Cuộc 'di dân lịch sử' ra khỏi Kinh thành Huế hiện ra sao?

28-12-2023 09:54 | Xã hội
google news

SKĐS - Sau nhiều năm thực hiện cuộc di dời dân cư ra khỏi di tích Kinh thành Huế, đến nay các khu vực thuộc giai đoạn 1 và giai đoạn 2 tại khung chính sách được triển khai trong giai đoạn 1 cơ bản hoàn thành phê duyệt tại 11 khu vực.

Hoàn thành phê duyệt tại 11 khu vực

Theo Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Huế, ngày 10/12/2018, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Khung chính sách về bồi thường, hỗ trợ tái định cư thực hiện di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực I hệ thống di tích Kinh thành Huế thuộc quần thể di tích cố đô Huế.

Ngày 13/2/2019, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt Đề án Di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 di tích Kinh thành Huế (gọi tắt là đề án). Theo đề án, đây là cuộc di dân "lịch sử", chia làm hai giai đoạn triển khai (giai đoạn 1 từ năm 2019-2022 và giai đoạn 2 từ năm 2023-2025). Tại giai đoạn 1, thực hiện di dời dân cư, giải phóng mặt bằng tại 11 khu vực gồm Thượng Thành, các Eo Bầu… với khoảng 5.000 hộ dân.

Cuộc 'di dân lịch sử' ra khỏi Kinh thành Huế hiện ra sao?- Ảnh 1.

Người dân sau di dời đến ở tại khu tái định cư Hương Sơ.

Theo lãnh đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Huế, quá trình thực hiện đã điều chỉnh, bổ sung các hạng mục giải phóng mặt bằng thuộc giai đoạn 2 lên thực hiện trong giai đoạn 1, bằng nguồn vốn của giai đoạn 1 nên khối lượng rất lớn và áp lực tiến độ giải ngân theo kế hoạch vốn đã bố trí.

Tuy nhiên, qua 5 năm thực hiện, hiện nay các khu vực giai đoạn 1 và giai đoạn 2 tại khung chính sách được triển khai trong giai đoạn 1 cơ bản hoàn thành công tác phê duyệt tại 11 khu vực, vượt tiến độ 2 năm so với thời gian phân kỳ thực hiện.

"Kinh phí phê duyệt đạt 1.772/1.880 tỷ đồng (94,3%) phần còn lại sẽ phê duyệt trước ngày 31/12. Đến nay, phê duyệt bố trí tái định cư 2.723 lô đất và hơn 1.000 hộ đã xây dựng nhà ở ổn định cuộc sống", ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Huế cho biết.

Mong người dân chia sẻ để sớm bàn giao mặt bằng

Theo Trung tâm Phát triển Quỹ đất TP Huế, ngày 18/4/2023, Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế. Trong đó có nội dung đồng ý mở rộng đề án để di dời các hộ dân còn lại tại các khu vực di tích thuộc quần thể di tích Cố đô Huế và áp dụng Khung chính sách đã thực hiện ở giai đoạn 1.

Theo đó, thực hiện di dời dân cư, giải phóng mặt bằng phạm vi các di tích tại 19 khu vực như Hổ Quyền, Voi Ré, Chùa Thiên Mụ, Văn Miếu – Võ Miếu… với khoảng 1.287 hộ dân. Tổng mức đầu tư giải phóng mặt bằng khoảng 664 tỷ đồng.

Cuộc 'di dân lịch sử' ra khỏi Kinh thành Huế hiện ra sao?- Ảnh 3.

Những khu vực trên Thượng Thành sau khi thực hiện di dời dân cư đã được hạ giải, dọn dẹp trả lại cảnh quan để bàn giao cho đơn vị quản lý di tích.

Ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết, UBND tỉnh đang tập trung triển khai các thủ tục để phê duyệt giai đoạn 2 dự án Bảo tồn, tu bổ và tôn tạo hệ thống Kinh thành Huế. Sở TN&MT đã có báo cáo để UBND tỉnh xem xét có văn bản báo cáo để Bộ TN&MT có cơ sở cho ý kiến hướng dẫn triển khai thực hiện nhằm xin cơ chế chính sách hỗ trợ cho các trường hợp bị ảnh hưởng thuộc dự án (giai đoạn 2).

"Khó khăn lớn nhất hiện nay là các hộ gia đình có nhiều lý do khác nhau liên quan đến các điều kiện bố trí tái định cư, chủ yếu lý do không sinh sống tại thửa đất thu hồi nên không đủ điều kiện bố trí tái định cư. Chúng tôi mong muốn người dân khu vực dự án cùng chia sẻ những khó khăn, sớm bàn giao mặt bằng, di dời đến nơi ở mới ổn định cuộc sống", ông Tuấn nói.

Theo lãnh đạo Trung tâm Phát triển Quỹ đất TP Huế, UBND tỉnh đã phê duyệt và triển khai hạng mục dọn dẹp vệ sinh và hoàn trả mặt bằng sau khi di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 Kinh thành Huế với kinh phí 54 tỷ đồng từ nguồn ngân sách trung ương.

Hiện nay đang thực hiện hạ giải, dọn dẹp mặt bằng đối với từng hộ sau khi bàn giao mặt bằng, triển khai công tác san gạt trả lại cao độ phù hợp theo hình thức cuốn chiếu. Khi hoàn thành, sẽ bàn giao lại mặt bằng sạch cho Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế quản lý, thực hiện phát huy giá trị di tích Kinh thành Huế.

Thượng thành Huế "khoác áo mới" sau khi san phẳng nhà hoang, phát quang cỏ dạiThượng thành Huế 'khoác áo mới' sau khi san phẳng nhà hoang, phát quang cỏ dại

SKĐS - Nhiều khu vực trên Thượng thành Huế hiện nay như đang được "khoác áo mới" sau khi được chỉnh trang, hạ giải những căn nhà hoang, phát quang cây cỏ dại.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Dự báo thời tiết hôm nay ngày 28/12: Bắc Bộ ấm dần lên, Tết dương lịch đỡ rét, Trung Bộ có mưa.


Hoàng Dũng
Ý kiến của bạn