Với tiểu thuyết đầu tay Phượng áo trắng (2 tập – NXB Văn hóa Thông tin), bác sĩ chuyên khoa cấp 1 Vương Thị Hoàng được coi là tác giả trẻ, mặc dù tuổi đời không còn trẻ. Nhân vật chính là bác sĩ Thu Phượng – người có cuộc đời trải dài qua suốt hơn nghìn trang sách từ khi còn nằm trong bụng mẹ đến khi là bà lão hơn 80 đi về phía bên kia cuộc đời. 10 tuổi, cô bé Vương Thị Hoàng đã chứng kiến những biến động lớn trong cuộc sống, nó gây ấn tượng mạnh đến nỗi lúc đó cô bé đã nghĩ khi về già, có điều kiện sẽ viết lại những điều đó. Thế là 55 năm sau, ký ức ấy đã được đánh thức khiến chị buộc phải cầm bút.
Tự bảo: Tôi viết như một lẽ tự nhiên và người phụ nữ xinh đẹp, điềm đạm đã đến với văn chương một cách tự tin, đầy quyết tâm. Nguyên cớ để chị cầm bút cũng thật lạ và đề tài mà chị chọn cũng rất riêng khác – một câu chuyện mà chị đã lưu giữ vào ký ức mình từ thời bé thơ, rồi là nhân chứng suốt cả một hành trình dài qua bao thăng trầm đổi thay của thời cuộc, để đến hôm nay, khi hoàn thành 2 tập tiểu thuyết Phượng áo trắng, nó như cuốn nhật ký thời đại.
BS. Vương Thị Hoàng. |
Giờ đây, chị lại thỉnh thoảng cùng Hội Chữ thập đỏ Trung ương đi khám bệnh ở các vùng xa xôi, cùng Hội từ thiện TP. Hà Nội đi khám và phát thuốc miễn phí cho sư sãi ở các chùa… Ðược biết, chị còn tham gia Hội đồng nhân dân phường Hàng Bài, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường Hàng Bài và tham gia BCH Hội Chữ thập đỏ quận Hoàn Kiếm. Không hiểu sao, tôi cứ cảm giác cuộc đời Thu Phượng trong Phượng áo trắng mang bóng dáng của chị nhiều lắm. |
Rồi mưu sinh cuộc sống đã đẩy những vết hằn ký ức của cô vào một góc khuất. Bỏ dở lớp 8 để thi vào lớp y tá quốc lập, rồi sau đó vừa đi làm vừa đi học, chị đã học tiếp Đại học Y Hà Nội, rồi bác sĩ chuyên khoa cấp 1. Với Vương Thị Hoàng, lý do để chị vào ngành y cũng thật đặc biệt, trong một lần đưa người em đi cấp cứu, cảm động trước thái độ ân cần khám chữa bệnh của người bác sĩ mà chị ấp ủ ước mơ vào ngành y. Hơn nữa, như chị bảo, ngày đó ngành y và một số ngành đặc biệt được cấp học bổng. Cô sinh viên Vương Thị Hoàng ngày đó được xét ½ suất học bổng với số tiền 9 đồng, để rồi sau đó trở thành bác sĩ nội nhi, từng làm ở phòng khám Bệnh viện Xanh Pôn, Bệnh viện Bạch Mai, một thời gian ngắn ở Viện Tim mạch và một thời gian khá dài ở chuyên ngành Đông y, khoa Khám bệnh. Văn chương chưa hề mảy may gõ cửa người đàn bà này. Nhưng trong lòng người nữ bác sĩ này vẫn âm thầm nuôi dưỡng một ước vọng được giải tỏa những ẩn ức một thời, vì thế chị âm thầm tích lũy trong tâm trí mình tất cả những biến động của đời sống, những mẩu chuyện thấm đẫm tình người và những mẩu chuyện đáng để day dứt lương tâm những người có chữ đức trong ngành y.
Những khó khăn của đời sống buộc chị phải lao vào cuộc mưu sinh để nuôi 3 người con trai và giờ đây khi đã nghỉ hưu, con cái đều trưởng thành, có thời gian rỗi rãi, nỗi ám ảnh quá khứ lại thôi thúc buộc chị cầm bút.
Vương Thị Hoàng lý giải về nội dung mà chị đề cập trong tiểu thuyết rằng: Tôi chỉ viết vì sự ám ảnh dai dẳng từ thời thơ ấu. Viết những điều mình biết, những gì mình trải nghiệm. Vì thế, khác với những nhà văn khác khi viết về quá trình cải tạo xây dựng đất nước, chị đã đi vào diễn tả sự đổi thay của đất nước qua từng thời kỳ thông qua một nhân vật chính với những cảm nhận riêng của mình, bằng chính câu chuyện đã hằn sâu trong ký ức. Bởi thế, cách chọn nhân vật chính Thu Phượng làm tên cho tác phẩm và viết về sự thăng trầm của một đời người, qua đó nói lên sự đổi thay của đất nước qua từng thời kỳ là cách khôn khéo để thể hiện cảm quan của tác giả bởi theo chị, quá trình biến đổi của đất nước sẽ có những thăng trầm, đúng - sai. Trên thực tế, những cái đúng theo trào lưu, đi đúng lòng dân thì được tồn tại, những cái sai lệch thì tự đào thải. Từ những cái sai đó mới có kinh nghiệm xương máu tìm ra con đường đúng đắn đi tiếp những bước vững chãi. Đó là con đường đưa đất nước tiến lên CNXH, tiến tới cuộc sống ấm no, hạnh phúc, tất cả mọi người được hưởng quyền lợi như nhau.
Kể từ ngày bắt tay vào viết tác phẩm, bỏ lại sau lưng những lo toan cuộc sống, chị dồn hết thời gian cho đam mê của mình. Suốt ngày đêm trong 2 tháng, chị viết liền một mạch. Mà cũng thật lạ, trước đó chị không ghi chép bất cứ điều gì, vậy mà khi đặt bút viết, những thứ thu nhận được trong đầu cứ hiện ra, tuần tự, rõ mồn một. Thế rồi một năm liền sửa bản thảo, 2 tập tiểu thuyết đã được ra đời. Tất cả mọi nhân vật trong tiểu thuyết đều là hư cấu, nhưng nó được dựa trên bối cảnh lịch sử xã hội theo biến chuyển từng thời kỳ của đất nước. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, mọi sự không còn như xưa, có chăng chỉ là còn trong ký ức của mỗi con người.
Lý giải cho việc đặt tên tiểu thuyết là Phượng áo trắng, chị bảo cả cuộc đời Phượng gắn liền với màu áo trắng. Khi chiến tranh xảy ra, người yêu hy sinh nơi chiến trận, Phượng mặc áo trắng để tang cho đời. Thế rồi cô bác sĩ Phượng cả cuộc đời lại gắn liền với chiếc blouse trắng chữa bệnh cứu người. Cuối đời, mãn nguyện trong tình yêu, trong sự nghiệp, rất thanh thản, bà Phượng tự mặc bộ satanh trắng ra đi về với cát bụi sau khi viết một lá đơn tự nguyện hiến xác cho viện giải phẫu. Lấy cảm hứng từ câu chuyện có thật, những nhân vật có thật quanh mình và có lẽ là phần nào của mình trong đó nên tác phẩm của chị chân thật, ngôn ngữ giản dị, không cầu kỳ, có sức cuốn hút độc giả đến kỳ lạ. Một câu chuyện bố cục chặt chẽ, liên hoàn, nối tiếp, các nhân vật đan xen, liên quan đến nhau từ trang đầu đến trang cuối cùng của cuốn sách. Hầu hết người đọc đều cảm thấy có mình ở trong những nhân vật chính đó. Nhưng quan trọng hơn là tấm lòng nhân hậu của bác sĩ Phượng, nhiệt tình, hết lòng tận tụy với chồng con, bạn bè, người thân và bệnh nhân. Sự nghiệt ngã của số phận đã buộc Phượng luôn phải nỗ lực phấn đấu, cố gắng vươn lên với một nghị lực phi thường để theo kịp cuộc sống xung quanh. Lòng nhân từ luôn hiện hữu ở trong mỗi con người. Lòng nhân ấy giúp con người vượt qua mọi hoàn cảnh để làm những việc thiện cho đời, nhất là với nghề đặc biệt chữa bệnh cứu người. Đó chính là thông điệp mà tác giả muốn bày tỏ qua tiểu thuyết của mình.
Tạm dừng các công việc khác để dành thời gian làm cái điều mà chị cho là “món nợ” với cuộc đời, ra mắt Phượng áo trắng, chị bảo cảm thấy lòng mình như cất được gánh nặng vì những ám ảnh từ bé cứ đeo đẳng suốt những năm sau này. “Nhà văn trẻ” này đã tuyên bố dừng bút từ đây bởi tham vọng của chị không phải muốn trở thành nhà văn mà đơn thuần chỉ muốn kể lại một vài mảnh đời chị đã từng chứng kiến ở những ngày xa xưa ấy cho con cháu nghe, xem để rồi qua đó tự nhận thức đúng đắn về cách sống, bớt đi những tham-sân-si. Dù rằng cuốn tiểu thuyết không có ý nghĩa lịch sử, nhưng nó phản ánh được một giai đoạn chìm nổi của đất nước cùng số phận một con người trải qua quá nửa bách niên. Vương Thị Hoàng lý giải cho cuộc phiêu lưu với văn chương của mình như vậy.
Lan Hương