Cuộc đời chị hộ lý

27-07-2018 07:59 | Y tế
google news

SKĐS - Mối tình của hai vợ chồng anh thương binh nặng Đinh Công Truật và chị Trần Thị Tấm, hộ lý bệnh viện, cứ ám ảnh tôi mấy tháng trời của đầu năm 2017. Câu chuyện lãng mạn như tình sử, hy hữu như chỉ xảy ra một lần, lại điển hình như ở đâu đó cũng có trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thần thánh của dân tộc Việt Nam ta. Như thần thánh mà lại không thần thánh tý nào. Đời thực ở quanh ta thời ấy.

Thật ra thì tôi đã được nghe cánh thanh niên ở Trung tâm Thương binh Nho Quan Ninh Bình kể từ mùa đông năm 2014, khi tôi về Ninh Bình. Thế nhưng Tết Đinh Dậu năm 2017, sau khi Chủ tịch nước Trần Đại Quang về thăm Trung tâm Thương binh Nho Quan, đơn vị Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới năm 2010, thì tôi như ngồi trên đống lửa và thấy rằng mình không thể để lâu được nữa. Tôi phải về lại Nho Quan.

Chị Trần Thị Tấm, vợ anh thương binh Đinh Công Truật kể lại:

... Trong đời em không bao giờ quên cái lần đầu tiên em gặp anh ấy. Em là hộ lý phục vụ ở Khoa Thương binh nặng. Một hôm, em đang đứng tiêm cho một thương binh nặng... Bỗng có ai đó phía sau lưng ôm chầm lấy em. Em chưa kịp quay lưng lại thì một bàn tay đã túm lấy áo choàng trắng của em. Anh ta thò tay vào ngực em. Bằng một động tác rất mạnh và khôn khéo của người lính đặc công, anh lôi được cái áo con trong ngực em ra, giơ tay cười hì hì. Cái áo choàng bị rách toạc. Em ngượng chín mặt. Vùng ra được khỏi tay anh và em bỏ chạy, miệng hô lớn. - Cứu tôi với, cứu tôi với! Lập tức một cái gậy phang vào đầu em, vào má em. Máu ở má em bật ra. Mọi người chạy đến ôm được anh thương binh nặng và dúi anh ngồi xuống. Một người khác dùng chăn ga màu cỏ úa trùm lên đầu anh để anh không định hướng được vị trí của em. Anh ngồi im. Bác sĩ trưởng khoa tập trung hộ lý lại và đè anh nằm xuống, tiêm thuốc an thần cho anh. Độ mười lăm phút sau thì anh ngủ được. Định thần lại, em nhận ra anh thương binh thần kinh quen biết. Anh tên là Đinh Công Truật, người Ninh Bình, bị thương ở chiến trường Quảng Trị, năm 1972. Với trung tâm em, hiện tượng thương binh lên cơn động kinh la hét, đập phá là chuyện thường tình, không có gì lạ. Nhưng chuyện xảy ra với em thì quá bất ngờ và dữ dội. Vết thương trên mặt em không nặng lắm nhưng là một cú sốc mạnh về tinh thần và đêm đó em nằm suy nghĩ suốt đêm: Em muốn xin chuyển đi khỏi đây. Vất vả em chịu được nhưng chịu những trận đòn như bị anh Truật đánh, em sợ quá. Những năm ấy, do chiến tranh ác liệt, thương binh thần kinh ngày một nhiều, có lúc riêng khoa em lên đến 200 người, chật cả trung tâm.

Cuộc đời chị hộ lýVợ chồng chị Tấm anh Truật (hai người ngồi giữa) chụp ảnh với các thương bệnh binh tại Khoa Thương binh nặng, Trung tâm Thương binh nặng Nho Quan - Ninh Bình.

Sáng hôm sau nữa, em đi làm. Đang ở phòng bệnh nhân, có một ai đó phía sau kéo áo em. Em quay nhìn lại, thì ra vẫn là anh Truật. Em tái mặt sợ quá định bỏ chạy. Anh Truật túm áo em lại làm em không thể đi. Nét mặt thẫn thờ, nước mắt rưng rưng, anh khóc như một đứa trẻ con. Thương tình em đứng lại. Anh không lên cơn thần kinh thì hiền lành và thật đáng thương: Anh buông áo em ra, quì xuống, hay tay vái em lia lịa như vái Phật: - Bác sĩ ơi, em xin lỗi việc xảy ra hôm rồi. Xin lỗi! Xin Lỗi! Anh ta nhiều tuổi hơn em nhưng cứ một hai xưng em với em làm em ngượng và lúng túng không biết xử lý thế nào. Em nhìn anh ta. Trông anh thành thật và chân thành như người thú tội trước đấng tối cao, em cũng không cầm được nước mắt. Em cầm tay anh và nói: Không sao đâu anh Truật. Em không phải bác sĩ, em là hộ lý thôi. Những hy sinh xương máu của các anh với Tổ quốc còn lớn hơn nhiều so với việc phục vụ của bọn em. Mà vết thương trên má em cũng nhẹ thôi, sắp khỏi rồi. Anh yên tâm đi nhé. Con người ta khi lên cơn động kinh thì có biết gì đâu. Anh cũng không nhớ anh đã có hành động sàm sỡ ấy với em. Việc anh xin lỗi em là do các bác sĩ kể lại, nên anh nhận ra và đến xin lỗi em thôi.

Sau đó, cứ mỗi lần em đến tiêm cho bệnh nhân là anh ta lại lân la đến, khi thì nghe em nói chuyện, khi thì anh tự kể chuyện về những trận chiến đấu của mình ngoài mặt trận. Lúc ấy anh rất đáng yêu. Lúc không lên cơn động kinh, anh bình thường như những người bình thường. Anh giúp em bưng khay thuốc đến các giường bệnh nhân. Nhưng có lần em thấy anh nhìn em chằm chằm bằng một cái nhìn rất lạ. Một linh tính tự nhiên vốn có của người đàn bà, em cảm nhận được anh có cảm tình với em. Em cũng cho qua luôn vì em cho rằng đó là chuyện thường tình. Con trai, tuổi đang xuân, thích con gái là chuyện đương nhiên. Mình không thích thì thôi. Hơn nữa, ấn tượng lần đầu tiên anh ôm em sàm sỡ quá, em không thể quên được.

Một điều bất ngờ hơn. Một hôm, anh Truật đang ngồi chơi ở vườn hoa bệnh viện, em đi qua. Trông thấy anh Truật, em dừng lại hỏi chuyện:  - Anh hôm nay có khỏe không. Đêm qua ngủ được không anh. Anh vui vẻ  nói: - Tốt lắm em ạ. Anh ăn uống tốt và ngủ tốt. Em nói đùa với anh: Anh có muốn lấy vợ hộ lý không, em làm mối cho. Giả vờ như không để ý đến câu hỏi của em, nhìn em vui vẻ, anh bảo em: -Tấm ơi, anh có chuyện muốn nói với em. Em cười rất vui bảo anh: - Chắc lại thích cô nào chứ gì. Để em nói nhỏ với cô nào ấy cho nhé. Anh Truật nói một cách thành thật như tấm lòng một người lính:  -Anh muốn lấy em làm vợ. Em giật mình như nghe một điều gì kỳ lạ. Em chối đây đẩy: - Em không dám lấy chồng đâu. Để em làm mối cho anh một người khác nhé... Nhưng câu chuyện bất ngờ làm em suy nghĩ cả đêm...

Bữa ăn trưa của thương binh rất đầy đủ món ăn.

Bữa ăn trưa của thương binh rất đầy đủ món ăn.

Cả cánh thanh niên ở Khoa Thương binh nặng và tôi nghe chị kể cười rũ rượi vì một cách tỏ tình rất lính và vì có cả anh Truật, chồng chị, nằm cạnh.

Câu chuyện vui đến tai Giám đốc ngày ấy. Một hôm, bác Giám đốc Trung tâm gặp em vận động:  -Cháu lấy anh Truật được đấy. Bác Hồ đã vận động chị em phụ nữ lấy chồng thương binh. Mình lấy thương binh là nghe lời Bác Hồ dạy. Em nói chuyện này với bố mẹ em, các cụ một mực không đồng ý. Đến là mệt. Em thì cũng không còn trẻ. Mà thực ra, bình thường không lên cơn động kinh thì anh ấy cũng khỏe mạnh và cái cơ bản nhất, anh ấy là bộ đội, lại cùng quê và rất hiền lành. Sau nhiều ngày suy nghĩ, em có một quyết định táo bạo: kết hôn với anh Truật. Đám cưới thời chiến được tổ chức ngay  trong đơn vị. Vui vẻ và ấm cúng. Bố mẹ em và gia đình bên ngoại em rồi cũng vì thương con gái mà đồng ý. Cổ nhân có câu: Thương con thì ngon của. Nhưng thương binh thì có của nả gì đâu.

Đêm tân hôn ấy với em thật buồn. Cái đêm tân hôn đong đầy nước mắt. Nói ra thì xấu hổ. Anh ấy liệt nửa người, tay bị thõng xuống. Một tay chống xuống giường, anh ấy muốn tìm cách vần người lên bụng em. Nhưng rồi, sức yếu quá anh như khúc gỗ lăn kềnh xuống giường. Nói anh bỏ quá, chim như là con giun mềm nhũn không lên được. Bỗng nhiên, anh ấy mắt long lên sòng sọc, đỏ ngầu. Một tay còn lại của anh giơ lên cao đấm thình thịch vào ngực em. Em tức thở không chịu được. Thật bất ngờ và lại cũng thật vô lý. Nhưng em im lặng. Thấy em im lặng, anh ấy thụi tiếp vào mặt em làm mắt em sưng vù. Em vùng dậy tức tưởi khóc một mình.

Suốt đêm em không ngủ được. Em ngồi dậy soi gương tự ngắm mình. Tự vuốt ve mình, tự ngắm cái nõn nà, cái trinh tiết của em dành cho anh mà như anh không hiểu. Em tủi thân tự thấy tiếc cho tuổi xuân của mình, cho cái trong trắng nõn nà của mình để cho ai và để làm gì. Một khi người đàn ông có thể không biết giá trị của sự trinh tiết của người đàn bà thì trinh tiết để làm gì. Em khổ tâm cho mình, cho thân phận người đàn bà. Đã cưới xin hẳn hoi, đã hứa với Đảng và đoàn thể, sẽ có trách nhiệm với anh Truật trọn đời. Bác Hồ bảo phải yêu quý thương binh cơ mà. Rồi em lại khóc. Em ngắm nhìn anh sau phút bất lực, lại ngây thơ ngủ ngon lành như không biết có đêm tân hôn, như không biết có người vợ trẻ đang khổ tâm thế nào khi không được thỏa mãn hạnh phúc và khi chồng mình bất lực.

Những ngày sau tân hôn, em như người mất hồn. Em tính sẽ bỏ anh ấy. Bỏ thì em sẽ bị mang tiếng là bỏ chồng mà mới lấy nhau được mấy ngày. Chi bộ sẽ kiểm điểm chứ không phải đơn giản đâu. Ngày ấy dính đến bỏ thương binh là rắc rối. Bị chi bộ kiểm điểm là to chuyện. Cơ quan sẽ phê bình là thiếu chín chắn vì có ai ép em đâu, em tự giác lấy anh ấy chứ. Mà em bị mang tiếng bỏ chồng là không lấy được ai trong cơ quan đâu. Em cũng nhiều tuổi rồi chứ ít ỏi gì. Em là hộ lý bệnh viện, cơ quan mà cho em nghỉ việc để thay người khác thì đời em đến đó chấm dứt. Nhưng lấy anh ấy mà tính khí bất thường và không có khả năng có con thì đời con gái cũng thế là hết.

Nhưng anh Truật sau đó thì thật đáng thương. Anh ấy lấy thuốc rồi tự bôi mặt cho em, lại ngồi khóc xin lỗi. Anh ấy nói cứ chậm rãi như bây giờ này này. Nghĩ mãi mới ra nói ra được một câu, làm em lại thương. Khi hai vợ chồng ăn cơm, anh ấy gắp thức ăn cho em và nói: - Em mà bỏ anh thì anh tự tử. Câu nói ấy làm em sợ hết hồn. Không có em chắc đời anh ấy lại tàn tật về tinh thần hơn là chưa lấy anh ấy.

Mẹ em biết chuyện, cụ khuyên bảo chân tình: -Trước thì mẹ không đồng ý cho con lấy anh ấy nhưng bây giờ lấy anh ấy rồi thì con phải có trách nhiệm đấy con ạ. Mẹ lấy bố con ngày trước có biết mặt mũi nhau đâu. Ông bà cưới cho rồi sau này mấy năm mới yêu nhau đấy. Con hãy từ từ. Điều khuyên bảo của mẹ em là ý kiến quyết định làm em thay đổi ý định bỏ anh Truật.

Tác giả Lê Tuấn Lộc chụp ảnh với bác sĩ ở Trung tâm thương binh nặng Nho Quan, Ninh BìnhTác giả Lê Tuấn Lộc chụp ảnh với bác sĩ ở Trung tâm thương binh nặng Nho Quan, Ninh Bình.

Em thành thực kể lại câu chuyện này với chị nữ bác sĩ tâm thần. Chị tủm tỉm cười và bảo em: - Yên tâm đi. Em nên tâm lý một chút. Để khơi dậy trí nhớ và tình cảm của người thương binh bị thần kinh phải rất kiên trì và biết kích thích sự hưng phấn ham muốn của họ dần dần.

Em làm theo ý kiến của bác sĩ: Vuốt ve, tình cảm với anh để anh vui và ham muốn. Nhiều lần như thế, niềm hy vọng của em đã được đền đáp. Bất ngờ, một đêm sau ấy, nhìn giọt máu nhỏ loang trên tấm vải trải giường, em bật khóc. Sự trinh tiết của em dành cho anh đã chứng minh cho anh. Và những đêm sau nữa, anh đã làm cho em nghẹt thở. Anh cuống cuồng khi em nhìn anh âu yếm. Khi anh đã nhận ra một người vợ trinh tiết biết âu yếm chiều chồng thì anh lại bật khóc theo em. Anh như một đứa trẻ con vồ lấy em xin được bú mẹ...”.

Thiên lương của con người! có không? khi tôi nghĩ đến chị Tấm. Cái gì đã làm anh Truật từ một người thương binh thần kinh trở nên một người đàn ông hiền lành và tình cảm đến thế? Tôi hiểu rồi. Sự ân cần chăm sóc của người đàn bà là liều thuốc vô giá cho người đàn ông nửa tàn tật, nửa lành lặn.

Cho đến năm 2017, anh chị đã có hai đứa con trai lành lặn, được học hành tử tế. Hai con anh đã có cháu nội và đã ở riêng. Chị Tấm nói với tôi: - Anh Lộc ạ, em không nghĩ rằng anh ấy lại sống được đến bây giờ. Ơn giời phật phù hộ! Nhưng tôi nghĩ, chị dám lấy một thương binh bị thần kinh đã là anh hùng, chị đã chăm sóc vun xới anh để được như bây giờ còn anh hùng hơn.

Chị Phạm Thị Hoa, bác sĩ chủ nhiệm Khoa Thương binh nặng cứ tấm tắc khen mối tình và việc làm của anh Truật và chị Tấm như một hình mẫu mà cả trung tâm, cả khoa phải noi theo:

Trước chú Truật điều trị ở khoa em. Một năm chú cũng nhiều đợt phải đến đây để điều trị cơn đau do tái phát vết thương. Khi chú đỡ lại để chú về nhà với vợ con và cho thuốc uống. Trước đây mỗi một lần chuẩn bị lên cơn co giật chú cũng có những biểu hiện báo trước. Chú bảo cho bọn em, nếu có biểu hiện động kinh thì trói chú lại rồi đưa về trung tâm. Đừng để chú lên cơn rồi thì đập phá làm khổ vợ con. Chú nói thế làm bọn em rất cảm phục ý chí của chú. Nhưng ai mà dám trói chú khi thấy chú đau đớn mặt méo xệch, quằn quại trên giường. Cô Tấm chú Truật là tấm gương để chúng em noi theo. Cô là tấm gương mẫu mực về tận tình chăm sóc thương binh và dám lấy thương binh. Chú là thương bệnh binh nặng nhưng cũng là tấm gương cho cả cán bộ viên chức noi theo về tinh thần vượt khó, chiến đấu để chống đỡ lại bệnh tật hàng mấy chục năm trời đằng đẵng. Và chú đã chiến thắng bệnh tật. Nói thật với anh khi mà những ca trực, nhìn chú ấy có những cơn động kinh, những biểu hiện cơn đau của vết thương cũ tái phát, thấy chú ấy vật vã trên giường để chống lại cơn đau, khi mà thuốc bác sĩ sử dụng chưa có hiệu quả ngay, không ai cầm được nước mắt. Nhìn chú ấy khổ tâm lắm, mặt đau đớn nhăn nhó, chúng em là bác sĩ phải quay đi để lau nước mắt.

Anh Truật nói với tôi, giọng chậm chạp và nhỏ nhẹ: - Thời kỳ bao cấp đầy khó khăn, cơm không có mà ăn, phải ăn sắn độn, mình thì yếu, đi cuốc bị ngất suýt chết gục ngoài đồng. Bà con phải khiêng về. Vợ bảo anh không cần làm gì cả.  Anh cứ ở nhà cho khỏe là mẹ con em mừng. Lương anh đã có tiêu chuẩn thương binh nặng là đủ ăn rồi. Nhưng mình thương vợ lương thấp mà con thì còn bé, kinh tế khó khăn, không làm thêm thì lấy gì nuôi các cháu ăn học.

Cách làm việc kiên nhẫn đáng quý và chăm chỉ của anh Truật, một thương binh nặng chỉ làm việc bằng một tay và một chân mà chị Tấm kể tôi nghe làm tôi rất ấn tượng về ý chí của con người không chịu khuất phục trước hoàn cảnh.

Anh nhà em bị thương trong cuộc chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị. Nhà em bị vết thương sọ não còn mảnh đạn trong đầu, liệt một bên người nên tay phải và chân phải tuy vẫn còn nhưng không vận động được. Anh bị thương tật 90%, xếp loại I, nhưng lao động không thua kém ai cả. Thế mới lạ. Bình thường, không bị lên cơn thần kinh thì anh rất hiền lành và thương vợ con. Những năm khó khăn, thấy em khó khăn vất vả anh ấy rất thương em và anh ấy có lần bảo em: Mình đặt thợ rèn làm cho anh một cái cuốc ngắn, lưỡi cong và nhỏ để anh có thể cầm một tay cuốc và một tay chống nạng. Theo đề nghị của em và ý tưởng của anh ấy, thợ rèn đã rèn tặng anh một cái cuốc đặc biệt, ngắn, nhẹ và nhỏ. Hôm cuốc thử ở ruộng trồng rau vụ đông, cả làng đến xem. Mọi người trông thấy anh cuốc thử, mồ hôi chảy đầm đìa, máu rỏ đầu ngón tay, anh ngất đi. Không ai cầm được nước mắt. Trung tâm Thương binh nặng đã phát động cuộc thi đua học tập và làm theo nhà em. Không thể mô tả được hết cảnh nhà em nửa ngồi nửa nằm nghiêng giữa ruộng vụ đông giá buốt, một tay cầm cuốc giơ thật mạnh lên cao, tay kia bị liệt thả bung biêng như cái chân giò lợn treo lủng lẳng vào cầu vai anh. Cả làng khóc thương anh ấy. Về sau mọi người cũng quen với cảnh một người giở cúi giở ngồi chiều chiều cuốc đất trồng vụ đông giữa cành đồng rộng mênh mông.

Anh Truật nhà em có một cách cho con nhỏ ăn thật kỳ lạ và rất... thương binh. Em đi làm ở trung tâm, tối mới về. Ở nhà con đói mà mới sinh 8 tháng trời. Anh ấy có sáng kiến lấy tã lót cũ trói một tay con vào bắp chân anh để cháu không thò tay lên mồm. Một tay anh cầm thìa múc cháo bón cho con ăn bình thường. Về thấy cảnh con bị trói, em không nói được lời nào. Em đứng lặng như trời trồng trước sân nhà. Hai hàng nước mắt cứ ròng ròng chảy xuống gò má em. Mẹ chồng em về thấy thế, ôm lấy hai bố con mà khóc theo.

Thế rồi, khó khăn cũng trôi qua. Bây giờ hai cháu đã lớn, đã có vợ và em đã có cháu nội ngoan lắm. Cứ lo chúng nó bị thần kinh, em đã kiểm tra qua các thầy giáo của cháu, nhưng ơn trời phật phù hộ độ trì, các cháu phát triển bình thường.

Tháng 4/2017, tôi về lại Trung tâm Thương binh nặng Nho Quan một lần nữa. Tôi rất vui được biết, chị Tấm đang làm nhà. Tôi hỏi cán bộ tổ chức trung tâm: - Thế anh chị ấy chưa có nhà à? Họ bảo: - Có rồi nhưng bị xuống cấp phải làm ngay không thì mùa mưa bão đến bị đổ mất. Căn nhà mới đã xây xong móng, bắt đầu đổ cột. Chị Tấm bảo tiền làm nhà chủ yếu do bạn bè đồng đội cũ gom góp cho.

***

Tôi hỏi chị cán bộ tổ chức trung tâm: - Anh Truật chị Tấm là gương sáng, sao Trung tâm không đề nghị tặng thưởng huân chương nhỉ? Họ bảo: - Ngày xưa ai nghĩ chuyện huân chương sau khi về trại thương binh rồi. Bây giờ thì anh chị đã về nghỉ ở nhà mà chế độ thì đã có. Tôi vặn lại chị: - Bây giờ cũng cần tặng huân chương chứ. Chị cán bộ cười rất tươi: - Nếu không có những người thương binh và những người phục vụ thương binh anh hùng ấy, trung tâm chúng em làm sao được phong là Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới hả anh Lộc? Và tôi hiểu ra sâu sắc hơn. Chắc chắn còn rất nhiều gương sáng của bác sĩ và thương binh ở trung tâm này mà tôi chưa biết hết.

***

Tôi nghĩ đến chị Tấm hộ lý ngày nay và cô Tấm trong chuyện cổ tích Tấm Cám ngày xưa. Cuộc đời cô Tấm xưa, được làm hoàng hậu nhưng không thấy nói bà hoàng hậu có được con cái không. Còn cuộc đời chị Tấm ngày nay, không làm hoàng hậu, anh Truật không làm vua nhưng trời phật đã cho anh chị có hai con và trưởng thành đầy đủ. Họ được làm bố làm mẹ và cao hơn, họ được làm ông làm bà hạnh phúc.

Cô Tấm ngày xưa khi đã lấy được hoàng tử thì lại trả thù em Cám bằng một hành động ác độc. Chị Tấm hộ lý lấy anh Truật có một tấm lòng nhân hậu cao hơn cô Tấm ngày xưa. Chuyện cổ tích ngày nay đẹp hơn chuyện cổ tích ngày xưa nhiều.


Bút ký của Lê Tuấn Lộc
Ý kiến của bạn