai gặp anh Hưng, người nhận một bên giác mạc của anh Vàng. Và tôi đã được chứng kiến toàn bộ những tấm chân tình của những người nông dân nghèo nhưng đối đáp với nhau chan chứa tình.

Nhà anh Hưng là một gia đình làm nông nghiệp. Hưng sinh năm 1986, làm nghề nông cùng gia đình, anh cũng là con út trong 3 anh em. Bố Hưng mất sớm trong một lần đi làm đồng bị sét đánh để lại 3 con nhỏ cho mẹ Hưng. Mẹ Hưng - bà Nguyễn Thị Lợi bươn bả nuôi 3 con. Ngoài làm ruộng, bà Lợi cố gắng chạy chợ bán hoa quả. 4 mẹ con sống trong nhà tranh vách đất và mãi tới năm 2010 mới xây cất được ngôi nhà tử tế hơn để che mưa nắng.

Anh Hưng sinh ra với đôi mắt bình thường, nhưng càng lớn, mắt càng mờ nhòe. Tới năm 25 tuổi, cả hai mắt anh đau và ngứa suốt, lúc nào anh cũng chỉ nhìn thấy sương mù dày đặc trước mặt. Anh đi khám tại Bệnh viện Mắt Trung ương và Bệnh viện Quân y 103 thì đều được các bác sĩ kết luận giác mạc của anh cấu tạo hình chóp bẩm sinh, không có thuốc nào chữa được, chỉ có một cách duy nhất là ghép giác mạc nếu không sẽ bị mất thị lực hoàn toàn.

Buồn và tuyệt vọng nhưng anh Hưng vẫn đăng ký vào danh sách chờ ghép giác mạc theo lời khuyên của các bác sĩ tại Bệnh viện Mắt Trung ương và Bệnh viện Quân y 103. Rồi đột nhiên, một năm rưỡi sau ngày đăng ký, ngày 29/7/2016, bác sĩ Bệnh viện 103 đã gọi cho gia đình anh thông báo có người hiến giác mạc, gia đình đưa anh lên nhập viện ngay để ghép. Điều kỳ diệu đã tới quá bất ngờ và nhanh chóng với anh Hưng. Anh chọn ghép giác mạc vào một bên mắt phải.

Sau ca phẫu thuật, Hưng được xếp nằm cùng phòng với một bệnh nhân nữ lớn tuổi khác cũng được nhận giác mạc của anh Vàng. Cả hai gia đình được nhận giác mạc đã rủ nhau cùng tìm thông tin của người hiến tặng cho mình. Ra cổng viện, hỏi những người xe ôm quanh đó cộng với việc đọc thông tin trên các tờ báo mạng thấy có nói người hiến tạng quê ở Tuyết Nghĩa, Hà Tây.

Hiện giờ, đã 4 tháng sau ca phẫu thuật, bên mắt được ghép của Hưng giờ đã không còn ngứa và đau nữa, Hưng có thể nhìn rõ hơn trước. Người phụ nữ được nhận giác mạc kia cũng thế, sức khỏe con mắt bình phục cũng nhanh chóng.

Bữa cơm của gia đình của anh Nguyễn Xuân Hưng cùng bà Cấn Thị Ngần đã có những nụ cười và rôm rả chuyện tương lai


Bà Nguyễn Thị Lợi - người mẹ tần tảo của Hưng giờ coi bà Ngần là ân nhân của mình. Hai người phụ nữ cùng góa bụa sớm, một mình vượt bao cơ cực nuôi con đã tìm được sự đồng cảm ở nhau. Bà Lợi bảo, bà thỉnh thoảng hay nói chuyện điện thoại với bà Ngần, mỗi lần điện thoại, bà hay nhờ Hưng bấm số máy vì bà không biết sử dụng điện thoại di động.

Cuộc gặp mặt lần này tại nhà anh Hưng không chỉ có những giọt nước mắt mà đã có tiếng cười. Bữa cơm ấm áp gia đình anh Hưng mời bà Ngần cùng tôi ở lại trên manh chiếu trải giữa nhà đã rôm rả những chuyện của tương lai. Bà Ngần bảo anh Hưng giữ gìn sức khỏe để đi làm và còn lấy vợ. Hưng cũng tầm tuổi như anh Vàng, một năm trước, cũng có lần anh Vàng đưa một người bạn gái về chơi. Bà Ngần cũng định bụng năm nay muốn cưới vợ cho anh Vàng nhưng ngày đó đã không thể đến.

Bữa cơm ấy bà Ngần, bà Lợi và anh Hưng ngồi bên nhau tíu tít. Có lẽ đây là bữa cơm ngon nhất với bà Ngần kể từ ngày anh Vàng ra đi.

Ở đâu đó sẽ vẫn còn có những bà mẹ khác như bà Ngần, sau khi cho đi những thứ quý giá vẫn còn chịu miệng lưỡi độc ác của người đời. Nếu những con người trót có ý nghĩ cay nghiệt kia nghe được câu chuyện này của bà Ngần thì chắc họ sẽ không thể hoài nghi bất cứ một điều gì về lòng tốt và những thứ vô giá mà bà Ngần đã trao tặng cho cuộc sống này.

Đến giờ phút này, bà Ngần vẫn là người cho đi tất cả và chưa đòi hỏi nhận lại bất cứ một thứ gì. Tới thăm lại những người nhận giác mạc của con mình, bà còn dành số tiền chắt chiu ít ỏi dù vài trăm ngàn đồng của mình để thăm hỏi sức khỏe họ. Chỉ một điều bà mong mỏi khắc khoải: Giá như bà có thể được gặp người đã nhận tim, gan của anh Vàng, để được nghe nhịp tim đập rộn ràng của anh một lần nữa.

Thế đó, cuộc sống có những câu hỏi: Người sống với người như thế nào?

“Tôi hỏi đất:

Đất sống với đất như thế nào?

Chúng tôi tôn cao nhau.

Tôi hỏi nước:

Nước sống với nước như thế nào?

Chúng tôi làm đầy nhau.

Tôi hỏi cỏ:

Cỏ sống với nhau như thế nào?

Chúng tôi đan vào nhau

Làm nên những chân trời

Tôi hỏi người:

- Người sống với người như thế nào?

Tôi hỏi người:

- Người sống với người như thế nào?

Tôi hỏi người:

- Người sống với người như thế nào?”

(Trích Thư gửi mùa đông, 1992 -  Hữu Thỉnh)

Không dễ để trả lời câu hỏi này nhưng lặng nghe câu chuyện của bà Ngần, nhiều người hẳn cũng đã tìm ra lời đáp. Người sống với người đầy ắp tình yêu và người với người đối đáp với nhau đẹp hơn mọi loài hoa trên trái đất này...


Thanh Loan
Ý kiến của bạn