(SKDS) - Sạch sẽ, rẻ tiền, sẵn có và dễ bảo quản - đó là những ưu điểm hàng đầu của máu nhân tạo. Chính nhờ những ưu điểm vượt trội này mà máu nhân tạo đã trở thành một mặt hàng “nóng” trước cơn sốt máu ngày càng trầm trọng ở khắp các bệnh viện trên toàn thế giới. Đồng thời, việc đầu tư vào sản xuất máu nhân tạo cũng hứa hẹn sẽ mang lại một khoản lợi nhuận khổng lồ cho các công ty sinh dược học!
Vị cứu tinh trong các bệnh viện
Theo thống kê, mỗi năm thế giới cần khoảng 50 triệu lít máu để truyền cho người bệnh. Hiện nguồn máu này được lấy từ người tình nguyện, người bán máu... Tuy nhiên, lượng máu này chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ nhu cầu điều trị. Có thể nói, những lợi ích về việc sử dụng máu nhân tạo rất lớn, tới mức tất cả các bệnh viện ở Mỹ đã chấp nhận vô điều kiện để cho các công ty sinh hóa dược thử nghiệm lâm sàng giai đoạn IV (thử nghiệm trên người tình nguyện trước khi đưa ra thị trường) các sản phẩm máu nhân tạo mới.
Lợi nhuận kếch xù từ một cuộc cách mạng trong y học
Thông thường, một đơn vị máu hiến tặng sau khi được lọc và ly tâm thành các sản phẩm chuyên biệt như plasma, các yếu tố đông máu, các hồng cầu, các yếu tố miễn dịch và các protein có giá bán sỉ lên đến hàng trăm USD cho 1 miligam. Nghĩa là 1 đơn vị máu sau khi được “đóng gói” lại, tổng giá trị các thành phần chiết tách ra sẽ lên đến hàng ngàn USD. Với cái giá này và một thị trường khan hiếm như hiện nay thì việc đầu tư vào nghiên cứu, chế tạo, sản xuất máu nhân tạo được các hãng sinh hóa dược hàng đầu ở phương Tây và Mỹ xem là một món hời nhãn tiền.
Hình ảnh máu nhân tạo từ tế bào gốc. |
Thực tế, cuộc tìm kiếm để tạo ra máu nhân tạo từ lâu đã được xem là một vấn đề thương mại lớn. Hơn 1 tỷ bảng Anh đã được sử dụng cho mục đích này trong suốt 20 năm qua. Tuy nhiên, máu là một sản phẩm đặc biệt, đòi hỏi những yêu cầu rất khắt khe: an toàn đối với cơ thể, có thể sử dụng cho tất cả các bệnh nhân, dễ bảo quản và ngoài ra còn phải rẻ tiền. Chính vì vậy, nhiều công ty đã gặp thất bại ngay cả ở khâu cuối cùng. Đơn cử như máu nhân tạo Fluosol của Mỹ từng được Cơ quan Quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ (FDA) cấp giấy phép lưu hành năm 1989. Nhưng đến năm 1993, sau khi đã được truyền cho 13.000 bệnh nhân thì nó bị rút giấy phép vì để lại tác dụng phụ nguy hiểm. Tuy nhiên, tất cả các thất bại trên vẫn không ngăn cản được việc hiện có ít nhất 10 công ty đang chạy đua trong việc cho ra đời sản phẩm máu nhân tạo theo cách của riêng mình.
Đi đầu phải kể đến Công ty Biopure với sản phẩm máu nhân tạo hemopure. Hemopure là một dung dịch hemoglobin polymer hóa chiết xuất từ máu bò. Hemopure do Biopure có đặc điểm là ít nhớt hơn máu người vì nó gồm các phân tử nhỏ dễ vượt qua các chướng ngại hơn hồng cầu và mang trực tiếp oxy đến các mô theo phương cách hoàn toàn mới. Các nhà khoa học thuộc dự án Phát triển máu nhân tạo châu Âu cho biết, trong thời gian 3 năm tới, loại máu này sẽ được cung cấp cho các bệnh viện châu Âu vì nó đã chứng minh được tính hiệu quả. Hiện công ty này đang mở rộng dây chuyền sản xuất ở nhiều nước châu Âu – nơi có nguồn nguyên liệu sản xuất phong phú, dồi dào. Trong máu những con bò được nuôi tại đây, người ta nhận thấy dẫn chất hemoglobin cao gấp 50 lần so với máu người.
Xem ra, các nỗ lực chạy đua để trình làng một sản phẩm máu nhân tạo có nhiều tính chất ưu việt nhất của các nhóm nghiên cứu và các công ty dược phẩm đang hứa hẹn sẽ mang lại một cuộc cách mạng trong y học mà người hưởng lợi không chỉ là các công ty với khoản tiền kếch xù thu được. Những người bệnh nhờ thế cũng sẽ có cơ may được cứu sống nhiều hơn!
Lê Thái An (Theo Wired Magazine)