Cuộc đấu tranh quyền lực đã bắt đầu ở châu Âu

30-05-2019 14:00 | Quốc tế
google news

SKĐS - Sau cuộc bầu cử của Nghị viện Châu Âu kéo dài 4 ngày với 28 quốc gia thành viên đã kết thúc, cũng là lúc tương lai của châu Âu đang bắt đầu được định hình lại. Và giờ đây, cuộc đấu lựa chọn các vị trí chủ chốt trong nhiệm kỳ mới của châu Âu cũng không kém phần nóng bỏng.

Tương lai nào cho châu Âu?

Cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vừa kết thúc với kết quả là sự suy yếu của  các đảng truyền thống vốn có vai trò đầu tàu tại khu vực và sự lên ngôi của các đảng dân túy và cực hữu ở châu Âu. Lần đầu tiên trong 20 năm qua hai nhóm đảng bảo thủ là EPP (đảng Nhân dân châu Âu) và S&D (đảng Dân chủ - Xã hội) không còn nắm đa số tại EP, tuy nhiên đây vẫn là 2 nhóm đảng chính tại EP trong nhiệm kỳ 2019-2024.

Cán cân lực lượng tại Nghị viện châu Âu đã thay đổi, nhóm EPP là nhóm chiếm nhiều ghế nhất tại Nghị viện với 180 ghế, đứng ở vị trí thứ hai là liên minh S&D chiếm 145  ghế, nhóm lớn thứ 3 là Liên minh các đảng Dân chủ tự do châu Âu  (ALDE) với 109 ghế, tiếp đến là đảng Xanh và Liên minh tự do châu Âu, nhóm bảo thủ và cải cách châu Âu.

Mặc dù hai nhóm EPP và và S&D vẫn là hai nhóm chính trị lớn nhất ở cơ quan lập pháp của Liên minh châu Âu (EU)  mỗi nhóm này đã mất đi từ 30-40 ghế so với cách đây 5 năm, sẽ không đủ để chiếm đa số tại nghị viện, giành ưu thế trong mỗi quyết định về các vấn đề quan trọng của khối. Việc “cán đích” ở vị trí thứ 3 và 4 của đảng ALDE và đảng Xanh cũng đủ để các nhóm này có thể đóng vai  trò quan trọng trong việc hình thành một liên minh đa số mới.

Tương lai của EU sẽ nằm trong tay ban lãnh đạo mới của Eu và 751 nghị sĩ

Cuộc bầu cử nghị viện châu Âu năm nay như một “phép thử’ khẳng định một lần nữa xu hướng các đảng cực hữu, dân túy, dân tộc chủ nghĩa  đang lớn mạnh ở  châu Âu khiến cho đời sống chính trị - xã hội châu Âu đang có những bước thay đổi.  Các đảng truyền thống vốn rất lớn mạnh ở nhiều nước như Pháp, Đức, Italia... đang suy yếu và ngày càng mất nhiều cử tri ủng hộ.  Sự đột phá của các đảng Xanh ở Đức, Pháp, Thụy Điển, Tây Ban Nha còn cho thấy đây sẽ là những “nhân tố mới” tác động vào chính sách của châu Âu theo hướng chú trọng hơn đến môi trường và biến đổi khí hậu.

Ngoài ra, các vấn đề mấu chốt khác như môi trường, nhập cư, Brexit, tăng trưởng kinh tế, sự trỗi dậy của Trung Quốc và những đòn trả đũa thuế quan với Mỹ …. cũng sẽ được các cử tri của những nhóm mới nổi lên rất quan tâm. Điểm đáng ghi nhận trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu là số người đi bầu cử đạt  51%, -  mức cao nhất trong 25  năm qua và tăng đáng kể so tỷ lệ này trong cuộc bầu cử EP năm 2014 là 42,6% phản ánh người dân châu Âu đang rất quan tâm tới tình hình chính trị và tương lai của khối.

Khởi động cuộc đấu quyền lực ở châu Âu

Cử tri  châu Âu đang quan tâm tới việc ai sẽ là người lãnh đạo khối này, bởi sau cuộc bầu cử, các nhà lãnh đạo của 28 quốc gia thành viên châu Âu sẽ nhóm họp  thảo luận về việc chọn ứng viên nào cho các vị trí chủ chốt trong khối bao gồm Chủ tịch Uỷ ban châu Âu, Chủ tịch Hội đồng châu Âu, Chủ tịch Nghị viện châu Âu, Chủ tịch Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) hay vị trí Cao uỷ phụ trách đối ngoại và an ninh của châu Âu.

Chia rẽ, bất đồng đã xuất hiện ngay từ việc lựa chọn người đứng đầu, đặc biệt là vị trí Ủy ban châu Âu (EC) thay ông Jean-Claude Juncker. Thủ tướng Đức Angela Merkel đã công khai ủng hộ ông Manfred Weber, chính trị gia 46 tuổi người Đức và hiện là Chủ tịch nhóm nghị sĩ của các đảng Nhân dân châu Âu EPP tại Nghị viện châu Âu. Tuy nhiên Pháp đã công khai phản đối mong muốn này của nước  Đức và yêu cầu huỷ bỏ cơ chế lực lượng chính trị nào đứng đầu Nghị viện châu Âu thì người của lực lượng đó sẽ giữ chức Chủ tịch Uỷ ban châu Âu hay còn gọi là  “spitzenkandidat”.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã nêu tên các ứng cử viên như Frans Timmermans, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu, người Hà Lan và là ứng cử viên của nhóm đảng Dân chủ xã hội –ESP hay bà Margrethe Vestager, Uỷ viên châu Âu phụ trách cạnh tranh, người Đan Mạch, ứng cử viên của nhóm đảng Dân chủ tự do. Đáng chú ý, là có cả tên ông Michel Barnier, người Pháp và hiện là Trưởng đoàn đàm phán Brexit của Liên minh châu Âu.

Cho dù là ai, ban lãnh đạo mới của  EU sẽ được kỳ vọng là những người cần tạo nên một sự thay đổi,  để giải quyết những vấn đề cấp  thiết nhất hiện nay như tăng trưởng kinh tế chậm, vai trò EU trong các vấn đề toàn cầu đang suy yếu và sự mất đoàn kết nội bộ trong khối.


Hải Yến
Ý kiến của bạn