Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và thế giới đã bắt đầu

06-03-2018 15:34 | Quốc tế
google news

SKĐS - Kịch bản một cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và các đối tác kinh tế lớn đang ngấp nghé khi mà tuần qua, Tổng thống Mỹ Donald Trumpcông bố kế hoạch tăng mức thuế đối với thép và nhôm nhập khẩu từ tất cả các đối tác thương mại từ tuần này, mà trước tiên là với các sản phẩm của Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU). Và gần như ngay lập tức, các đối tác thương mại của Mỹ đã lên tiếng khẳng định sẽ đáp trả với các hành động tương tự.

Thương mại thế giới đang đứng trước ‘ngưỡng’ nguy hiểm. Khi mà thay vì đàm phán để đạt được điểm thỏa hiệp với nhau và tìm ra giải pháp, các nền kinh tế lại lựa chọn đối đầu để ngăn chặn việc thâm hụt thương mại, giành lại lợi thế cho mình. Và động thái áp thuế với mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu của Mỹ - nền kinh tế lớn nhất thế giới chính là hồi chuông khai hỏa cho cuộc chiến không có bên nào thắng này. Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 1/3 cho biết Mỹ sẽ thông qua mức thuế quan mới đối với 2 mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu vào tuần này. Việc áp mức thuế nhập khẩu mới đối với 2 mặt hàng kim loại này, 25% đối với sản phẩm thép và 10% đối với nhôm, được cho là một bước đi mới trong nỗ lực thúc đẩy chính sách bảo hộ của Tổng thống Trump. Trên trang cá nhân Twitter, Tổng thống Trump khẳng định, ngành công nghiệp thép và nhôm của Mỹ từ nhiều năm nay chịu thiệt hại nặng nề do có những chính sách thương mại “tồi” và “không công bằng” với các nước khác trên thế giới. Theo các nhà phân tích, không chỉ nhắm vào Trung Quốc, quyết định của Mỹ còn tác động lớn tới những nước được xem là các đồng minh truyền thống, như Canada, Liên minh châu Âu, Brazil và Hàn Quốc.

Liên minh châu Âu đã ngay lập tức cảnh báo sẽ có biện pháp đáp trả “mạnh mẽ và tương xứng” nhằm bảo vệ những lợi ích của mình. Những sản phẩm đầu tiên của Mỹ đang nằm trong tầm ngắm là rượu Whisky, xe mô-tô Harley Davidson và thương hiệu quần jean nổi tiếng Levi’s. Theo Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean Claude Juncker, EU không thể khoan tay đứng nhìn khi lĩnh vực công nghiệp và việc làm của châu Âu bị đa dọa. Trong khi đó, Bộ trưởng Kinh tế Pháp Bruno Le Maire cảnh báo, một cuộc chiến thương mại sẽ chỉ có những kẻ thua. “Những biện pháp đơn phương này là không thể chấp nhận, sẽ gây ảnh hưởng tới nền kinh tế châu Âu và các công ty Pháp như Vallourec, Arcelor và Ugitech. Một cuộc chiến thương mại giữa châu Âu và Mỹ sẽ chỉ có những kẻ thua. Mỹ nên biết rằng, các quyết định đơn phương này một khi được xác nhận, thì sẽ gây ra một phản ứng mạnh mẽ, đồng bộ và đoàn kết từ Liên minh châu Âu. Mọi lựa chọn đều nằm trên bàn, có thể là một khiếu nại lên Tổ chức Thương mại thế giới hoặc cũng có thể là những biện pháp phù hợp và tương xứng để hạn chế nhập khẩu của Mỹ ở châu Âu.”


Tại Canada, đối tác thương mại hàng đầu của Mỹ, Bộ trưởng Thương mại quốc tế nước này Francois-Phillipe Champagne cảnh báo, kịch bản Mỹ áp bất kỳ loại thuế hải quan nào đều là không thể chấp nhận. Còn Trung Quốc, nước xuất khẩu thép hàng đầu thế giới kêu gọi Mỹ “kiềm chế sử dụng những biện pháp bảo hộ”. Hãng chế tạo ô-tô hàng đầu Nhật Bản Toyota không loại trừ khả năng tăng giá ôtô bán tại Mỹ, nếu không thể nhập khẩu thép giá rẻ. Như vậy, Mỹ vẫn đang tiếp tục thực hiện lịch trình ‘mạnh tay’ với mất cân bằng cán cân thương mại của mình. Đầu năm nay, Chính quyền Tổng thống Donald Trump cũng đã áp mức thuế quan mới đối với các tấm pin năng lượng mặt trời và máy giặt nhập khẩu vào Mỹ. Động thái này được cho là phù hợp với chính sách thương mại "Nước Mỹ trước tiên" của ông Trump với mục đích bảo vệ các nhà sản xuất trong nước khỏi sự cạnh tranh quyết liệt từ nước ngoài.

Lẽ tất yếu?

Bất đồng và tranh chấp về thương mại dường như là một phần không thể tách rời của thế giới hiện đại. Toàn cầu hóa, tự do hóa thương mại và một thế giới đa liên kết thúc đẩy giao lưu trao đổi thương mại và đầu tư trên toàn thế giới với tốc độ chưa từng có. Nhưng đồng thời nó ràng buộc các quốc gia vào nhau, tạo ra những vòng xoáy, khiến các nền kinh tế có thể bị tổn hại ở mặt này hay mặt khác. Vấn đề là các quốc gia lựa chọn giải pháp nào cho sự mất cân bằng này.

Tờ New York Times tuần trước cảnh báo nguy cơ nổi lên một làn sóng phản đối hàng xuất khẩu của Mỹ đồng thời thổi bùng một cuộc chiến thương mại. Hiệp hội Sắt thép Trung Quốc cho rằng "quyết định của Tổng thống Trump không có lợi cho ai cả". Canada, Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) đều đã nói rằng họ sẽ áp đặt những mức thuế quan có thể khiến các nhà xuất khẩu Mỹ thiệt hại hàng tỷ USD. EU đã lên một kế hoạch chi tiết gồm 3 bước có thể gây tổn thất cho Mỹ tới 3,5 tỷ USD - tương đương với những ước tính thiệt hại của liên minh do các điều chỉnh chính sách thuế của chính quyền Tổng thống Donald Trump. EU đề xuất đánh thuế hàng xuất khẩu của Mỹ gồm rượu ngô, quần bò, gạo, nước cam và xe máy. EU sau đó có thể hành động để bảo vệ những thị trường kim loại của mình trước làn sóng hàng nhập khẩu tăng vọt, và kiện Mỹ lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Sự ràng buộc về thương mại khiến bất cứ hành động trả đũa nào cũng tạo ra hiệu ứng dây chuyền.

Bài toán nước Mỹ sẽ thiệt hại gì nếu trừng phạt các đối tác của mình sẽ còn được nhắc tới nhiều. Tờ Washington Post cho rằng : "Chiến tranh thương mại với Trung Quốc là ngọn lửa sẽ thiêu cháy tổng thống Donald Trump và cả nước Mỹ". Điều này không phải không có lý khi mà trong 10 năm qua, hàng hóa và dịch vụ xuất xứ từ Trung Quốc cung cấp cho thị trường Mỹ đều tăng hàng chục %. Hàng hóa Trung Quốc hiện diện tại mọi ngóc ngách trong đời sống của người dân Mỹ. Dễ nhận thấy nhất là các tập đoàn bán lẻ như Walmart, Costco, những doanh nghiệp nhập khẩu hàng tỷ USD hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc, sẽ là những nạn nhân đầu tiên của chiến tranh thương mại. Giá nhiều mặt hàng tiêu dùng sẽ nhanh chóng tăng vọt vượt quá khả năng chi tiêu của các tầng lớp dưới trong xã hội Mỹ, không phải bởi chi phí sản xuất tăng, mà bởi thuế và các rào cản phi thuế quan, khởi đầu của một thời kỳ suy thoái kinh tế mới. Khi đó, rõ ràng nước Mỹ rơi vào hoàn cảnh ‘gậy ông đập lưng ông’.


Minh Thiết
Ý kiến của bạn