Cuộc đời mới từ ngọn nến vừa tắt

20-08-2019 10:52 | Y học 360
google news

SKĐS - Trước khi được phẫu thuật, đằng đẵng trong 6 năm trời anh Tuấn không thể phân biệt được đâu là thịt, đâu là cá trên mâm cơm, chỉ cảm nhận được bóng mờ mờ của chén cơm trắng. Cuộc sống ban ngày cũng như đêm và nỗi tuyệt vọng, chán nản bao trùm. Từ ngày được “cho mắt”, cuộc đời anh như sang 1 trang mới, ngập tràn ánh sáng và niềm tin, tình yêu...

Đó là những chia sẻ trong nghẹn ngào của anh Nguyễn Văn Tuấn (SN 1982, quê Tuy Phong, Bình Thuận) sau 6 năm được phẫu thuật ghép giác mạc thành công. Anh Tuấn cũng là trường hợp đầu tiên được các bác sĩ khoa Mắt, BV.Chợ Rẫy phẫu thuật ghép giác mạc từ người cho chết não tại Việt Nam.

Ca ghép giác mạc từ người cho chết não đầu tiên tại Việt Nam

BS.CKII. Ngô Văn Hồng cho hay thêm, khoảng 20 năm về trước, khoa Mắt, BV. Chợ Rẫy, đã thực hiện ghép giác mạc cho bệnh nhân, nhưng chủ yếu nguồn giác mạc hiến đều từ ngân hàng tạng của những tổ chức từ thiện nước ngoài cung cấp, chủ yếu là Mỹ. Tuy nhiên, chất lượng giác mạc không tốt, kèm theo trang thiết bị còn hạn chế nên tỷ lệ thành công rất thấp.
Đối với trường hợp bệnh nhân Nguyễn Văn Tuấn được xác định là trường hợp đầu tiên được phẫu thuật ghép giác mạc từ người cho chết não tại Việt Nam, thực hiện tại BV. Chợ Rẫy. Thời điểm đó, không chỉ anh Tuấn, có 5 bệnh nhân suy tạng khác cũng được hiến tạng, tiếp nối sự sống.

Từ sau thành công ca phẫu thuật giác mạc từ người cho chết não đầu tiên, từ năm 2014 đến nay, tại Khoa Mắt, BV. Chợ Rẫy 12 trường hợp khác được ghép giác mạc từ người cho chết não thành công.Trong đó, 2 trường hợp thị lực 7/10.
Cho đến nay, nghĩa cử nhân đạo hiến tạng ngày càng được lan tỏa, nhân rộng, cứu sống được nhiều mảnh đời bất hạnh.

6 năm mò mẫm trong bóng tối

Anh nhớ lại, sinh ra trong gia đình nghèo có 6 anh em. Cha mẹ làm nghề nông.Sau mỗi vụ mùa, cha anh lại đi làm thợ nề để có thêm tiền trang trải. Thương cha mẹ, học chưa hết tiểu học, anh đã nghỉ ngang, theo cha đi làm trong những công trình xây dựng. Ban đầu anh chỉ là thợ phụ, dọn dẹp cuối mỗi công trình, lớn hơn, anh được giao hẳn nhiệm vụ cắt, hàn sắt. Năm 2006, trong lúc cắt sắt tại công trình, anh bất cẩn bị mạt sắt bay vào mắt phải, được đồng nghiệp đưa vào BV địa phương sơ cứu rửa mắt, BS khám và kê đơn thuốc uống.

Cuộc đời mới từ ngọn nến vừa tắtKiểm tra mắt cho bệnh nhân

Anh nhớ lại: “Sau khi BS rửa, cho thuốc uống, mắt tôi đỡ đau nhức hơn, nhưng những ngày sau do tham công tiếc việc nên tôi đi làm lại, lại thêm chủ quan hay dùng tay dơ chụi mắt nên tình trạng mắt bị nhiễm trùng nặng hơn. Khi quay lại tái khám, các BS thông báo mắt phải của tôi đã bị thủng giác mạc, “hỏng” gần như hoàn toàn.Lúc đó tôi rất lo sợ nhưng tự mình an ủi vẫn còn mắt trái, chưa thể mù hẳn, trời vẫn còn thương phần nào.Năm 2009, mắt trái của tôi cũng có biểu hiện loét, đau nhức, chỉ nhìn thấy loạng choạng. Quá đau đớn và sợ hãi, tôi một mình mò mẫm bắt xe đò vào BV. Chợ Rẫy để khám và điều trị”.

May mắn vào BV khi tình trạng chưa hết phương cứu chữa, mắt trái của anh được điều trị và giữ thị lực ở mức 2/10, còn mắt phải chỉ còn thấy bóng mờ.

Anh hồi ức: “Lúc đó BS nói rằng giờ chỉ còn hy vọng có người hiến giác mạc, được ghép, mắt phải mới có cơ hội nhìn thấy ánh sáng. Tôi trở về và nuôi hy vọng. Suốt nhiều năm sau đó, vợ tôi trở thành lao động chính, vừa cày cuốc bên ngoài vừa tận tụy lo cho chồng. Mỗi bữa cơm, thấy tôi mò mẫm, cô ấy đều cầm thìa đút nhưng tôi tự ái đều gạt đi.Cô ấy tủi, trốn ra một góc khóc.Cả 2 vợ chồng không có được ngày nào vui. Còn tôi, niềm hy vọng cũng tắt dần, tuyệt vọng…”

Cuộc đời mới

Cho đến năm 2014, anh Tuấn được các BS tại BV.Chợ Rẫy liên hệ đến BV để phẫu thuật ghép giác mạc.Người cho anh giác mạc là một thanh niên trẻ tuổi có nguyện vọng hiến tạng cứu người, nguyện vọng đó được gia đình chấp thuận.

Kể về cảm xúc khi nhận được cuộc điện thoại “chở” đầy ắp hy vọng, anh Tuấn nghẹn nào: “Lúc đó tôi không nói nên lời, trong tâm cứ lặp đi lặp lại 2 từ “cảm ơn”. Ngay lúc đó, tôi bắt xe vào Sài Gòn. Đêm đó, tôi được lên bàn mổ để ghép giác mạc. Khi tỉnh lại, mắt được băng kín.

Suốt cả đêm hôm đó tôi không thể chợp mắt, lòng cứ nôn nao chờ tới sáng. Trời chưa kịp sáng, chốc chốc tôi lại giở vải băng ra, ánh sáng mờ mờ rồi rõ hơn. Tôi hét lên sung sướng “mẹ ơi con nhìn thấy ánh sáng rồi”. Mẹ tôi suốt đêm ngồi canh. Bà cứ nắm chặt tay tôi vừa khóc vừa tạ ơn trời…”.

Từ bóng tối trở ra ánh sáng, cuộc đời anh Tuấn hoàn toàn thay đổi, như một bước ngoặt cuộc đời. Anh Tuấn với 2 bàn tay chống gối, đôi mắt đỏ hoe rưng rưng khác hẳn với vẻ mạnh mẽ thường nhật của một người đàn ông: “Khi sống trong bóng tối, tôi là người hay chán nản, tuyệt vọng, mất niềm tin, từ khi được “cho mắt” tôi đã tìm lại được niềm vui, niềm hạnh phúc gia đình. Không lâu sau, vợ tôi chuyển sang nghề mua bán phế liệu, tôi cũng đã giúp được vợ từ phân loại, chuyên chở… Gia đình luôn đầm ấm, hạnh phúc”.

Cuộc đời mới từ ngọn nến vừa tắtNụ cười hạnh phúc của cả bệnh nhân và bác sĩ khi bệnh nhân đã được nhìn ánh sáng từ những trái tim thiện lành

Chia sẻ về tâm nguyện của mình, anh kể tiếp: “Tôi đã nhiều lần dò hỏi thông tin về gia đình người hiến tặng giác mạc cho mình, chỉ mong được thắp nén hương cho người quá cố, nhưng các BS luôn bảo mật thông tin. Rồi tôi nghĩ, biết ơn từ tâm.Người ta cho tôi ánh sáng, cũng là sứ mệnh để tôi tiếp tục trân trọng cuộc đời. Sau này tôi cũng sẽ làm nhiều việc thiện cho đời…”.

BS.CKII. Ngô Văn Hồng, Trưởng khoa Mắt, BV. Chợ Rẫy cho biết, thời điểm phẫu thuật cấy ghép giác mạc cho anh Tuấn, đội ngũ bác sĩ đã rất áp lực.Phần vì tâm nguyện không thể phụ kỳ vọng của gia đình người hiến, phần vì nỗ lực đưa lại ánh sáng cho bệnh nhân, nên ê kíp đã rất tỉ mỉ, cẩn trọng. Ca phẫu thuật thành công, nhưng sau đó 1 năm, bệnh nhân xuất hiện những biến chứng thải trừ mảnh ghép, nhiễm trùng viêm nhiễm sau phẫu thuật, tăng nhãn áp hoặc các biến chứng đi kèm. Các BS tiếp tục nỗ lực điều trị.Đến nay, thị lực 2 mắt của bệnh nhân đều được duy trì ở mức 3/10.Đó đã là thành công rất lớn.

Lời khuyên của thầy thuốc
BS Hồng khuyến cáo, việc giữ gìn đôi mắt rất quan trọng. Đối với những trường hợp lao động trong môi trường bụi bẩn, trong các công trình xây dựng, người lao động làm nghề hàn xì, cắt sắt… cần chủ động bảo vệ mắt bằng việc sử dụng dụng cụ bảo hộ lao động như mắt kính, mũ có trang bị kính. Khi bị các mảnh sắt hay vật dụng nhỏ bay vào mắt cần đến các BV có chuyên khoa Mắt để được khám và điều trị kịp thời.
Đối với những bệnh nhân đã được phẫu thuật ghép giác mạc, khi mắt có các biểu hiện đỏ mắt, mắt chảy dịch, đau nhức… cần đến BV để được tái khám để sớm phát hiện các nguy cơ bị các biến chứng sau phẫu thuật.

ÁNH DƯƠNG
Ý kiến của bạn