Khi những tấm ảnh nóng của Á hậu 1 Huyền My được tung lên mạng, ban tổ chức cuộc thi yêu cầu cô phải giải trình thì việc Huyền My không chạm đến vương miện Hoa hậu là có lý.
Dư luận ồn ào những ngày qua cũng vì không thấy thỏa mãn về nhan sắc của Hoa hậu Việt Nam 2014 khi so sánh với Á hậu 1 Huyền My. Nhưng nếu ngôi vị hoa hậu thuộc về Huyền My thì dư luận sẽ còn bùng nổ hơn khi những tấm ảnh nóng được cho là của cô tràn ngập các trang mạng ngay sau đêm chung kết (6-12). Sự cân nhắc của ban tổ chức về ngôi vị hoa hậu xem ra là hoàn toàn có cơ sở.
“Chim sợ cành cong”
Khi các người đẹp quyết định tham gia đấu trường sắc đẹp, đi theo họ là cả một đội ngũ hỗ trợ làm đẹp, hỗ trợ truyền thông, kể cả người hỗ trợ kinh phí, dưới danh nghĩa mạnh thường quân, nếu gia cảnh không thuộc hàng giàu có. Thường một chiếc áo dài, trang phục dạ hội của các thí sinh mặc trình diễn trong các cuộc thi hoa hậu tầm cỡ quốc gia có giá lên đến vài trăm triệu đồng, thậm chí vài tỉ đồng. Những chi phí tốn kém này nếu không có nhà đầu tư thì các thí sinh không lo nổi.
Khi đầu tư tiền tỉ, chắc chắn nhà đầu tư phải nhắm đến mục đích thu lợi nên bằng mọi giá, họ phải tìm cách giành chiến thắng về cho thí sinh của mình. Đây là nguyên nhân châm ngòi cho cuộc chiến hậu trường. Đơn thư tố cáo lẫn nhau tới tấp gửi đến ban tổ chức và phát biểu bóng gió trên các phương tiện truyền thông.
Ban tổ chức các cuộc thi sắc đẹp trên thế giới cũng như Việt Nam nhiều lần ngậm đắng nuốt cay khi hoa hậu dính xì-căng-đan bê bối ngay sau đó. Ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Việt Nam cũng từng đau đầu với chuyện học vấn của Thùy Dung - Hoa hậu Việt Nam 2008 và cả những lùm xùm về bằng cấp liên thông ĐH của Hoa hậu Việt Nam 2012 Đặng Thu Thảo. Chính vì vậy, những thông tin hư hư thực thực ít nhiều khiến ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2014 phải thận trọng. Có những thông tin không rõ ràng đưa ra nhằm mục đích hạ uy tín đối thủ nhưng có những thông tin kèm theo lời đe dọa hẳn hoi rằng nếu cô ấy đoạt danh hiệu hoa hậu thì những bức ảnh “đen” của cô ấy sẽ tràn ngập mạng. Ban Tổ chức Hoa hậu Việt Nam 2012 đã phải đắng cay loại thí sinh Vương Thu Phương ngay trước đêm thi chung kết năm đó vì hình ảnh kết hôn của cô được tung ra tràn ngập mạng, sau những lời cảnh cáo của kẻ giấu mặt trước đó.
An toàn vì mới mẻ
Nhìn vào 5 gương mặt xuất sắc nhất được chọn ở phần thi ứng xử, 99% người dự đoán đều cho rằng Nguyễn Trần Huyền My sẽ lên ngôi hoa hậu vì cô nổi trội về nhan sắc so với 4 ứng viên còn lại. Đó là chưa kể nếu hoa hậu Việt Nam đại diện cho nhan sắc Việt thi đấu ở những đấu trường nhan sắc quốc tế thì rõ ràng Huyền My có triển vọng hơn bởi kỹ năng trình diễn cũng như trải nghiệm của cô. Nhưng chính những điều đó có khi trở thành vật cản của Huyền My trên con đường đến với vương miện hoa hậu. Thành tựu Tốp 5 siêu mẫu châu Á khiến cho Huyền My không trở thành lựa chọn ưu tiên của ban giám khảo vì “cũ”, kể cả thành tích đang theo học chuyên ngành thiết kế tại Học viện Thời trang London với quyết tâm trở thành một nhà thiết kế đã không thể “cứu” cô gái có nhan sắc nổi bật này.
Trong khi đó, Nguyễn Cao Kỳ Duyên là một gương mặt mới toanh. Thậm chí, khi bước chân vào cuộc đua vươn tới danh vị Hoa hậu Việt Nam 2014, cô gái 18 tuổi đến từ Nam Định này mới “làm quen” với giày cao gót. Hơn hết, đây là một cô gái có thành tích học tập tốt trong suốt 12 năm phổ thông, thi đậu vào Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội, lý lịch sạch sẽ, thậm chí chuẩn mực. “Kỳ Duyên cũng là một trong ít thí sinh không “dính” vào những lùm xùm đơn thư tố cáo vì cô ấy còn quá mới” - một thành viên ban tổ chức tiết lộ.
Điều này hoàn toàn dễ hiểu khi tiêu chí của cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2014 liên tục nhắc đi nhắc lại là “nhan sắc phải song hành cùng trí tuệ, tâm hồn”. Phần thi ứng xử của 5 ứng viên hoa hậu đều đã được ban tổ chức hướng dẫn phần trả lời trong một buổi hội thảo do ban tổ chức cuộc thi tổ chức, thế nên dù phần trả lời của Kỳ Duyên rất giống “trả bài” thì điều đó cũng không ảnh hưởng nhiều đến kết quả cuộc thi. Bởi thường thì ứng viên hoa hậu đã được chấm trước đó, thông qua các hoạt động của các thí sinh trong suốt hành trình diễn ra cuộc thi, nếu không có sự cố quá lớn diễn ra vào giờ chót.
Trong buổi họp báo sau đêm chung kết, trưởng ban giám khảo cuộc thi, nhà thơ Lê Cảnh Nhạc, khẳng định Nguyễn Cao Kỳ Duyên đăng quang ngôi vị hoa hậu hoàn toàn xứng đáng. Ông lý giải: “Việc chấm điểm các thí sinh diễn ra rất chặt chẽ từ vòng đầu đến tận đêm cuối cuộc thi. Điểm số dành cho từng thí sinh là tổng điểm các vòng chấm, trong đó quan trọng là các vòng chấm trực diện, các giải phụ và những gì mà thí sinh thể hiện trong đêm chung kết. Khán giả chỉ nhận biết được thí sinh qua ánh đèn sân khấu, còn ban giám khảo tiếp xúc với thí sinh trong quá trình dài từ sơ khảo đến chung khảo. Chúng tôi xin khẳng định kết quả cuối cùng là hoàn toàn xứng đáng và khách quan”.
Ở bất kỳ cuộc thi nào, sự mới mẻ luôn có giá trị làm tăng mức hấp dẫn cho các cuộc đua. “Nhan sắc có xấu chút thì sau đăng quang, công nghệ mài giũa sẽ làm họ đẹp hơn nhưng dính đến những xì-căng-đan là khó gột rửa” - không ít người biết chuyện đã bình luận.
Truyền thông cũng góp phần
Ngoài những cuộc thi phụ như Người đẹp biển, Người đẹp tài năng..., những hoạt động khác nằm trong khuôn khổ cuộc thi chỉ có ban tổ chức và thí sinh tham dự vì đã có bộ phận truyền thông của ban tổ chức “rót” thông tin. Phóng viên nếu muốn tiếp cận trực diện với thí sinh thì càng khó bởi khoảng cách từ địa điểm tập trung của giới truyền thông với thí sinh cách nhau 30 km với khoảng thời gian di chuyển 40 phút. Thế nhưng, trên các trang mạng đầy ắp hình ảnh bài viết liên quan đến thí sinh cuộc thi. Những lời bình luận ác ý cho thí sinh này, những lời tán dương cho thí sinh kia, thậm chí có những bài báo dự đoán chắc nịch tốp 3 hoa hậu khiến cho cuộc chiến chốn hậu trường càng khốc liệt hơn.