Hà Nội

Cuộc chiến chống tham nhũng vẫn còn cam go...

21-05-2018 08:01 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - - Chào ông Trần Đăng Khoa! Rất vui lại được tán gẫu với ông trong Hiên trà này, nhất là sau Hội nghị Trung ương 7 ít lâu. Cuộc chiến chống tham nhũng do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trực tiếp chỉ đạo, đã đi được những bước rất quan trọng. Nhiều kẻ tội đồ đã bị lôi ra ánh sáng. Cách làm của Tổng Bí thư và Bộ Chính trị cùng với các cộng sự phải nói là rất bài bản, cẩn trọng và chắc chắn!

Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Đúng vậy! Tổng Bí thư đang rất được dân tin yêu và ủng hộ. Tuy nhiên, cuộc chiến chống giặc nội xâm này vẫn còn cam go lắm. Nhất là với những thế lực hắc ám, có sự cấu kết rất chặt chẽ bởi lợi ích nhóm. Dân thì xa mà nhóm lợi ích lại gần. Gần mà lại đông, tầng tầng lớp lớp nên Tổng Bí thư và các cộng sự của bác ấy cũng vất vả đấy. Như có lần tôi nói, nhà thơ Vũ Quần Phương kể với tôi rằng, vào một ngày áp Tết, ông đưa các cháu ông là những công dân Việt Nam nhưng đều được sinh và sống ở nước ngoài đi lễ chùa. Chúng về thăm ông bà. Ông muốn chúng hiểu phong tục tập quán của ông bà, tiên tổ. Vào chùa lễ, ông ngạc nhiên khi thấy rất nhiều người dân không hề cầu gì cho bản thân mình mà chỉ xin Giời Phật Thánh Thần phù hộ, độ trì cho bác Nguyễn Phú Trọng, để bác ấy được an toàn tấm thân và có sức khoẻ cùng dân chống lại lũ giặc nội xâm đang tàn phá tan hoang đất nước. Đã từ rất lâu rồi mới lại có những cán bộ được dân tin yêu, đùm bọc và chở che như thế. Niềm tin vào Đảng và thể chế đang được hồi phục…

Nhà thơ Trần Đăng Khoa.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa.

- Tết vừa rồi, Ban Bí thư còn ban hành chỉ thị, trong đó có việc nghiêm cấm biếu, tặng quà Tết cấp trên… Ông nghĩ sao về điều này?

Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Như tôi cũng đã nói, người dân rất vui vì quyết định này. Đây là thiện ý rất rất tốt đẹp và rất hợp lòng dân của Đảng và Chính phủ. Tuy nhiên, chúng ta cần thực chất chứ không phải hình thức. Nếu chỉ là hình thức thì người ta sẽ giả vờ thực hiện rất nghiêm minh, không biếu quà ngày Tết, nhưng lại biếu quà vào những ngày dưng. Nghĩa là đút lót trước hoặc sau Tết. Mỹ tục gì ở Việt Nam cũng có thể bị biến thái rồi dần dần biến chất nếu chúng ta không thực hiện và giám sát nghiêm chỉnh. Nhiều người lợi dụng ngay cả việc biếu quà Tết để đục khoét của dân. Các cụ bảo: “Ông thầy ăn một, bà cốt ăn hai” là vì thế. Mà dân biết hết đấy. Ai thế nào, dân biết cả, chỉ có cán bộ không biết nên mới làm liều hoặc nông nổi dại dột vì lợi ích cỏn con trước mắt. Tôi nói cán bộ “dại dột vì lợi ích cỏn con trước mắt” là khi anh nhận quà, họ sẽ lạm dụng việc nhận quà của anh mà đục khoét tiền dân đút túi riêng, rồi số tiền “đút túi” riêng ấy, họ dồn đổ hết lên đầu anh khi “quyết toán nội bộ”. Thế có phải là anh dại dột không? Nhân đại chiến chống tham nhũng ít nhiều cũng đã có được một số thắng lợi bước đầu, tôi thiết tha đề nghị các nhà lãnh đạo, quản lý có biện pháp cứng rắn để chấm dứt vĩnh viễn nạn chạy chức, chạy quyền, chạy dự án và “các trò phết phảy” trong việc ký duyệt các dự án. Đây cũng là nguyện vọng của dân. Trò “phết phảy” là quy định bất thành văn nhưng lại có sức tàn phá đất nước tàn khốc nhất, hiệu quả nhất. Nhiều doanh nghiệp góp tiền để chạy quyền chạy chức cho một cá nhân nào đó. Và khi kẻ chạy chức chạy quyền có được chức quyền thì việc đầu tiên của họ khi có quyền lực trong tay là thu hồi lại vốn đã mất, rồi lại phải có tiền lãi để túi riêng. Còn đâu tâm lực dành cho dân, cho nước. Họ ở vị trí lãnh đạo nhưng đã mất ngay vai trò lãnh đạo rồi. Họ chỉ là con rối tuân theo sự giật dây của những kẻ có tiền. Thực chất đó là lợi ích nhóm. Nỗi khổ muôn dân cũng từ đó mà ra. Đất nước tan hoang cũng bắt đầu từ đó. Việc “phết phảy” cũng vậy. Anh cứ ký duyệt một dự án nào đó, anh lại được bao nhiêu phần trăm của tổng số tiền chi cho dự án đó. Dự án càng lớn thì số tiền của anh lại càng nhiều. Thế thì ai chẳng muốn có vị trí để được quyền ký các quyết định. Thế thì làm sao mà tránh được những tệ nạn rút ruột công trình và miên man những chuyện tiêu cực khác. Con hổ tha được con lợn thì con chó, con mèo cũng phải có miếng thịt hay khúc xương chứ. Nợ nần chồng chất đổ xuống đầu dân cũng xuất phát từ đấy. Chỉ có chấm dứt được vấn nạn đó thì lòng dân mới yên và đất nước mới có kỳ vọng ổn định để phát triển…

- Trong hội nghị Trung ương vừa rồi cũng đã bàn đến những vấn đề rất căn cốt, đặc biệt là công tác nhân sự. Tại sao chúng ta chuẩn bị rất kỹ, những con người chúng ta lựa chọn cũng kỹ, lại được luân chuyển để thử thách, còn phải qua rất nhiều khâu rà soát cồng kềnh, mà rồi vẫn có những trục trặc đáng tiếc? Vì sao vậy?

Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Đấy là lỗi hệ thống. Người phát hiện ra khiếm khuyết tử huyệt này cũng chính là các đồng chí lãnh đạo cao nhất của chúng ta. Ở các nước văn minh, nhân sự luôn thay đổi. Mỗi tổng thống có một kiểu điều hành riêng, thậm chí người sau còn phủ nhận cả người trước nhưng đường hướng phát triển vẫn không thay đổi vì họ có sự giám sát rất chặt chẽ, muốn tham nhũng cũng không thể tham nhũng được. Ở ta, việc giám sát lại lỏng lẻo, nhiều khi chỉ là hình thức nên lợi ích nhóm mới có đất nảy sinh. Vừa rồi, về Hải Phòng, tham dự cuộc hội thảo của các nhà doanh nghiệp, tôi có dịp gặp ông Tô Văn Trường. Ông Trường là thành viên của Hội đồng tư vấn của Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Cứ như lời ông, để đất nước và xã hội phát triển bền vững, điều kiện đơn giản mà ai cũng thấy là cần có một hệ thống tốt và cả những con người có tâm và có tầm. Hệ thống tốt sẽ đảm bảo công việc chạy tốt mà không quá phụ thuộc vào các cá nhân vận hành hệ thống đó. Hệ thống tốt còn có khả năng tự bảo vệ (ví như loại trừ các cá nhân không tốt như là PC có cài đặt hệ thống diệt virut tự động). Hệ thống tốt cũng là sự đảm bảo cho các cá nhân tốt - có thể xem như là các mắt xích của nó - có được lợi thế và phát huy tối đa năng lực cũng như các yếu tố lành mạnh. Đó sẽ là mảnh đất màu mỡ cho các cá nhân có tâm, có tài và có các phẩm chất tốt cống hiến cho đất nước. Một hệ thống không tốt thì ngược lại. Đáng tiếc là với các “lỗi hệ thống” mà công luận nhắc đến lâu nay đã dẫn đến những hậu quả đáng tiếc như chúng ta đã thấy lâu nay qua một loạt các vụ trọng án đã xét xử và sẽ xét xử. Chúng ta đã đổi mới rất nhiều, nhưng một hệ thống tốt của ta vẫn là cái đích còn rất xa. Trong hệ thống bị lỗi, các cá nhân dù xuất sắc đến đâu cũng khó có thể xoay chuyển thế cục. Ông Tô Văn Trường có 2 lần trò chuyện riêng (mỗi lần khoảng hơn 2 tiếng) với ông Nguyễn Văn An - cựu Chủ tịch Quốc hội, trong đó có nói nhiều về “lỗi hệ thống”. Riêng với ông Võ Văn Kiệt thì hai thầy trò đàm đạo thường xuyên chuyện nước, chuyện đời với những day dứt khôn nguôi về tất cả các lĩnh vực liên quan đến vận nước. Trong tình trạng tham nhũng tràn lan và quyền lực không được kiểm soát như trong thời gian qua, theo ông Tô Văn Trường, chính là lỗi hệ thống. Người dân rất mong Tổng Bí thư, Bộ Chính trị và các đồng chí cộng sự mà chúng ta vô cùng tin tưởng sẽ tìm ra cách vượt qua những khó khăn đã tích tụ từ rất nhiều đời này. Trong bài “Tư duy kinh tế Việt Nam”, cố GS. Đặng Phong đã viết “Sự thịnh suy của một quốc gia lệ thuộc rất nhiều vào bộ máy lãnh đạo và đặc biệt là những người lãnh đạo. Xưa nay, trong lịch sử mọi quốc gia, không có thời đại nào được gọi là thịnh trị mà lại không phải là thời đại có một vị minh quân. Ngược lại, không có một thời đại nào suy đồi mà lại không liên quan tới một vị hôn quân, một bộ máy nhà nước hủ bại”. Thực tế, vai trò cá nhân đối với lịch sử cũng vô cùng quan trọng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, các ông Võ Nguyên Giáp, Trường Chinh, Võ Văn Kiệt, Kim Ngọc và bây giờ là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các cộng sự… khi quan điểm “việc nhân nghĩa cốt ở yên dân” được lấy làm cơ sở...

- Vừa rồi, chúng ta cũng đã có rất nhiều quy định mới rất hay, như bí thư của các tỉnh hay các huyện phải là người địa phương khác…

Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Chủ trương “Bí thư nên là người địa phương khác” được đề xuất trong tiến trình chống tham nhũng mục đích tránh tình trạng địa phương, bè phái, “một người làm quan cả họ được nhờ”. Thực chất đã có địa phương, rất nhiều cán bộ, rải từ các cơ quan từ trên tỉnh xuống đến các huyện đều là vợ con, anh em họ hàng của ông bí thư. Việc đưa người lãnh đạo cao nhất ở địa phương khác về sẽ ít nhiều tránh được tệ nạn đó. Tuy nhiên đấy cũng chỉ là giải pháp tình thế, giải pháp ngọn. Chỉ có thể giải quyết triệt để vấn đề này bằng thay đổi cách lãnh đạo, từ đó có cơ chế giám sát quyền lực hiệu quả. Đó mới là giải pháp gốc. Hay nói cách khác, cải cách chỉ là phần ngọn của cái gốc là cải tổ. Cải tổ triệt để!

- Xin cảm ơn ông!


SONG YẾN (ghi)
Ý kiến của bạn