Cuộc chiến chống thực phẩm bẩn:"Những việc cần làm ngay"

30-05-2016 14:15 | Phòng mạch online
google news

SKĐS - Thực phẩm “bẩn” đang trở thành vấn nạn bức xúc trong xã hội, tại buổi tọa đàm trực tuyến do Cổng thông tin điện tử Chính phủ thực hiện với chủ đề “Chống thực phẩm bẩn - Cuộc chiến bắt đầu từ cơ sở”...

Thực phẩm “bẩn” đang trở thành vấn nạn bức xúc trong xã hội, tại buổi tọa đàm trực tuyến do Cổng thông tin điện tử Chính phủ thực hiện với chủ đề “Chống thực phẩm bẩn - Cuộc chiến bắt đầu từ cơ sở”, đại diện các nhà quản lý đã giải đáp phần nào những thắc mắc cũng như mong muốn của người dân trong việc tìm lại niềm tin đối với mỗi bữa ăn. Báo SK&ĐS lược ghi ý kiến của các chuyên gia tại buổi tọa đàm này.

Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản, Bộ NN&PTNT: Chế tài xử phạt mạnh sẽ đủ sức răn đe.

Trong Luật An toàn thực phẩm đã phân công rất rõ trách nhiệm của 3 bộ Nông nghiệp, Y tế và Công Thương và UBND các cấp. Theo như phân cấp thì việc giám sát, kiểm tra, thanh tra đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm nói chung và nhóm thực phẩm phân công cho Bộ NN&PTNT thì chủ yếu là do cấp địa phương thực thi và trách nhiệm của 3 bộ là xây dựng những văn bản hướng dẫn, hoàn thiện chế tài và đào tạo nguồn nhân lực để các địa phương triển khai thực thi. Hàng tuần đều có những vụ vi phạm bị phát hiện, xử phạt và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Do vậy không thể nói công tác thanh kiểm tra tại địa phương không được thực hiện một cách đầy đủ.

Từ 1/7/2016, đối với những hành vi sử dụng chất cấm trong sản xuất, sơ chế, chế biến thực phẩm, ngoài bị xử lý hành chính (phạt tiền) sẽ bị truy tố hình sự với mức phạt tối đa đến 20 năm tù. Do vậy, chúng tôi cho rằng với chỉ đạo của Thủ tướng, có đủ nguồn lực hơn, chế tài xử phạt mạnh hơn thì công tác thanh tra, kiểm tra trong thời gian tới sẽ được tăng cường và sẽ đủ sức răn đe đối với những tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm, cố tình vì lợi ích trước mắt để sản xuất sản phẩm không an toàn cho người tiêu dùng.

“Nói không với thực phẩm bẩn” là thông điệp cho toàn xã hội.

Ông Đỗ Hữu Tuấn, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế: Sẽ sơ kết 6 tháng triển khai mô hình mới để báo cáo Thủ tướng.

Hoạt động thanh tra, kiểm tra ATTP đã được quy định rất rõ giữa các cơ quan chuyên môn từ Trung ương đến địa phương quy định tại Luật Thanh tra và Luật An toàn thực phẩm. Trong thực tế, việc thanh kiểm tra cũng đã được triển khai rất mạnh mẽ, đồng bộ. Theo báo cáo năm 2015, đã kiểm tra khoảng 500.000 cơ sở, các địa phương đã xử lý vi phạm hành chính với số tiền phạt lên tới hơn 30 tỷ đồng. 3 tháng đầu năm 2016 cũng kiểm tra khoảng 200.000 cơ sở và số tiền xử phạt là 19 tỷ đồng. Cuối năm 2015, Thủ tướng đã phê duyệt quyết định về triển khai mô hình thí điểm thanh tra, kiểm tra ATTP tới quận/huyện, phường/xã và mô hình này đã đưa ra được một số điểm mới, cách làm mới nhằm tháo gỡ khó khăn và được triển khai tại 5 quận và 10 phường ở 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM, sắp tới sẽ sơ kết 6 tháng triển khai mô hình này để báo cáo Thủ tướng và nhân rộng đến các địa phương khác.

Ông Nguyễn Việt Cường, Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội: Thí điểm thanh tra chuyên ngành tại khu vực xã/phường bước đầu đạt hiệu quả.

Trong thời gian qua, thực hiện Quyết định 38 của Thủ tướng, Hà Nội và TP.HCM là 2 địa phương thực hiện thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP tại khu vực xã/phường. Hà Nội đã thực hiện tại 5 quận/ huyện gồm: Ba Đình, Đống Đa, Nam Từ Liêm, Đông Anh và Thường Tín. Kết quả bước đầu ghi nhận các lực lượng thanh kiểm tra tại xã/ phường đã phát hiện và xử lý vi phạm quyết liệt hơn và có tính chất răn đe cao hơn, do đó các cơ sở cũng có ý thức chấp hành tốt hơn. Song song đó, các cơ sở ngoài bị xử lý vi phạm hành chính còn bị đưa lên hệ thống truyền thanh của phường/xã để thông báo. Chính những biện pháp đó áp dụng cùng với chế tài xử phạt các cơ sở sẽ có hiệu quả tốt hơn. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng còn những khó khăn. Thứ nhất là các cơ sở sản xuất trên địa bàn phường/xã/thị trấn chủ yếu là các cơ sở nhỏ lẻ, thường xuyên biến động, tồn tại những chợ tạm, chợ cóc, gây khó khăn cho việc thanh kiểm tra và xử lý vi phạm. Thứ hai là vẫn còn tâm lý hàng xóm, họ hàng dẫn đến hạn chế về kết quả xử lý vi phạm hành chính. Cán bộ làm công tác thanh tra tại xã/phường còn phải làm những nhiệm vụ khác cùng thời điểm nên cũng khó khăn cho hoạt động thanh tra.


Hạ Hiền (ghi)
Ý kiến của bạn