Nhắc đến sách cũ, có lẽ ai cũng nghĩ tới những cuốn sách luôn nép mình trong góc tường, hộc tủ và có phần “không lành lặn” nhưng người yêu sách nâng niu chúng như những “bảo bối”. Thậm chí có những nơi, người ta tôn vinh thứ bảo bối này bằng cái gọi là “Đại hội sách cũ”. Những sự kiện như thế mang đến cho độc giả nhiều đầu sách cổ, quý hiếm cùng cơ hội giao lưu với các diễn giả nổi tiếng.
Vùng sáng của sách cũ
Sách cũ trở nên quý giá bởi nhiều lý do, dù in trên giấy màu đen nhưng dễ đọc và không làm lóa mắt, nhưng quan trọng hơn cả là có nhiều cuốn hiện nay không được tái bản và lối viết, dịch khoáng đạt, mang đậm phong cách văn chương của người dịch. Thậm chí có những bộ sách là công trình nghiên cứu, khảo cứu của các học giả xưa vẫn còn nguyên giá trị, làm quy chuẩn so sánh cho người học, người nghiên cứu hiện nay.
Sách cũ được nâng niu như bảo bối.
Đối với những người dành toàn tâm toàn ý cho nghề kinh doanh sách cũ thì mỗi ngày họ còn dành một khoảng thời gian nhất định để đọc lại những cuốn sách cũ chỉ để có kiến thức trao đổi sâu hơn với những khách hàng am hiểu về sách.
Nếu ai đó quan niệm, sách cũ ắt hẳn sẽ rẻ hơn sách mới thì chỉ đúng một phần. Quả thật, giá trị của sách còn nhiều vấn đề đáng bàn hơn thế. Nếu phải so sánh hai cuốn sách giống hệt nhau: cùng nội dung, cùng nhà xuất bản thì thông thường cuốn sách cũ rẻ hơn khoảng một nửa so với sách mới. Nhưng lại có chuyện trớ trêu khác, có cuốn sách cùng nội dung nhưng sách in lần thứ nhất lại đắt hơn cả sách được tái bản và đang được bán trên thị trường với bìa, với giấy với mực đẹp long lanh. Có cả trường hợp những cuốn sách ở bìa bốn được định giá bằng đơn vị tiền (đồng, hào, xu...) mà hiện nay không được lưu thông trên thị trường nữa cũng được người bán “quy” ra theo các mức khác nhau. Những cuốn sách cổ, sách quý hiếm có giá “gây sốc” không còn là chuyện lạ nữa. Và có lẽ chỉ những ai được gọi là "ma xó" trong giới sách cũ, có kiến thức về sách cũ mới biết giá trị thật của chúng.
Người trẻ đam mê tìm về
Hội sách Hà Nội năm 2015 với chủ đề “Sách và Di sản” là một ví dụ. Các đầu sách có xuất xứ từ nhiều nguồn khác nhau nên chúng mang trên mình muôn hình vạn trạng sắc thái: có cuốn mới nguyên, một vài trang chưa được rọc hết còn dính vào nhau, có cuốn màu giấy nâu sạm, sần ráp, chữ mờ, bìa long, có cuốn khi nhìn nhà xuất bản mới trầm ngâm nuối tiếc và nhận ra giờ không còn nữa...
Tiếp nối thành công này, ngày 27/2, Đại hội sách cũ 2016 lần thứ IV với sự tham gia của gần 20 đơn vị kinh doanh sách cũ tại Hà Nội... đã thu hút được hàng ngàn người tới xem và mua sách. Một khách hàng chia sẻ: “Đến Đại hội sách, tôi đã tìm được rất nhiều sách cũ, sách quý mà bấy lâu nay tìm kiếm. Tôi mua sách cũ để đọc, để hoài niệm một thời tuổi thơ đã qua”.
Đáng chú ý, Đại hội sách cũ có đến gần 70% người mua là những bạn trẻ. Các đầu sách hay được lựa chọn như văn học, ngoại văn, lịch sử, địa lý, y học, kinh tế, giáo dục... Một bạn sinh viên cho biết: “Mình đã từng ghé rất nhiều hiệu sách cũ. Không phải vì kinh tế khó khăn nhưng vì mình thích sách cũ. Nhiều khi trong quyển sách cũ có những câu chuyện về người chủ trước của nó rất thú vị”. Thực tế là thời gian qua đã có một vài hiệu sách cũ nghĩ đến việc đưa sản phẩm lên mạng xã hội nhằm tiếp cận khách hàng nhiều hơn. Đa số nghĩ rằng, mua sách trực tuyến vừa tiết kiệm thời gian, vừa được tư vấn và tìm hộ những cuốn mình cần. Thế nhưng thực tế phản ánh hình thức sử dụng công nghệ để bán sách là điều không khả thi. Và vì thế mua sách cũ đã trở thành một nét văn hóa thú vị.
Việc nhiều người trẻ tìm đến và yêu mến sách cũ là tín hiệu vô cùng đáng mừng đối với thị trường này vì những giá trị của sự xưa cũ chưa bao giờ bị lãng quên.