“Cuộc chiến” giữa Australia với Facebook: Vẫn âm ỉ mâu thuẫn về bản quyền thông tin

22-02-2021 14:33 | Quốc tế
google news

SKĐS - Cuộc chiến giữa “người khổng lồ công nghệ” Facebook và Chính phủ Australia đã “hạ nhiệt” khi Facebook đồng ý ngồi vào bàn đàm phán với Australia.

Tuy nhiên, đây chắc chắn không phải là cuộc chiến cuối cùng giữa các hãng công nghệ với chính phủ các quốc gia... về chia sẻ thông tin.

Cuộc chiến chia sẻ bản quyền thông tin

Sự việc bắt nguồn từ việc Australia công bố Bộ Quy tắc thương lượng truyền thông đã được Hạ viện Australia thông qua, dự kiến nó sẽ trở thành luật vào cuối tuần này. Theo đó, yêu cầu các hãng công nghệ hàng đầu thế giới như Google, Facebook chia sẻ lợi nhuận cho các cơ quan truyền thông Australia khi tin tức được chia sẻ trên các nền tảng công nghệ này. Đáp lại, Facebook phản ứng khá cứng rắn khi dừng mọi hoạt động chia sẻ tin tức của Australia trên Facebook ngay từ ngày 17/2. Động thái đã khiến 17 triệu người dùng ở Australia không thể xem hay chia sẻ tin tức từ các tờ báo trong nước lên mạng xã hội. 

Facebook đã có phản ứng khá cứng rắn với Australia.

Facebook đã có phản ứng khá cứng rắn với Australia.

Quyết định của Công ty công nghệ Facebook  đã bị các chính trị gia và người dùng mạng xã hội chỉ trích, đặc biệt là ngay các trang Facebook quan trọng của chính phủ, liên quan đến sức khỏe cộng đồng, dịch vụ công ích, xã hội như các dịch vụ khẩn cấp ở Australia, các trang thông tin về dịch COVID-19, cháy rừng, lốc xoáy, cứu hỏa, y tế, bạo lực gia đình... cũng bị liên lụy và bị xóa nội dung thông tin. Thủ tướng Australia Scott Morrison đã gọi động thái của Facebook là không tốt, thể hiện sự kiêu ngạo và Australia sẽ không bị “đe dọa” bởi sự bắt nạt của nền tảng truyền thông xã hội này. Bộ trưởng Truyền thông Australia Paul Fletcher cho rằng, khi Google và Facebook hoạt động và kinh doanh tại Australia, họ cần tuân thủ luật pháp do Quốc hội Australia đưa ra. Ngay sau đó, Facebook đã hạ nhiệt căng thẳng khi tuyên bố trở lại bàn đàm phán với Chính phủ Australia hôm 20/2.

So với Facebook, khi biết tin Chính phủ Australia yêu cầu các công ty internet trả tiền cho các nhà  sản xuất nội dung, Google đã không có hành động tương tự. Dù trước đó, ngày 22/1, Google đe dọa sẽ chặn công cụ tìm kiếm này ở Australia, nhưng chỉ 1 tháng sau, “gã khổng lồ” Google công bố đạt thỏa thuận trả tiền cho các nhà sản xuất tin tức tại Australia. 

Hệ lụy từ trong ra ngoài

Ngoài các hãng truyền thông  ở Australia bị ảnh hưởng trực tiếp bởi hành động của Facebook còn có những trang không liên quan tới truyền thông đại chúng cũng bị “ngắt kết nối”. Đơn cử như hàng trăm tổ chức từ thiện, tổ chức công ích và cơ quan chính phủ đã bị xóa nội dung thông tin trên Facebook chỉ sau 1 ngày. Theo cơ quan truyền thông Australia, Facebook có thể sẽ phải đối mặt với các đơn kiện tập thể, thậm chí bị truy tố vì hành động này. Ông Allan Fels, Chủ tịch Tổ chức Báo chí vì Lợi ích Công và cựu Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh và Người tiêu dùng Australia (ACCCC) cho rằng Facebook có hành động “không đẹp” khi hạn chế truy cập vào các nguồn thông tin của chính phủ như thời tiết, y tế hay phòng chống cháy rừng, những nội dung không phải là tin tức hay nội dung được xác định trong Bộ Quy tắc.

Mặc dù Facebook tuyên bố, chia sẻ tin tức chỉ chiếm chưa đến 4% nội dung người xem trên nguồn cấp dữ liệu tin tức của họ và lợi nhuận kinh doanh từ tin tức là rất ít. Nhưng hành động không đẹp vừa qua của Facebook đã làm dấy lên làn sóng bất bình của người dùng mạng ở Australia. Họ kêu gọi từ bỏ hoặc tẩy chay Facebook. Họ gọi hành động này không khác gì hành vi bắt nạt, được thiết kế để trừng phạt người dùng ở Australia. Trong khi đó, một tập đoàn tin tức nổi tiếng tại Australia là ABCnews cho biết, sau động thái của Facebook, ứng dụng tin tức của họ đã leo lên top đầu  trên bảng app store của Australia, thậm chí vượt qua cả ứng dụng của Facebook.

Trước diễn biến của cuộc chiến giữa Australia và Facebook, “xứ sở chuột túi” đã nhận được sự ủng hộ của nhiều quốc gia trên thế giới như Canada, Anh, Ấn Độ, Pháp, Mỹ, Liên minh châu Âu... Bộ trưởng Di sản Canada Steven Guilbeault cho biết nước này cũng sẽ đưa ra quy định mới, buộc những “người khổng lồ” công nghệ phải trả phí cho những tin tức xuất hiện trên nền tảng của họ. Chủ tịch Microsoft Brad Smith kêu gọi các nhà lập pháp Mỹ soạn thảo dự luật tương tự đề xuất của Australia... Mọi con mắt đang đổ dồn vào diễn biến tiếp theo ở Autralia bởi đây có thể là phép thử giúp các quốc gia trên thế giới - những nơi đang theo đuổi một dự luật tương tự - có thể học hỏi Australia.     


Trần Hải
Ý kiến của bạn