Hà Nội

Cuộc chiến pháp lý đang gọi tên Iran

31-08-2018 07:24 | Quốc tế
google news

SKĐS - Iran vừa bước vào một cuộc chiến pháp lý với đối thủ có tiềm lực kinh tế mạnh nhất thế giới là Mỹ. Quốc gia Trung Đông nhỏ bé này đã đưa Mỹ ra tòa án lớn nhất thế giới của Liên hợp quốc - Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) tại La Haye (Hà Lan).

Iran đã đệ đơn kiện Mỹ về việc nối lại các biện pháp trừng phạt đã làm hủy hoại nền kinh tế Iran, vi phạm hiệp ước hữu nghị mà hai nước ký kết năm 1955. Phiên tòa bắt đầu từ ngày 27/8 và sẽ kéo dài suốt 4 ngày để hai bên tranh tụng. Nhưng các nhà quan sát dự đoán, tranh cãi pháp lý giữa Mỹ và Iran có thể phải kéo dài hàng tháng để tòa quyết định có ra phán quyết về đề nghị của Iran hay không. Để đi đến phán quyết cuối cùng cho vụ kiện này có thể mất tới vài năm.

Các biện pháp trừng phạt của Mỹ  là “một cuộc xâm lược về kinh tế”

Hồi tháng 7, Iran đã đệ đơn lên Tòa án Công lý quốc tế, yêu cầu ICJ ra lệnh dỡ bỏ các trừng phạt của Mỹ, đồng thời tuyên bố Washington không có quyền tái áp đặt các biện pháp này và yêu cầu được đền bù thiệt hại. Bên cạnh đó, hành động khôi phục lại các lệnh trừng phạt đã bị dỡ bỏ năm 2015 đã vi phạm Hiệp ước về quan hệ thân thiện và kinh tế (TAER) mà Iran và Mỹ đã ký kết năm 1955.

Căng thẳng không có điểm dừng, Iran đệ đơn kiện Mỹ ra tòa.

Căng thẳng không có điểm dừng, Iran đệ đơn kiện Mỹ ra tòa.

Dư luận đang đặt câu  hỏi, những thiệt hại mà Iran đang hứng chịu là gì, hậu quả của nó ra sao mà khiến nước này phải kéo Mỹ ra tòa? Thực tế là trong những năm qua, Iran đã phải vật lộn với tỷ lệ lạm phát và thất nghiệp cao trong nhiều năm qua, dù sau đó có sự cải thiện nhẹ sau thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Tuy nhiên, kể từ khi Mỹ tuyên bố rút khỏi Thỏa thuận giữa Tehran và nhóm P5 1, tái áp đặt các biện pháp trừng phạt với Iran thì nền kinh tế Iran bị chìm trong khủng hoảng. Các nhà đầu tư rời bỏ thị trường Iran, lạm phát tăng cao, đồng tiền Iran mất giá thê thảm, chỉ trong vòng  một năm qua, đồng rial bị mất tới 70% giá trị...

Luật sư đại diện của Iran tại ICJ, ông Mohebi cho biết, chính sách trừng phạt của Mỹ không có gì ngoài một cuộc “xâm lược về kinh tế” chống lại Iran và cảnh báo rằng các biện pháp trừng phạt có thể làm căng thẳng ở khu vực dâng cao. Tình hình kinh tế ảm đạm đã làm bùng nổ các cuộc biểu tình tại Iran từ tháng 12/2017, lan rộng ra 80 thành phố, thị trấn và khiến hàng chục người thiệt mạng.

Theo lệnh trừng phạt có hiệu lực hồi đầu tháng 8, tất cả các giao dịch liên quan tới Iran bao gồm USD, vàng, kim loại quý, aluminium, máy bay, thép và than đều bị cấm. Để đối phó với lệnh trừng phạt từ Mỹ, Iran đã cấm nhập khẩu hàng nghìn mặt hàng để tiết kiệm ngoại tệ, thậm chí Chính phủ phải lên tiếng trấn an người dân rằng sẽ đảm bảo đủ thuốc men và thực phẩm cho người dân. Trong khi đó người dân Iran đổ xô đi mua vàng tích trữ vì sợ đồng tiền mất giá, họ muốn bảo vệ tài sản của mình.

Như vậy, nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu dầu như Iran giờ đây sẽ không thể bán dầu để thu về USD hay vàng, điều này sẽ đẩy Iran vào thế khó bởi họ chỉ còn con đường duy nhất là đổi dầu lấy hàng hóa. Trong khi đó, hàng loạt các tên tuổi lớn của các ngành công nghiệp đã và đang rời bỏ Iran như Renault, Total của Pháp, Siemens của Đức hay các hãng hàng không Air France, British Airways đã thông báo ngưng chuyến bay đến Iran. Nền kinh tế Iran dần bị bóp nghẹt và trong một phản kháng yếu ớt, Iran đã quyết định đưa Mỹ ra tòa.

Cuộc chiến pháp lý tại LHQ và lựa chọn của Iran

Tại phiên tòa, các luật sư đại diện cho Iran cho rằng, các biện pháp trừng phạt mà Mỹ đang từng bước áp đặt vi phạm Hiệp ước ký năm 1955 với Iran và biện pháp này mang tính chính trị, Mỹ không có quyền khôi phục. Mạnh tay hơn, Iran còn yêu cầu ICJ ra phán quyết Mỹ phải bồi thường những thiệt hại mà Iran đang nhận.

Về phần mình, các luật sư của Mỹ cho biết, Hiệp ước quan hệ thân thiện giữa hai nước ký năm 1955 không còn giá trị khi mà hai nước luôn ở thế đối đầu suốt hàng chục năm qua. Các biện pháp Mỹ đang áp dụng là để trả đũa cho việc Iran đã dung túng cho các hoạt động liên quan đến khủng bố. Ngoài ra, Mỹ cho biết, ICJ không có vai trò trong việc giải quyết vấn đề này, giống như vụ kiện của Iran với Mỹ 2 năm trước.

Trong vụ kiện này, Iran không phải hoàn toàn không có lợi thế, nhất là khi “cây gậy” trừng phạt của Mỹ đang được giương đi khắp nơi. Các luật sư quốc tế cho biết, các quốc gia đồng cảnh ngộ với Iran chắc chắn sẽ đang theo dõi phiên tòa này và lấy nó như một bài học cho mình về đối phó với Mỹ.

Theo đánh giá của các nhà kinh tế, đợt trừng phạt đầu tháng 8 chưa ảnh hưởng nặng nề tới Iran, nhưng biện pháp trừng phạt có hiệu lực vào tháng 11 tới chắc chắn sẽ là cú đánh khiến nền kinh tế đang ở tình trạng  “chết lâm sàng”  sẽ gục ngã thực sự, bởi nó đánh thẳng vào xương sống của kinh tế Iran là dầu khí. Mỹ sẽ cấm các nước giao dịch, mua bán dầu khí với Iran. Cuộc chiến pháp lý chính là “khe cửa hẹp” cuối cùng để Iran “cứu” nền kinh tế mình thoát khỏi vũng lầy suy thoái.


Hải Yến
Ý kiến của bạn
Tags: