Hà Nội

Cuộc chiến với 'lưới ma' của người đàn ông có 1.000 ngày dưới đáy biển

01-10-2023 06:44 | Xã hội
google news

SKĐS - 'Lưới ma' như sát thủ nơi đáy biển. Nó giết chết không ít loài sinh vật quý của đại dương. Anh Nguyễn Văn Đức đã bước vào 'cuộc chiến với lưới ma' 20 năm có lẻ.

"Lưới ma" - kẻ reo rắc cái chết nơi đáy biển

Anh Nguyễn Văn Đức (thị trấn Diên Khánh, huyện Diên Khánh, Khánh Hòa) bước chân vào nghề huấn luyện viên lặn biển năm 2002. Đến giữa tháng 9 này, thời gian ở dưới đáy biển của anh Đức khoảng 1.000 ngày.

Anh Đức cùng học trò của mình đã lặn biển trải dài từ Khánh Hòa, Bình Thuận, Ninh Thuận, Phú Yên...

Năm 2003, lần đầu tiên giáp mặt với "lưới ma" ở biển Khánh Hòa đã khiến anh Đức đã có nhiều đêm trằn trọc. Cứ nhắm mắt là hình ảnh những sinh vật đại dương chết thảm vì "lưới ma" lại hiện về.

"Tròn 20 năm trước, khi lặn xuống sát đáy biển, giữa không gian đẹp như tranh vẽ tôi thấy một khối xám chen vào. Khối xám ấy chính là búi "lưới ma" đang quấn chặt lấy mấy chú cá mao tiên, cá hề trong trạng thái thoi thóp. Mấy loài khác thì đã thối rữa do đã chết nhiều ngày trước", anh Đức kể.

Nỗi ám ảnh “lưới ma” của người có 1.000 ngày dưới đáy biển - Ảnh 2.

Anh Nguyễn Văn Đức (bên trái) cùng các học viên của mình chuẩn bị lặn biển truy tìm "lưới ma" (ảnh: NVCC).

Nỗi ám ảnh “lưới ma” của người có 1.000 ngày dưới đáy biển - Ảnh 3.

Nhiều sinh vật quý của biển khó thoát khỏi cái chết nếu dính 'lưới ma'. Ảnh minh hoạ.

Sau lần đầu tiên, trong anh Đức trỗi dậy ý nghĩ mỗi chuyến lặn biển thám hiểm đại dương hay huấn luyện cho các học trò thì cũng đều gắn chặt với công việc truy tìm, thu gom "lưới ma". Từ đó, những tấm "lưới ma" đủ loại liên tục được Nguyễn Văn Đức và các học trò, đồng nghiệp của mình vớt lên.

Anh Đức tâm sự: "Đa số "lưới ma" là những tấm lưới do ngư dân không sử dụng nữa vứt xuống biển. Một số lưới ma thì bung ra từ các lồng bè nuôi trồng thủy sản. Cũng có thể trong quá trình đánh bắt thủy hải sản, do lưới bị vướng vào rạn san hô, không lấy lên được, ngư dân bỏ luôn lại.

"Lưới ma" đã làm cho môi trường biển bị tổn thương nặng nề. Đến vùng biển nào mình cũng chia sẻ với ngư dân về tác hại của "lưới ma". Trong mỗi khóa dạy mình đều lồng ghép những thông điệp về tầm quan trọng của đại dương cho học viên".

Nỗi ám ảnh “lưới ma” của người có 1.000 ngày dưới đáy biển - Ảnh 4.

Một chú cá chết do vướng vào "lưới ma" ở đáy biển (ảnh: NVCC).

Quãng thời gian 20 năm qua, không nhớ nổi đã có bao nhiêu học viên cả Tây lẫn ta được anh Đức huấn luyện thành thạo bơi lặn. Các học viên đó không ít thì nhiều cũng đã trực tiếp cùng Đức tìm và vớt khối lượng lớn "lưới ma" với mong muốn đáy biển sẽ không còn cảnh chết chóc.

Có thể kể ra nhiều cái tên chung niềm đam mê truy lùng "lưới ma" giống anh Nguyễn Văn Đức như: Quý Phạm, Thu Thanh, Matthew, Jeremy, Michael...

Anh Đức bảo rằng: "Trung bình một năm mình dạy lặn biển cho vài trăm người. Vài trăm người này lại lan truyền phong trào vớt "lưới ma" nơi đáy biển cho người khác. Các em cũng học được cách giải cứu các loài cá quý hiếm khi bị "lưới ma" tấn công. Có học viên còn về vận động các xóm chài của mình đừng vứt lưới bừa bãi nữa".

Sung sướng sau nhiều lần được nhặt "lưới ma" nơi đáy biển, chị Nguyễn Dịu (một học viên của Đức) tâm tình: Trong quá trình dạy lặn, anh Đức thấu hiểu hơn ai hết "lưới ma" gây hại cho hệ sinh thái biển thế nào. Từ đó, anh luôn kêu gọi mọi người hãy cố gắng nhặt "lưới ma" mang lên bởi đó là nguồn đe dọa đến sự sống của những rạn san hô và sinh vật biển đáng yêu, vô tội".

Cuộc chiến với 'lưới ma' không ít trắc trở

Sau hàng trăm chuyến lặn biển, Nguyễn Văn Đức rút ra kinh nghiệm là cần thêm những chiếc cào sắt, móc sắt để "trị" những tấm "lưới ma" đã bám dưới đáy biển quá lâu.

Nỗi ám ảnh “lưới ma” của người có 1.000 ngày dưới đáy biển - Ảnh 5.

"Lưới ma" được Nguyễn Văn Đức vớt lên từ đáy biển (ảnh: NVCC).

Ngước nhìn ra phía biển, Nguyễn Văn Đức thảng thốt, lo âu: "Thời tiết cuối tháng 9 như thế này, nếu ngư dân chỉ cần vô tình thải ra các loại lưới hỏng là sẽ bị nước cuốn ra biển thành "lưới ma" ngay. Chính vì thế nên, dù đã nhặt được nhiều nhưng vẫn không thể nào hết được. Loại lưới này, một khi đã bám vào rạn san hô thì lập tức trở thành "nhà" của cá, ốc, sao biển, sên biển, các loài bò sát...Loài vật nào lọt vào những cái "nhà" này đều khó thoát khỏi cái chết.

Hành trình xuống đáy biển nhặt "lưới ma" của Nguyễn Văn Đức cũng có lúc gặp không ít trắc trở. Đó là lúc gặp phải tấm "lưới ma" nặng hàng trăm kilogam, huy động đến 3 người vẫn không thể tải lên khỏi mặt nước.


Lúc này Đức đành quay lên thuyền dưỡng sức sau đó thả chiếc phao nâng thật lớn ra biển, nối một đầu dây vào phao, một đầu dây lặn xuống buộc vào "lưới ma". Sau đó bơi ngược lên thuyền, kéo pháo, ròng "lưới ma" lên.

Nỗi ám ảnh “lưới ma” của người có 1.000 ngày dưới đáy biển - Ảnh 6.

Cá dưới biển chết thối vì vướng phải "lưới ma" (ảnh: NVCC).

Năm tháng cần mẫn cùng bạn bè lặn biển truy tìm "lưới ma", đích thân anh Đức đã giải cứu thành công hàng ngàn sinh vật biển quý. Theo anh Đức, đó là những sinh vật mà nhìn vào người ta cứ nghĩ là tranh vẽ hay chỉ có ở phim ảnh. Sở dĩ, những con vật nay may mắn được cứu vì chúng vừa vướng "lưới ma" trong khoảng thời gian ngắn.

Mong đáy biển sạch bóng 'lưới ma'

Cuối tháng 9 là lúc nhiều vùng biển ở Nam Trung Bộ đang hứng những trận mưa lớn. Điều đó cũng có nghĩa là Nguyễn Văn Đức cùng các học trò của mình không thể xuống đáy đại dương. Các anh chỉ biết cầu mong những ngày bập bùng sóng cả qua đi thật nhanh.

Trải lòng mình, Đức thổ lộ: "Hiện nay, nhiều phương tiện truyền thông và các nhà khoa học đã đưa ra các cảnh báo về "lưới ma". Một số người dân đã thay đổi nhận thức. Tuy nhiên lượng "lưới ma" giảm rất ít. Hầu như tất cả những nơi có người dân làm nghề biển đều có "lưới ma".

Nỗi ám ảnh “lưới ma” của người có 1.000 ngày dưới đáy biển - Ảnh 7.

Nhiều loại sinh vật biển đẹp lung linh có nguy cơ dính lưới ma (ảnh: NVCC)

Cùng với mong muốn tương lai không còn "lưới ma" nơi đáy biển, anh Nguyễn Văn Đức nung nấu ý nghĩ trong những ngày tới sẽ tập hợp lại những tấm hình, thước phim độc đáo nhất, ám ảnh nhất về "lưới ma" và sự sinh tồn dưới đại dương để triển lãm. Hy vọng nó sẽ góp phần bồi đắp thêm tình yêu biển cả và ý thức bảo vệ môi trường sinh thái biển cho người xem.

Anh Nguyễn Văn Đức mong thế giới đại dương độc đáo, đẹp mê hoặc không còn "lưới ma" (video: NVCC).


Hà Đạo
Ý kiến của bạn