Hà Nội

Cuộc đời kỳ lạ của nhà tiên tri nổi tiếng Vanga

21-09-2016 17:34 | Quốc tế
google news

SKĐS - Vanga là nhà tiên tri, nhà nghiên cứu thảo dược nổi tiếng của Bulgaria. Bà sinh ngày 31 tháng 1 năm 1911 và mất ngày 11 tháng 8 năm 1996. Tên khai sinh của bà là Vangelia Pandeva Dimitrova, sau khi kết hôn đổi thành Vangelia Gushcherova.

Phần 1: Thời thơ ấu đặc biệt

Bà bị mù từ năm 12 tuổi và sống gần trọn cuộc đời ở vùng Rupite, thuộc dãy núi Kozhuh, Bulgaria.  Sinh thời, rất nhiều người từ khắp nơi trên thế giới đã đến gặp bà để chữa bệnh hoặc xin lời khuyên về những vướng mắc trong cuộc sống, và tiên đoán tương lai. Sau đây chúng tôi xin trân trọng giới thiệu một số chương trong cuốn sách “Con đường của Vanga” của tác giả Bogdanovich V.F.  (Trần Hậu dich)

PHẦN 1: THỜI THƠ ẤU CỦA VANGA

Thời trẻ, ông Pande Surchev tham gia đội nghĩa quân vũ trang chiến đấu chống lại ách đô hộ của đế quốc Osman. Ông bị người Thổ Nhĩ Kỳ bắt và kết án chung thân. Trong nhà tù “Edi kule”, ông bị tra tấn dã man và tưởng như mất hy vọng được cứu thoát, nhưng năm 1908, những người Thổ trẻ tuyên bố Thổ Nhĩ Kỳ là nước quân chủ lập hiến, và chính phủ mới đã giải phóng các tù nhân.

Pande trở về làng quê Novo-Selo của mình, nhưng ở đấy không còn ai thân thích. Bố mẹ đã qua đời mà không kịp gặp con trai, còn người em trai bỏ đi đâu đấy và mất tích. Ít lâu sau, được tin ở thành phố Strumitsa, công xã phân phát những ngôi nhà bị người Thổ bỏ lại cho những người di cư, Pande lên đường tới đó tìm kiếm  hạnh phúc.

Ông được phân một ngôi nhà cũ nằm ở ngoại ô thành phố.

Khu phố có tên là “Svetiko” nằm cạnh nhà thờ Mười lăm vị Thánh Tử vì đạo.Những ngôi nhà ở đây được xây bằng gạch, giống hệt nhau, trông rất cũ kỹ. “Svetiko” giống  một ngôi làng bị bỏ hoang hơn là vùng ngoại ô thành phố. Những con đường hẹp, lầy lội và bẩn thỉu, vào ban đêm, không nhìn thấy gì. Những khoảng  sân nhỏ được bao quanh bởi bờ giậu bằng cây mận gai. Trong sân, lũ súc vật nhởn nhơ đi lại, ban đêm chúng bị nhốt ở tầng dưới các ngôi nhà hoặc ngay trong các phòng ở. Tất cả cư dân ở  đều mới chuyển đến thành phố từ các làng lân cận để kiếm việc làm. Họ chủ yếu là nông dân, thợ thủ công hay tiểu thương.

Nổi bật trong khu phố là một vài gia đình người Zigan ồn ào và một gia đình người Thổ tên là Gyul-baba không muốn hồi hương. Người ta nói đùa rằng ông ta không muốn đi vì vườn hồng không cho phép. Thực ra, trong khu vườn của ông ta, hoa hồng nở từ đầu xuân đến cuối thu, tỏa hương thơm ngát khắp cả vùng.

Pande bắt đầu thích nghi với nơi ở mới. Cơ thể trẻ trung nhanh chóng hồi phục sau những năm tháng lao tù và hoạn nạn. Anh mua một miếng đất nhỏ và chăm chỉ làm việc. Anh là một chàng trai hiền lành, yêu lao động, sống chan hòa với những người láng giềng  của mình, cũng là dân di cư như anh.

Một thời gian, Pande sống độc thân. Nhưng sau đó anh phải lòng một cô gái dịu dàng và nhanh nhẹn tên là Paraskeva. Nàng có thân hình mảnh dẻ, nhưng  nhanh nhẹn và dễ thương. Pande ngỏ lời cầu hôn và được nàng ưng thuận.  Chẳng bao lâu họ bắt đầu cuộc sống gia đình. Người vợ trẻ tính tình vui vẻ, sống ngăn nắp, sạch sẽ và biết vun vén cho tổ ấm gia đình. Nàng giúp chồng làm ruộng và thường xuyên hỗ trợ anh.

Ngày 31 tháng Giêng năm 1911, con gái đầu lòng của họ ra đời.

Cô bé đẻ non lúc mới được 7 tháng và rất yếu, các ngón tay và ngón chân dính liền với nhau, và không cất tiếng khóc chào đời. Ngay cả các cụ già từng trải cũng không tin rằng cô bé có thể sống sót.Người ta quấn đứa hài nhi vào mảnh vải len, rồi đặt nằm cạnh bếp lò.

Một thời gian sau, ấy là vào dịp tháng Ba, đứa bé bỗng nhiên khóc thét lên giữa đêm khuya. Những bà cụ thông thái giải thích cho người mẹ đang lo lắng rằng cô bé thực sự ra đời vào chính thời điểm đó.

Ở Strumitsa, thông thường người ta chưa đặt tên cho đứa trẻ nếu không tin chắc rằng nó sống sót. Cũng theo phong tục cổ, bố mẹ hoặc những người thân không được đặt tên cho đứa trẻ. Một người nào đó trong gia đình phải đi ra đường và nhờ người gặp đầu tiên đặt tên cho nó.

Và vào buổi sáng sau khi cô bé bắt đầu cất tiếng khóc, bà ngoại của cô ra đường và nhờ một người phụ nữ gặp đầu tiên đặt tên cho đứa trẻ sơ sinh. Bà ta đặt là “Andromaha”. Nhưng bà ngoại không thích cái tên ấy, bà đến gặp một phụ nữ qua đường khác; bà này đặt là “Vangelia”. Cái tên Hy Lạp này có nghĩa là “người mang đến tin lành”. Và mặc dù đây là cái tên “ngoại lai”, nhưng ở Strumitsa, nó rất phổ biến, và bà ngoại đồng ý đặt cho cháu bé.

Trong gia đình, mọi người gọi cô bé là Vanga. Cô bé ngày càng cứng cáp và chẳng bao lâu, trông chẳng khác gì các bạn cùng trang lứa. Năm Vangelia lên ba tuổi, mẹ qua đời trong lần sinh con thứ hai. Nỗi bất hạnh không dừng lại ở đó. Thế chiến thứ nhất bùng nổ, và năm 1915, bố cô được động viên vào quân đội Bungaria.

Một người đàn bà Thổ rất hiền lành và nhân hậu tên là Asanitsa, sống cạnh nhà, đã đưa cô bé về nuôi. Năm tháng nối nhau trôi qua, cuộc sống đầy khó khăn, cực nhọc. Người ta chờ ông bố của Vanga trở về, nhưng đã ba năm trôi qua rồi mà ông vẫn biệt vô âm tín. Mọi người bắt đầu nghĩ rằng ông đã chết?.. Có thể, cô bé đã mồ côi cả cha lẫn mẹ?

Tuy nhiên, mọi sự hoài nghi hóa ra vô ích. Chẳng bao lâu ông bố sống sót trở về và vẫn khỏe mạnh. Nhưng không chỉ con gái mà cả những người hàng xóm cũng khó khăn lắm mới nhận ra ông vì ông quá gầy gò và hốc hác.

Vanga và bố vẫn tiếp tục sống trong ngôi nhà cũ. Nhưng ông Pande sống độc thân không dễ dàng. Còn Vanga – cô bé có mái tóc màu hạt dẻ và cặp mắt xanh da trời - đã tròn 7 tuổi. Vốn hiếu động và thất thường, cô cần tình cảm và sự chăm sóc của một người mẹ. Ông bố hết sức lo lắng cho tương lai của Vanga.

Mặc dù chiến tranh đã kết thúc, nhưng vẫn như xưa, những người dân sợ hãi và cảm thấy bất an. Chính quyền mới được thiết lập ở Strumitsa, nó chuyển về tay của một thị trưởng người Serbia. Bây giờ người dân thành phố phải nói và viết bằng tiếng Serbia. Các quan chức địa phương áp dụng những luật lệ hà khắc và bao điều cấm kỵ khác nhau. Nhiều người dân khó khăn lắm mới hiểu được những mệnh lệnh phức tạp, và lo lắng nhìn về tương lai. Một số người bỏ quê hương xứ sở. Cả ông Pande cũng nghĩ rằng tốt nhất là nên ra đi, nhưng vì con gái nên không quyết định làm điều đó.

Nhưng bọn trẻ con thì có cuộc sống riêng của chúng. Trong nhà ông Pande, lúc nào cũng vang lên tiếng trẻ nô đùa. Lũ trẻ con trong vùng chết mê chết mệt  vì những trò chơi Vanga bày ra nhờ tính tình sôi nổi và vui nhộn của mình. Trò chơi yêu thích của cô bé có tên là “ở bệnh viện”. Vanga đóng vai “thầy thuốc”. “Bệnh nhân” ngồi chờ trong sân, còn thuốc là các thứ cỏ mọc nhan nhản khắp xung quanh giúp chữa khỏi các loại “bệnh” khác nhau.

Giống như mẹ mình, cô bé rất thích sạch sẽ và ngăn nắp. Cô cũng yêu cầu các bạn quét sân sau khi “chữa bệnh”. Quét xong, Vanga bảo tất cả ngồi quanh mình trên một tấm chiếu gai.  Lũ trẻ sốt ruột chờ đợi giây phút này. Còn Vanga bắt đầu kể cho chúng vô số chuyện do cô tự bịa ra. Cả bọn nín thở lắng nghe.

Một mình ông Pande rất vất vả trong việc quản lý kinh tế và giáo dục con gái. Ông thường nghĩ về việc đi bước nữa. Không thể nói ông là một đám béo bở: đã nghèo, góa vợ lại còn phải nuôi con nhỏ. Nhưng may mắn đã mỉm cười với ông. Ít lâu sau, một trong những cô gái xinh đẹp nhất thành phố, Tanka Georgievna,  đã trở thành vợ ông.  Một sự kiện không may trong gia đình Tanka đã trở thành cơ hội đối với ông.  Tanka chuẩn bị cưới một sĩ quan Bungaria, nhưng cuộc hôn nhân tan vỡ vì một chỉ thị vô lý của ban lãnh đạo Serbia. Theo đó tất cả phụ nữ ít nhiều có dính líu tới các sĩ quan hay binh sĩ Bungaria phải ngay lập tức cùng gia đình rời khỏi Strumitsa. Để tránh điều ong tiếng ve và bị trục xuất khỏi thành phố, Tanka nhận lời cầu hôn của Pande và lấy ông làm chồng.

Người vợ trẻ trở thành một nữ nội trợ giỏi và người mẹ tận tình, nhưng chồng cô cũng không có lý do gì làm vợ thất vọng, ông là một con người tử tế, chu đáo và cần cù lao động. Mọi chuyện diễn ra không thể nào tốt đẹp hơn. Bầu không khí gia đình bình yên và hòa thuận. Nhờ sự cần cù lao động và kiên nhẫn của ông Pande, công việc gia đình ngày càng tấn tới, diện tích đất của gia đình dần dần mở rộng lên 9 hecta. Vào mùa thu hoạch, khi các thành viên trong gia đình làm không xuể, ông Pande thậm chí phải thuê mướn nhân công. Mọi người tỏ ra kính trọng ông.

Nhưng sự bình yên và hạnh phúc kéo dài không lâu. Những đám mây đen lại bao phủ bầu trời Strumitsa. Ban lãnh đạo mới tìm mọi cách biến những người dân địa phương thành người Serbia. Một gã có tên Popchevsky đã trở thành người thực hiện đắc lực chiến dịch này. Y được lệnh quyết định số phận mọi người theo ý mình. Và ngay lập tức bắt tay “xử lý” những người gốc Bungaria hoặc những người có cảm tình với dân Bungaria. Popchevsky không bỏ qua quá khứ của Pande. Một lần, trong lúc thu hoạch  vụ mùa, Pande bị bắt và giải lên đồn. Ông bị đánh đập và tra tấn, rồi trả về nhà, nhưng chẳng bao lâu ruộng đất bị tịch thu.

Tai họa lớn đến mức gia đình ông Pande nhiều năm liền không kịp hoàn hồn và rơi vào cảnh bần cùng. Ông Pande không còn lối thoát nào khác là đi làm thuê. Một sự kiện tưởng vui mừng như sinh con, trong hoàn cảnh mới của họ, chỉ thêm gánh nặng. Năm 1932, bà Tanka sinh một bé trai, được đặt tên là Vasil. Ông bố đi chăn súc vật thuê ở một làng bên cạnh, sau chuyển sang làng khác…Ông không thể gượng dậy được nữa.

Vanga đã lên 11 tuổi. Cô chăm chỉ giúp đỡ việc nhà. Vừa trông em vừa nghĩ ra những trò chơi để tự chơi một mình. Nhưng một trong những trò chơi “huyền diệu” của cô đã khiến bố mẹ lo lắng. Sự bất thường của nó ở chỗ cô đóng vai một “người mù”. Ví dụ, cô để ngoài đường hay cạnh nhà một vật nào đấy và bắt đầu đi tìm nó, sờ soạng khắp nơi, như là người mù. Bố mẹ tìm cách cấm Vanga chơi trò đó, nhưng cô không nghe.

Trong thời gian đó, em trai của ông Pande, Konstadin, được tin về hoàn cảnh gia đình của anh trai. Số phận của Konstadin diễn ra may mắn hơn: ông trở nên giàu có, cưới vợ, nhưng Trời không cho ông con cái. Biết tin gia đình anh trai gặp hoạn nạn, Konstadin mời họ chuyển đến ở với mình. “Việc gì phải chịu khổ ở Strumitsa, tốt nhất hãy đến giúp em chăn súc vật, em sẽ không phụ công anh”. Lời mời được chấp nhận, và năm 1923, gia đình chuyển về Novo-Selo.

Còn tiếp


Trần Hậu dịch
Ý kiến của bạn