Mới đây nhất, Mỹ và Trung Quốc lại tiếp tục hai đợt áp thuế chỉ trong vòng một tháng rưỡi, bất chấp cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc vừa được nối lại tại Washington, cho thấy hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang bị cuốn vào một vòng xoáy chưa có điểm dừng, mà tâm điểm của nó là cuộc chiến thương mại tổng lực.
Trước hết, phải nói rằng động thái mới của Mỹ và Trung Quốc từ ngày 23/8 áp đặt mức thuế 25% đối với hàng hóa nhập khẩu trị giá 16 tỷ USD của mỗi bên đang "phủ bóng đen" lên cuộc đàm phán thương mại vừa bắt đầu trước đó 1 ngày. Đây là lần đầu tiên Mỹ và Trung Quốc nối lại đàm phán kể từ khi nổ ra cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung hồi đầu tháng 7 vừa qua. Chính vì thế, quyết định tiếp tục kế hoạch áp thuế này được xem là cách để Mỹ gây sức ép tối đa đối với Trung Quốc trên bàn đàm phán.
Rõ ràng Tổng thống Mỹ Donald Trump đã và đang thực thi chính sách cứng rắn trong thương mại với Trung Quốc, hoặc cũng có thể nói rằng Mỹ đang áp dụng chính sách "cây gậy và củ cà rốt" nhằm vào Trung Quốc một cách triệt để. Điều này không nằm ngoài dự đoán khi Tổng thống Trump từng yêu cầu Trung Quốc nhượng bộ nhiều hơn trên bàn đàm phán, còn giới phân tích cảnh báo Trung Quốc "không nên xem nhẹ quyết tâm của Tổng thống Donald Trump" trong vấn đề thương mại.
Đối đầu thương mại Mỹ-Trung sẽ làm cả hai bên cùng thiệt hại
Tất nhiên, là những người trong cuộc, Mỹ và Trung Quốc hiểu rõ hậu quả của quyết định mà họ đưa ra. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Donald Donald Trump vẫn chọn biện pháp làm gia tăng căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Hơn 1 tháng sau khi cuộc chiến thương mại nổ ra, trong bối cảnh các biện pháp “ăn miếng trả miếng” liên tục được đưa ra, thì câu hỏi: Mỹ hay Trung Quốc, ai sẽ chịu thiệt hơn ai trong cuộc đọ sức này? lại được đặt ra.
Đồng nội tệ nhiều nước châu Á đã mất giá so với đồng USD, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Hàn Quốc, Canada hay Mexico, những nước phụ thuộc vào quan hệ đối tác thương mại với Trung Quốc và Mỹ, đều được dự báo sẽ giảm.
Trong bối cảnh đó, việc Tổng thống Trump tiếp tục đẩy căng thẳng thương mại với Trung Quốc leo thang phần nào phản ánh chính sách của Washington luôn xác định Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh, mà kinh tế chỉ là một mặt trận. Cựu Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Hà Á Phi thì cho rằng cuộc chiến thương mại Trung - Mỹ chỉ là một mô hình thu nhỏ của "ván bài chiến lược" lớn hơn giữa hai nước, nói cách khác, thực chất chỉ là một góc của "tảng băng" cạnh tranh chiến lược giữa hai nước. Bởi vậy, chính sách cứng rắn của Tổng thống Trump đối với vấn đề thương mại với Trung Quốc, không đơn thuần chỉ là sự bất bình vì mức thâm hụt thương mại hơn 24 tỷ USD với Bắc Kinh, hay vì hàng hóa Trung Quốc xuất sang Mỹ gấp 4 lần khối lượng hàng nhập khẩu.
Lý do thực sự
Có nhiều lý do để Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết tâm theo đuổi các nỗ lực cứng rắn với Bắc Kinh. Thứ nhất, sau cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử giữa Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Châng-Un tại Singapore vào ngày 12/6 vừa qua, dường như vai trò trung gian của Bắc Kinh trong vấn đề Triều Tiên đã không còn nhiều sức nặng như trước. Thứ hai, việc Tổng thống Trump áp thuế đối với hàng hóa Trung Quốc được xem là một phương thức xoa dịu những mâu thuẫn nội bộ khi có nhiều chỉ trích cho rằng Mỹ đã quá nhượng bộ với những đối thủ như Trung Quốc, trong khi lại “mạnh tay” với các đồng minh chủ chốt trong đó có Liên minh châu Âu (EU). Nếu “ra đòn” với Trung Quốc ở thời điểm này cùng với việc phê chuẩn Luật Ngân sách Quốc phòng 2019, một điều Luật mới nhắm chủ yếu vào Trung Quốc, chắc chắn ông Donald Trump sẽ giành được nhiều lợi thế cho đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của Mỹ vào giữa tháng 11 tới.
Một nguyên nhân sâu xa hơn, đó là Washington đang ngày càng cảm nhận rõ “tham vọng" của Trung Quốc,đe dọa tới vị thế của Mỹ trước mắt và lâu dài.
Một câu hỏi lớn lúc này là thái độ giận dữ giữa Mỹ và Trung Quốc có thể đẩy mọi việc tới đâu? Một điều chắc chắn, khi Trung Quốc và Mỹ chưa thống nhất được một lập trường chung, không ai có thể chắc chắn cuộc chiến thương mại giữa hai nước sẽ đi tới đâu cũng như sẽ kéo dài trong bao lâu.
Câu hỏi hiện nay, ai sẽ thiệt hơn ai trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung?
Thực tế cho thấy nếu Mỹ ra tay quá mạnh với Trung Quốc, hậu quả sẽ là cả “hai bên cùng thua” do hai nền kinh tế Mỹ-Trung phụ thuộc lẫn nhau. Vì vậy, dù cứng rắn, Mỹ cũng phải cân nhắc nếu muốn phát động một cuộc chiến tổng lực về thương mại nhằm vào Trung Quốc. Hơn nữa, lịch sử cho thấy đối đầu thương mại Mỹ - Trung, dù do bên nào khơi mào, thì Mỹ và Trung Quốc đều muốn để lại “một không gian để thỏa hiệp, tránh tình trạng già néo đứt dây” gây thiệt hại nặng nề cho cả hai bên.
Ở một góc nhìn khác, cũng có quan điểm cho rằng Trung Quốc có thể sẽ phải chịu nhiều tổn thất nặng nề hơn Mỹ, xét về “trung hạn”. Bình luận về cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, tờ Thế giới (Pháp) nhận định “Trung Quốc đang bị kẹp giữa hai gọng kìm”. Đó là bởi một mặt, Trung Quốc không thể im lặng trước những lời đe dọa tăng thuế tới 200 tỉ USD hàng hóa của Tổng thống Trump. Nhưng liệu Trung Quốc có thể đua với Mỹ trong cuộc chạy đua gia tăng trừng phạt hàng hóa nhập khẩu hay không? lại là một câu hỏi khác. Tớ bào Pháp phân tích: hiện Trung Quốc chỉ nhập khẩu có 130 tỉ USD hàng hóa Mỹ hàng năm, trong khi Mỹ nhập đến 550 tỉ USD hàng Trung Quốc. Con số chênh lệnh rất lớn này buộc Trung Quốc phản ứng rất chừng mực, nếu không muốn bị thua thiệt hơn.