Tuy nhiên, cả 2 ứng cử viên tiềm năng nhất vẫn chưa đưa ra được một giải pháp thuyết phục trong vấn đề Brexit- điểm mấu chốt để quyết định ai sẽ là Thủ tướng mới của nước Anh. Điều này đồng nghĩa với việc tương lai của Brexit và nước Anh vẫn mù mờ, chưa có lối thoát.
Dù được coi là hai gương mặt sáng giá nhất ở vòng đua nước rút vào ghế Thủ tướng Anh, nhưng cả cựu Ngoại trưởng Boris Johnsonvà Ngoại trưởng Jeremy Hunt đều chưa đưa ra được một giải pháp cốt lõi cho vấn đề Brexit, nước Anh sẽ rời khỏi EU như thế nào? Điều đáng nói, đây lại là chìa khóa cốt lõi để hai ứng cử viên này có thể thuyết phục 160 nghìn đảng viên đảng Bảo thủ “toàn tâm toàn ý” bỏ phiếu họ vào chiếc ghế Thủ tướng Anh, thay thế Thủ tướng Theresa Mayvừa từ nhiệm. Nhưng sau cuộc tranh luận trên truyền hình hôm 9/7 vừa qua, câu hỏi: Ứng cử viên nào có thể đưa nước Anh chấm dứt thời kỳ hỗn loạn Brexit? lại tiếp tục được bỏ ngỏ.
Thỏa thuận Brexit mà Thủ tướng May ký với EU hồi cuối năm 2018 đã bị bác bỏ 3 lần tại Quốc hội Anh, buộc bà Mây phải xin gia hạn Brexit thêm hai lần sau đó. Việc không tìm được sự ủng hộ đối với thỏa thuận Brexit đã buộc Thủ tướng Mây phải từ chức để nhường đường cho nhà lãnh đạo mới tìm kiếm giải pháp tháo gỡ bế tắc Brexit. Bởi thế, người dân Anh đặt không ít kỳ vọng vào người kế nhiệm Thủ tướng Theresa Mayvới mong muốn có thể tìm ra một giải pháp chung cuộc chèo lái con thuyền nước Anh. Tuy nhiên, sự “vênh nhau” về quan điểm Brexit của hai ứng cử viên Thủ tướng Anh lại khiến không ít đảng viên Bảo thủ nói riêng và người dân Anh nói chung, thêm phần bối rối.
Thực tế cho thấy, nếu sự trông chờ vào một lối thoát cho vấn đề Brexit được coi là lá phiếu quyết định chiếc ghế Thủ tướng Anh những ngày tới, thì nhìn rộng hơn, người dân Anh trông đợi một nhà lãnh đạo mới có nhiều năng lực hơn thế. Họ cần một nhà lãnh đạo có thể hàn gắn những chia rẽ sâu sắc trong xã hội; một nhà lãnh đạo có “đủ tầm” để duy trì một sự toàn vẹn lãnh thổ cho nước Anh; một nhà lãnh đạo có năng lực để bảo vệ nước Anh khỏi sự cô lập và những ánh mắt nghi ngại; và rốt cuộc người ấy phải là một nhà lãnh đạo có thể đem lại niềm tin cho người dân, củng cố vị thế và uy tín của nước Anh vốn đã bị sứt mẻ ít nhiều trong cơn sóng dữ Brexit.
Cựu Ngoại trưởng Boris Johnson có khả năng đăc cử Thủ tướng Anh ngày 22/7.
Kỳ vọng là thế, nhưng ứng cử viên nào có thể hội tụ đủ các yếu tố này? Sự thất vọng sau màn tranh luận trực tiếp giữa hai ứng cử viên tiếp tục đặt ra nhiều câu hỏi hồ nghi về tương lai của Brexit và tương lai của nước Anh. Tâm lý chán chường ngày càng lộ rõ và không ít tiếng nói cất lên đòi nước Anh ở lại EU với một cuộc trưng cầu dân ý lần hai. Nhiều kịch bản đã được vạch ra, nhưng tất cả vẫn chỉ là con số 0 bất định. Thậm chí báo chí Anh đã không ít lần phải thốt lên rằng “Chưa khi nào chúng ta lại chia rẽ và tuyệt vọng đến thế”.
Dù giới phân tích nhận định cơ hội của cựu Ngoại trưởng Boris Johnsonlà “nhỉnh” hơn, nếu ông này đắc cử việc đầu tiên của ông Boris Johnson có lẽ sẽ là tìm cách đàm phán lại thỏa thuận Brexit. Mục tiêu của ông Johnson sẽ là đặt thời hạn cụ thể - hoặc loại bỏ hoàn toàn – điều khoản về kế hoạch dự phòng cho biên giới Ireland, một cơ chế mà EU muốn triển khai nhằm bảo đảm tránh thiết lập một biên giới cứng có trạm kiểm soát giữa Bắc Ireland thuộc Anh và Cộng hòa Ireland thuộc EU trên đảo Ireland, trong trường hợp Anh và EU không đạt được thỏa thuận thương mại trong vòng 2 năm tới. Tuy nhiên, gần như chắc chắn EU sẽ không nhượng bộ yêu sách này từ phía Anh, xuất phát từ quyền phủ quyết của Cộng hòa Ireland do lo ngại sự quay trở lại của một biên giới cứng với Bắc Ireland, cũng như sự “hết kiên nhẫn” chung của EU đối với Anh.
Triển vọng Anh sẽ phải tổ chức bầu cử sớm vào ngay cuối năm 2019 hoặc 2020 đang rõ ràng hơn bao giờ hết. Sau khi không đạt được những nhượng bộ như mong muốn từ phía EU, thủ tướng mới của Anh sẽ buộc phải sử dụng đến biện pháp đe dọa thực hiện Brexit không thỏa thuận sau ngày 31/10/2019. Tuy nhiên điều này chắc chắn sẽ làm bùng lên xung đột gay gắt giữa chính phủ và Hạ viện Anh. Hạ viện đã kiên quyết đòi phải có tiếng nói cuối cùng về Brexit, trong khi một loạt các cuộc bỏ phiếu thăm dò thực hiện vào tháng 4/2019 cho thấy không có nhóm đa số nào tại hạ viện ủng hộ phương án Brexit không thỏa thuận. Các nghị sĩ hạ viện, với nhiều người từng bỏ phiếu ủng hộ ông Boris Johnson làm thủ tướng, có thể sẽ bỏ phiếu thông qua điều luật nhằm ngăn chặn việc Anh rời khỏi EU mà không có thỏa thuận, hoặc thậm chí bãi nhiệm thủ tướng và nội các thông qua bỏ phiếu bất tín nhiệm.
Ở thời điểm một tuần nữa nước Anh sẽ có Thủ tướng mới, tương lai nước Anh ra sao vẫn là câu hỏi chưa có lời đáp. Có vẻ như, những bế tắc trong vấn đề Brexit tiếp tục khiến nước Anh lún sâu hơn trong khủng hoảng. Không ít người dân Anh vẫn rất mâu thuẫn về vấn đề đi hay ở lại EU. Và dù với kịch bản nào, nước Anh cũng sẽ phải đối mặt với những tổn thương sâu sắc. Bởi bế tắc trong tiến trình Brexit được ví như con sóng dữ tiếp tục kéo theo sự chia rẽ và bất ổn trên chính trường nước Anh.