Phó giáo sư - họa sĩ Vũ Giáng Hương sinh năm 1930, trong một gia đình trí thức Hà Nội nổi tiếng với cha là nhà văn Vũ Ngọc Phan, mẹ là nữ sĩ Hằng Phương. Sinh trưởng trong một gia đình nề nếp, học thức, bà hấp thụ được vốn văn hóa phong phú và cả quá trình chuyển biến của người trí thức đi theo tiếng gọi của cách mạng. Kể từ khi tham gia khóa học bốn tháng năm 1952 tại Trường Mỹ thuật kháng chiến Việt Bắc do họa sĩ Tô Ngọc Vân làm hiệu trưởng, cho đến khi nghỉ thôi giữ chức Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật (VHNT) Việt Nam, là hàng chục năm vai trò người họa sĩ - nghệ sĩ sáng tạo của bà luôn song hành với ý thức hoạt động chính trị - xã hội.
![]() Họa sĩ Vũ Giáng Hương. |
Nghệ thuật tranh lụa hiện đại Việt Nam với các tên tuổi Nguyễn Phan Chánh, Lê Phổ, Lê Văn Đệ, Nguyễn Tiến Chung, Mai Trung Thứ, Nguyễn Tường Lân, Lê Thị Lựu… thời kỳ Trường Mỹ thuật Đông Dương đã đạt đến vẻ đẹp cổ điển với kỹ thuật và bản sắc văn hóa Việt Nam rất riêng biệt. Tiếp nối truyền thống đó, sau này các họa sĩ trưởng thành trong chiến tranh như Linh Chi, Trần Đông Lương, Phan Thông, Minh Mỹ, Linh Chi, Mộng Bích, Kim Bạch, Nguyễn Thụ, Giáng Hương…đã phát triển phong phú về đề tài và biểu hiện nghệ thuật tranh lụa, mở ra một nội dung mới phù hợp với tâm cảm thời đại, xác lập nên vị trí đáng kể cho loại hình nghệ thuật mang bản sắc riêng của dân tộc. Họa sĩ Vũ Giáng Hương sáng tác trên nhiều chất liệu tạo hình nhưng thành công hơn cả ở lụa và khắc gỗ. Mặc dù, chỉ với số ít tác phẩm đã công bố, công chúng yêu mỹ thuật Việt Nam qua tác phẩm tranh lụa Hợp tác xã đánh cá về được giải ba triển lãm Mỹ thuật toàn quốc 1960, cùng với Hành quân qua Trường Sơn, Tổ thông tin Trường Sơn -1971, đã ghi nhận tài năng, xác lập được vị trí, với bút pháp cá nhân vẽ lụa nề nếp, điềm đạm, giản dị, chân thực, màu chắc, đậm đà của họa sĩ. Họa sĩ học tập kỹ thuật của tranh khắc gỗ dân gian Đông Hồ trong việc sáng tác tranh khắc gỗ, đem lại một khía cạnh biểu hiện nghệ thuật khác, khúc triết và khỏe khoắn hơn, như Đôi chim bồ câu - 1959; Chùa Thầy - 1957; Chuyến phà đêm - 1965; Cầu Hàm Rồng - 1970; Mẹ con - 1968…
Họa sĩ Mộng Bích đã viết về hội họa của họa sĩ Vũ Giáng Hương: “…Giản dị, chân thực là những yếu tố làm nên chất thơ trong tranh chị. Rất lãng mạn mà hào hùng, đó là cái đẹp trong từng bức ký họa và tranh. Tình cảm trong sáng đã nói được sự hy sinh gian khổ trong chiến tranh. Tranh của chị là những kỷ niệm không thể quên và tự hào cho tất cả ai đã sống trong những ngày lịch sử tuyệt với của dân tộc…”
Sau cả cuộc đời làm việc, cống hiến không ngừng cho xã hội, hướng tình cảm sáng tác về tình mẫu tử, trẻ em, những con người và cảnh vật khắp vùng quê Việt Nam, đến nay họa sĩ đã được nghỉ ngơi, thoát khỏi những mệt mỏi, thị phi tục lụy nơi trần thế. Chắc hẳn, nơi thế giới bên kia, bà đã gặp lại người chồng Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, GS.BS. Lê Cao Đài (1928- 2002). Hai người là tình yêu đồng điệu trong khoa học và nghệ thuật, một tình yêu bền chặt lớn lên cùng bao vất vả gian nan trong chiến tranh cách mạng, những tâm hồn cao đẹp luôn mong ước dùng trí tuệ và sức lực của mình để chia sẻ, giúp đỡ cho xã hội tiến bộ, bình an.
Phạm Quốc Trung