Hà Nội

Cuộc chiến tranh giành “miếng bánh” dầu mỏ ở Libya

23-07-2020 15:53 | Quốc tế
google news

SKĐS - “Miếng bánh dầu mỏ” ở Libya chưa bao giờ hết hấp dẫn, nhất là trong bối cảnh quốc gia châu Phi này vẫn chìm trong cuộc nội chiến “bất phân thắng bại”. Nhiều quốc gia đang hướng tầm mắt về Libya những mong giành được một phần của “mỏ vàng đen” này.

Xung đột, bạo lực đeo bám Libya

Mặc dù trữ lượng dầu mỏ ở Libya không lớn, đứng thứ 7 thế giới, nhưng Libya  có những đặc điểm riêng luôn khiến các nước khác phải thèm muốn. Đó là vị trí địa lý thuận lợi, chi phí khai thác dầu rẻ, chất lượng dầu mỏ thuộc hàng top đầu thế giới. Chính vì thế nên khi Libya rơi vào vòng xoáy nội chiến  nhiều nước đã lộ rõ  ham muốn can dự để chia phần.

Xung đột, bạo lực vốn là chuyện “cơm bữa” ở Libya, nhưng từ tháng 4 năm 2019, các cuộc đụng độ bùng phát ngày càng  mạnh mẽ hơn, khi Tướng Haftar bắt đầu chiến dịch quân sự nhằm giành quyền kiểm soát thủ đô Tripoli từ Chính phủ Đoàn kết Dân tộc Libya. Tướng Haftar là người đứng đầu lực lượng Quân đội quốc gia Libya (LNA) kiểm soát thành phố Benghazi và miền Đông Libya. Trong khi ông Fayez al-Sarraj là thủ tướng Chính phủ Đoàn kết Dân tộc Libya (GNA) kiểm soát thủ đô Tripoli và miền Tây Libya.

Sự can dự của các nước ở Libya đang khiến cho tình hình trở nên rối reng hơn

Ở Libya đang tồn tại hai chính quyền song song với sự hậu thuẫn của các lực lượng vũ trang riêng. Chính phủ của ông Fayez al-Sarraj được Liên hợp quốc công nhận từ năm 2015, được các nhóm vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn, trong khi đó, lực lượng LNA nhận được sự ủng hộ của chính quyền miền Đông, Nga, Ai Cập, Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE). ..  Trong khi Nga, Ai Cập một mặt thúc đẩy các nỗ lực đưa các bên trở lại đàm phán, mặt khác, một động thái mới nhất, Ai Cập còn “bật đèn xanh” cho Tổng thống nước này triển khai binh sĩ ở bên ngoài lãnh thổ nhằm bảo vệ an ninh quốc gia, nhưng thực chất là nhắm đến nước láng giềng Libya trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ tăng cường can dự vào tình hình ở Libya. Với sự hậu thuẫn của Thổ Nhĩ Kỳ, GNA đang mở rộng phạm vi kiểm soát ở Libya, đặc biệt là thành phố biển Sirte (đang nằm dưới sự kiểm soát của LNA), bước đi mà Cairo coi là một mối đe dọa lớn đối với an ninh quốc gia.

Theo Phái bộ Gìn giữ hòa bình LHQ tại Libya (UNSMIL), hơn 16.000 người Libya đã phải rời bỏ nhà cửa trong các cuộc đụng độ giữa GNA và LNA.  Việc các quốc gia bên ngoài đưa binh lính và vũ khí đến Libya đã châm ngòi cho các cuộc chiến ủy nhiệm đẫm máu ở quốc gia này, đồng thời phản ánh những chia rẽ và rạn nứt sâu sắc ngay cả trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Mỹ bị “gạt ra ngoài” ở Libya?

Trong khi tình hình Libya rối reng nhất, vào tháng 4/2019 Mỹ quyết định rút quân khỏi Libya, điều này khiến Mỹ bị “loại khỏi cuộc chơi”. Bản thân  Mỹ hiện nay đang phải đối đầu với nhiều vấn đề nội tại của mình  như dịch bệnh, cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng 11 tới, các vấn đề sắc tộc… thì  dường như việc tìm lại tiếng nói ở  Libya của Mỹ không phải là ưu tiên. Trong bối cảnh đó,  Thổ Nhĩ Kỳ đang ra sức kéo Mỹ trở lại với Libya, thì  Nga, Ai Cập  đang muốn tranh thủ  giành lợi thế ở quốc gia Bắc Phi này.

Thổ Nhĩ Kỳ liên tiếp đạt được nhiều bước tiến tại  Libya, nguy cơ đối đầu xung đột giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập ở Libya đang ngày càng lớn dần. Ngay cả khi   Nga đứng ra thúc đẩy các bên tìm giải pháp  đối thoại chính trị tại Libya, song tình hình vẫn không được cải thiện.  Tình hình ở Libya nghiêm trọng đến mức Tổng thống Mỹ Donald Trump lên tiếng yêu cầu các bên “ngay lập tức” phải giảm leo thang căng thẳng, ngừng bắn, ngồi vào bàn đàm phán. Nhưng khi đã “rút chân” khỏi Libya, tiếng nói của Mỹ dường như không còn quá nhiều tác dụng.  Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres đã phải  thốt lên cảnh báo rằng cuộc xung đột ở Libya đã bước vào một giai đoạn mới vô cùng nguy hiểm với kết quả là sự can dự quân sự chưa từng thấy từ nước ngoài. Ông Guterres lưu ý: “Thời gian không đứng về phía chúng ta”.

Theo   giới phân tích, cuộc khủng hoảng ở Libya sẽ khó có hồi kết khi tiếp tục có sự can dự của các cường quốc, giữa các bên ủng hộ các phe đối địch tại Libya. Sự can thiệp của các thế lực bên ngoài chỉ làm cho tình hình ở Libya thêm phức tạp và rối ren hơn…


Hải Yến
Ý kiến của bạn