Sự nghiệp của anh kéo dài chỉ vài năm, tuy nhiên, trong thời gian này, Valens đã kịp soán biệt danh “Elvis Preley (Vua nhạc rock and roll Elvis Presley 1935-1977) Mexico”.
Tài năng trẻ gặp ông chủ “mát tay”
Ritchie Valens tên thật Richard Venezuela, sinh ngày 13/5/1941, trong gia đình nghèo gốc Mexico-Tây Ban Nha đông con (Richard có 4 anh em) ở Pacoima, gần Los Angeles. Gia đình sống trong ngôi nhà ổ chuột cách không xa trang trại trồng cam. Bố mẹ Richard quanh năm làm thuê cho trang trại. Bố qua đời vì bệnh hiểm nghèo năm nghệ sĩ tương lai mới 10 tuổi. Ngay từ năm 5 tuổi, bé Richard đã say mê âm nhạc. Đến tuổi đi học, cậu mày mò, tự học chơi đàn guitar, kèn và bộ trống. Cho dù bẩm sinh thuận tay trái, Ritchie chơi đàn guitar điệu nghệ bằng tay phải. 16 tuổi, Richard gia nhập ban nhạc địa phương The Silhouettes với tư cách một nhạc công guitar và thời gian ngắn sau đó kiêm giọng ca chính.
Ritchie Valens trên bìa đĩa đơn La Bamba hơn 1 triệu bản.
Tháng 5/1958, tay guitar điêu luyện có giọng hát “trong như tiếng suối, vang tựa tiếng chuông đồng” tại một chương trình hòa nhạc lọt mắt xanh Bob Keane - ông chủ một hãng sản xuất đĩa hát. Buổi trình diễn tạo ấn tượng mạnh và Keane yêu cầu Richard ghi âm một vài ca khúc. Công việc thực hiện ngày 27/5 tại nhà riêng Keane ở Silver Lake. Hài lòng với màn trình diễn của Richard, cùng ngày, cậu được ký hợp đồng cộng tác lâu dài với hãng sản xuất đĩa hát Del-Fi của Bob Keane. Đồng thời, Richard chính thức lấy nghệ danh Ritchie Valens thay thế tên “cúng cơm” Richard Venezuela.
Sau vài ngày tập luyện tích cực, tháng 7/1958, Bob Keane tiến hành ghi âm chương trình của Ritchie cùng ban nhạc. Ca khúc đầu tiên Come On, Let’s Go, tiếp theo là các ca khúc La Bamba và Donna, những nhạc phẩm thời gian ngắn sau đó trở thành ca khúc xuất sắc được nhiều người yêu thích.
Phấn khởi với thành công vang dội ban đầu, mùa thu cùng năm, Ritchie quyết định bỏ học để có thời gian dành cho sự nghiệp ca nhạc. Nghệ sĩ trẻ chu du khắp nước Mỹ và biểu diễn trong hàng loạt chương trình truyền hình ăn khách bên cạnh những ngôi sao lớn nhất thời đó.
Trên 1 triệu phiên bản và đĩa đơn phủ vàng
Kiệt tác La Bamba trình làng ở Mỹ năm 1958 là nỗ lực chuyển thể từ ca khúc Mexico nổi tiếng, trong đó Ritchie bổ sung một số giai điệu nhạc rock. Kết quả chứng tỏ, đó là mũi tên trúng điểm 10. Nhạc phẩm xuất hiện có sự góp sức của 3 thành viên gạo cội: Earl Palmer, Carol Kay và Rene Hall. Dẫu ca khúc chỉ giành vị trí thứ 22 bảng xếp hạng Billboard, song kết quả kinh doanh thật đáng ngưỡng mộ. Đĩa đơn La Bamba với hơn 1 triệu phiên bản tiêu thụ hết veo, nhờ thế, nó lập tức được phủ vàng.
Chứng kiến đám đông công chúng phát cuồng với La Bamba, ông bầu của nghệ sĩ đang nổi nhanh chóng tổ chức hàng loạt chương trình biểu diễn tại nhiều thành phố trên khắp nước Mỹ. Chính khi ấy chàng trai trẻ buộc phải chiến thắng chứng bệnh sợ đi lại bằng máy bay sau tai họa hàng không kinh hoàng xảy ra năm 1957 - thời Ritchie còn đi học. Đó là vụ va chạm giữa 2 máy bay - chiếc máy bay chở khách Douglas DC7B và phi cơ quân sự Northrop F-39 Scorpion xảy ra ngay trên bầu trời thành phố Los Angeles. Một vài bộ phận xác máy bay rơi xuống sân trường học. Trong 8 nạn nhân tử vong, có 3 bạn cùng lớp Ritchie.
Chuyến bay định mệnh
Ngày 3/2/1959, giây lát sau khi cất cánh rời sân bay Clear Lake, chiếc may bay mang theo ban nhạc trẻ đột ngột đâm xuống đất. Tất cả hành khách trên máy bay cùng tổ lái đều tử vong. Vào ngày qua đời, Ritchie Valens tài hoa - một trong những nhạc sĩ tiên phong của dòng rock and roll, nghệ sĩ đầu tiên đưa vào rock những thành phần của âm nhạc Mỹ Latinh còn thiếu hơn 3 tháng mới đầy 18 tuổi.
Mãi mãi được tôn vinh
Cho dù sự nghiệp ngắn ngủi, sáng tác của Ritchie, nhất là kiệt tác La Bamba vẫn mãi mãi được ghi vào lịch sử nền âm nhạc đại chúng. Tạp chí âm nhạc có uy tín Rolling Stone xếp La Bamba vào danh mục “500 ca khúc lớn nhất”. Kiệt tác cũng giành vị trí tương tự trong bảng xếp hạng của kênh truyền hình VH1.
Năm 1987 trên các màn ảnh rộng toàn nước Mỹ xuất hiện phim La Bamba kể về cuộc đời và cái chết bi thảm của nhạc sĩ trẻ. Sao màn bạc Lou Diamond Phillips sắm vai chính, các thành viên ban nhạc Lobos đã tái hiện nhạc phẩm lừng danh La Bamba. Kiệt tác được làm mới lập tức giành vị trí đứng đầu bảng xếp hạng Billboard 1987.